• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc ủ mưu vu khống Việt Nam

16/06/2014 23:59

(Toquoc)-Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo quốc tế bác bỏ những thông tin mà Trung Quốc vu cáo cho Việt Nam

(Toquoc) – Việt Nam không sử dụng người nhái tại khu vực hiện trường. Về lưới đánh cá và một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân là do ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc ngăn cản, đâm va, phun nước nên tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới, cơ động tàu để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc. Trung Quốc vớt lưới, thùng phuy, thùng sơn…lên coi là vật chứng là hoàn toàn sai sự thật.

Chiều 16/6, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo quốc tế nhằm cung cấp những thông tin khách quan về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên Biển Đông.

Trung Quốc vớt lưới, thùng phuy…nhằm vu khống Việt Nam

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, ngày 13/6/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo về giàn khoan Hải Dương 981, trong đó có đưa ra một số thông tin và hình ảnh sai lệch với tình hình thực tế trên hiện trường.

Việc Trung Quốc công bố tính đến 12h ngày 13/6/2014 các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1.547 lần vào các tàu của Trung Quốc và làm cho mũi tàu Trung Quốc hư hỏng, “chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch và phi lý trên. Thực tế vừa qua chỉ có các tàu Trung Quốc  mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam làm cho 36 lần/chiếc tàu Việt Nam bị hư hỏng (23 tàu kiểm ngư, 05 tàu cảnh sát biển, 07 tàu cá trong đó tàu cá Việt Nam số hiệu Đna 90152 TS bị tàu cá Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm vào lúc 16h ngày 26/5/2014 tại khu vực cách giàn khoan 16,5 hải lý về phía Tây Nam).

Từ ngày 3/5 đến nay, tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và ba ngư dân Việt Nam bị thương.

Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu Trung Quốc tiến hành đâm và tàu Việt Nam bị đâm. Các tàu Việt Nam không thể sử dụng mạn và boong tàu để đâm vào mũi tàu Trung Quốc được”, ông Thu khẳng định.

Về việc Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá và chướng ngại vật tại khu vực hiện trường gây ảnh hưởng tới người và tàu của Trung Quốc, ông Thu khẳng định cho tới thời điểm hiện nay Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường.

Về một số lưới đánh cá và một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam. Khi ngư dân Việt Nam tiến hành đánh bắt cá thì các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm va và phun nước nên tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới, cơ động tàu để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc. Tàu Trung Quốc đã thu mất lưới của ngư dân Việt Nam.

Những vật trôi nổi trên biển như: thùng phuy, mảnh gỗ… Trung Quốc vớt được trên biển là do tàu Trung Quốc đâm va vào các tàu Việt Nam và sử dụng vòi rồng công suất lớn phun sang các tàu Việt Nam làm cho các thùng phuy chứa dầu, thùng sơn, các khúc gỗ là dụng cụ huấn luyện để trên mặt boong tàu, các mảnh ván và thiết bị của tàu Việt Nam bị đâm vỡ…, văng xuống biển. Phía Trung Quốc vớt lên coi là vật chứng là hoàn toàn sai với sự thật.

Việc Trung Quốc nói không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến hiện trường, ông Thu cho biết: “Thực tế chúng tôi và cả phóng viên các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã ghi lại được đầy đủ các số liệu, số hiệu tàu và máy bay tại thực địa là bằng chứng không thể chối cãi. Mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt…song lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích …các tàu Trung Quốc. Các tàu Việt Nam không phun nước và đâm vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc mà chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam”.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, ngư trường và hỗ trợ ngư dân

Ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, hiện Trung Quốc duy trì trung bình khoảng 120 tàu /ngày, trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay tuần thám, trực thăng nhằm uy hiếp lực lượng tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam dưới nhiều hình thức: vây ép, húc đẩy, đâm va, phun nước bằng vòi rồng…

Thậm chí, phía Trung Quốc còn sử dụng đèn pha công suất lớn, loa âm tần để tác động tâm lý đến thủy thủ Việt Nam. Trung Quốc còn sử dụng cách chặn đầu, lùi lại để tạo bằng chứng vu cáo tàu Việt Nam đâm va.

Đến thời điểm này đã có 23 tàu kiểm ngư Việt Nam bị các tàu của Trung Quốc chủ động đâm va, phun nước gây hư hỏng.

Tháng 5/2014, Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trong 2,5 tháng, trong đó vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 16/5. Nhưng cũng đúng ngày 16/5, Trung Quốc huy động hàng chục tàu cá ra khu vực giàn khoan. Chứng tỏ các tàu này không nhằm mục đích đánh cá. Họ dùng công cụ chuyên dụng cắt lưới, đâm chìm tàu cá Việt Nam…

Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu tàu cá Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc nhiều lần và bị lật, tàu Trung Quốc định cứu nhưng bị tàu Việt Nam bao vây, ông Thu khẳng định khu vực này tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc ngày 26/5, khi tàu cá của Việt Nam mang số hiệu Đna – 90152-TS có 10 ngư dân trên tàu đang hoạt động khai thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý thì bị nhiều tàu cá của Trung Quốc bao vây, uy hiếp, trong đó tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã chủ động bám đuổi, đẩm, đẩy tàu cá Đna – 90152-TS của Việt Nam đến khi lật úp. Ngoài ra, các tàu cá của Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu của Việt Nam tham gia cứu hộ 10 ngư dân của tàu cá Đna – 90152-TS.

“Chúng tôi phản đối và bác bỏ thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 13/6/2014. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu, bằng chứng chứng minh hành động sai trái này của Trung Quốc”, ông Hà Lê khẳng định.



Hình ảnh của một tàu hải cảnh mà Trung Quốc dùng để vu cáo tàu Việt Nam đâm va hơn 1.500 lần. Ảnh: Reuters

Việt Nam triển khai hoạt động dầu khí hiệu quả

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cho biết: Trong hơn 40 năm qua, PVN đã triển khai bình thường hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và vùng phụ cận.

Đến nay, PVN đã ký hơn 100 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, trong đó có 41 hợp đồng còn hiệu lực. Việt Nam đã khoan hơn 900 giếng khoan. Tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Trung Quốc tuyên bố có 57 lô dầu khí đang trong vùng tranh chấp, chúng tôi đã làm việc với tất cả công ty dầu khí đang hoạt động trong vùng mà Trung Quốc goi là tranh chấp. Tại các cuộc làm việc này, chúng tôi nhận tín hiệu rất tốt, đại diện các công ty đều chia sẻ và ủng hộ lập trường cũng như tuyên bố của PVN cũng như của Chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định các hoạt động dầu khí của PVN cũng như của họ là hoàn toàn hợp pháp. Họ khẳng định tiếp tục thực hiện cam kết đã ghi trong hợp đồng.

“Hiện chúng tôi đang có kế hoạch cùng các công ty này triển khai tích cực các hoạt động dầu khí, dù phía Trung Quốc có những tuyên bố này khác. Một lần nữa, PVN cực lực phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không tái diễn hành động tương tự…”, ông Thập nhấn mạnh.

Các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, lịch sử

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia cho biết, Việt Nam bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa vì các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

Các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa. Trung Quốc đưa ra một số “tư liệu lịch sử” nhưng không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được diễn giải một cách tuỳ tiện. Các tư liệu này đều là của cá nhân, không phải là tài liệu chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc.

Sau khi Pháp ký hiệp định bảo hộ năm 1874 và 1884 với triều đình phong kiến Việt Nam, Pháp đã thay mặt Việt Nam công bố chủ quyền Hoàng Sa đã được Việt Nam thiết lập. Chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng từng chiếm nhưng sau đó đã phải từ bỏ Hoàng Sa. Nhật Bản sau khi thua trong Thế chiến thứ hai buộc phải trao trả lãnh thổ của Trung Quốc nhưng trong hội nghị trao trả, cũng không hề nêu đến việc trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa (vào các năm 1956 và 1974).

Dùng vũ lực thôn tính không thể đưa lại chủ quyền cho Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ được công nhận chủ quyền của mình ở đây. Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Trung Quốc xuyên tạc thực chất không hề đề cập gì đến vấn đề chủ quyền. Hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ ủng hộ Trung Quốc mở rộng vùng lãnh hải từ 3 lên 12 hải lý.

Là một bên ký kết Hiệp định 1954, Trung Quốc rõ ràng hiểu được Hoàng Sa và Trường Sa thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Nhà nước Việt Nam sau khi thống nhất đã xác định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam đang thiện chí giải quyết vụ việc thông qua đàm phán và biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc phản ứng thiếu xây dựng.

Ông Trần Duy Hải cũng cho biết thêm, trong hơn một tháng qua, Việt Nam đã nỗ lực liên lạc, đối thoại với nhiều hình thức, nhiều cấp, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền của Việt Nam, tạo điều kiện hai bên đàm phán… Việt Nam cũng đã tiếp xúc hơn 30 lần nhưng Trung Quốc vẫn từ chối đàm phán thực chất.

Trung Quốc vu cáo Việt Nam đâm tàu Trung Quốc nhưng lại không đưa bằng chứng nào trong khi Việt Nam đã đưa nhiều băng hình. Việt Nam đã mời nhà báo quốc tế ra hiện trường và các nhà báo đã phản ánh trung thực. Việt Nam đã thể hiện thiện chí yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế. Nên việc Trung Quốc nói cánh cửa đàm phán rộng mở là không đúng thực tế.

 


Đối thoại cấp cao Việt- Trung bàn về Biển Đông

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo giới về việc liệu ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện (Trung Quốc) sẽ có mặt ở Việt Nam tham dự cuộc họp Ủy ban Ban chỉ đạo hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam có nghĩ cuộc gặp này sẽ giúp giải quyết vấn đề?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng, ông Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam. Đây là cuộc gặp giữa hai chủ tịch Ban chỉ đạo hợp tác song phương. Trong các chủ đề cuộc gặp lần này, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan chắc chắn sẽ được đề cập.

Việt Nam luôn kiên trì, tìm mọi kênh để giải quyết hòa bình tình hình hiện nay trên biển Đông. Cuộc gặp lần này sẽ là một kênh để thảo luận, tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng.

Về phản ứng của Việt Nam khi Trung Quốc hiện đang mở rộng một số công trình kiên cố ở Trường Sa, ông Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết Trung Quốc đã mở rộng, xây dựng công trình trái phép ở Gạc Ma và một số điểm khác vốn bị Trung Quốc chiếm từ tháng 3/1988.

Việt Nam cực lực phản đối hành vi này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xây dựng mở rộng trái phép, các hành động thay đổi hiện trạng, không để hành động tái diễn trong tương lai vì nó ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông…/.

 

Quỳnh Anh

 

 

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ