• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trùng tu, phục chế tác phẩm mỹ thuật: "Cầm vàng đừng để vàng rơi"

Văn hoá 05/05/2019 10:46

(Tổ Quốc) - Những ngày qua, câu chuyện về việc tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung - Nam - Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại sau quá trình làm vệ sinh của bảo tàng, khiến không chỉ người trong ngành cảm thấy đau xót mà còn là hồi chuông cảnh báo công tác bảo quản, tu bổ, phục chế.

"Cầm vàng" lại để "vàng rơi"

Tác phẩm Vườn xuân Trung - Nam - Bắc được danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác vào giai đoạn đất nước còn trong khói lửa chiến tranh. Thời gian sáng tác tác phẩm kéo dài tới 20 năm (khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989). Đây được cho là tác phẩm có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là một trong những tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Năm 1990, UBND TP. HCM đã bỏ ra một số tiền lớn (khoảng 100.000 USD) để mua tác phẩm và trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Ngay sau đó tác phẩm này đã được một nhà sưu tập người Bỉ ngỏ ý mua lại với giá 1 triệu USD. Và trong nhiều năm tiếp theo, nhiều nhà đấu giá, nhà buôn tranh tìm cách để mua lại bức tranh này hoặc đề nghị đưa tranh ra nước ngoài triển lãm song cho đến nay tuyệt tác này vẫn chưa một lần xuất ngoại.

Trùng tu, phục chế tác phẩm mỹ thuật: Cầm vàng đừng để vàng rơi - Ảnh 1.

Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc- bảo vật quốc gia được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM (ảnh: sggp.vn)

Bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM từ đó đến nay. Năm 2013, cùng với các bức tranh "Em Thúy", "Hai thiếu nữ và em bé" và "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ ", tuyệt tác "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí đã trở thành bảo vật quốc gia trong đợt công nhận lần thứ 2 Chính phủ.

Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 4 vừa qua, dư luận hoảng hốt khi truyền thông lên tiếng về bức tranh xuất hiện với một diện mạo mới sau 2 tháng được làm vệ sinh. Nhiều người bức xúc vì bức tranh bị cho là xuống sắc nghiêm trọng, lớp sơn, lớp trứng và một số lớp dát vàng trên bức tranh bị bong tróc. Điều đáng tiếc là với một bảo vật quốc gia, nhưng Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM lại giao việc bảo quản phòng ngừa, vệ sinh tác phẩm một thợ sơn mài tên là Lưu Minh Phụng ở TP. HCM thực hiện. Báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nêu: "Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh...".

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ: "Tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung - Nam - Bắc có thể coi là hiện vật chiếm tới 50% thương hiệu, giá trị và uy tín của Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Bức tranh quan trọng như vậy, mà họ lại không đánh giá đúng và có sự đầu tư đúng mực với "báu vật" này, thật là đáng tiếc".

Họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ thêm: "Tranh sơn mài hơn nhau ở độ huyền ảo, sâu thẳm, ở phần không khí, linh hồn của bức tranh. Nếu chỉ tính về mặt vật chất cụ thể là các lớp sơn thì các tác giả rất dễ giống nhau, thậm chí rất dễ sửa vì ai cũng biết nguyên tắc trứng thì sử dụng thế nào, dát vàng ra sao, nhưng quan trọng là mài đến đâu, dừng lại ở mức độ nào để tạo được độ sâu thẳm, huyền ảo của các lớp sơn mài, đó là cái khác nhau về nghệ thuật của từng người".

Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng cho rằng, nếu tác giả Nguyễn Gia Trí còn sống thì có thể nhờ tác giả can thiệp, phục hồi được một phần nào đấy, mặc dù chắc chắn không thể 100% như cũ. Nhưng tác giả mất rồi thì không nên can thiệp mà nên giữ nguyên hiện trạng. Nghĩa là phải chấp nhận những mất mát ở bảo vật quốc gia này.

Cần khắc phục hạn chế trong công tác bảo quản phục chế

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, trăn trở lớn nhất của ông trong ngành vẫn là công tác bảo quản. Tác phẩm mỹ thuật dù được sáng tạo tốt, nhưng nếu không biết gìn giữ, bảo quản và tu sửa thì giá trị của chúng sẽ giảm đi theo năm tháng. "Chúng ta đã có một thời gian dài không có điều kiện bảo quản tác phẩm mỹ thuật, đó là chưa nói tới thời chiến còn phải đem tác phẩm vào hang cất giữ. Nhiều tác phẩm sơn dầu bị bong, cũ, bị ôxy hóa", Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho biết.

Trùng tu, phục chế tác phẩm mỹ thuật: Cầm vàng đừng để vàng rơi - Ảnh 2.

Vẻ đẹp và chiều sâu của tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc khi còn nguyên bản

Theo họa sĩ Khánh Chương, trên thế giới việc bảo quản tác phẩm mỹ thuật được thực hiện khá nghiêm cẩn, không chỉ là máy điều hòa không khí, máy lọc bụi, hút ẩm mà việc đặt tác phẩm ở tư thế như thế nào, treo hay đặt trên bệ cũng được tính kỹ. Với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng quá nhiều quy tắc khắt khe cũng không phù hợp, song vẫn cần có điều kiện bảo quản và lưu giữ tranh tốt hơn để các tác phẩm không bị bong tróc, cong vênh, nứt vỡ…

Bảo quản đã khó nhưng với mỹ thuật Việt thì câu chuyện phục chế còn khó khăn hơn rất nhiều. Ở nhiều nước, đội ngũ làm phục chế phát triển song hành với đội ngũ sáng tác, nhưng Việt Nam thậm chí còn chưa có nơi đào tạo chuyên ngành này, hầu hết các cán bộ phục chế đều là họa sĩ, kỹ sư hóa học; kiến thức về việc phục chế cơ bản là tự học hỏi, nghiên cứu, mày mò từ tài liệu nước ngoài. Công đoạn phục chế của ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm nhận của họa sĩ, không có bất cứ hỗ trợ nào từ máy móc hay các phương tiện kỹ thuật hiện đại; thợ phục chế tranh chỉ dựa vào kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc và được truyền nghề từ các thế hệ trước. Nghề phục chế không hẳn yêu cầu phải sáng tạo, nhưng phải biết làm lại được giống cái cũ - càng giống càng tốt.

Đến tận năm 2006, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới thành lập được Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật trên cơ sở tổ trang trí, phục chế, trở thành nơi có chuyên môn tốt nhất về công tác này trong nước. Tới thời điểm này, trung tâm cũng chỉ có 10 cán bộ phục chế tranh ở các mảng khác nhau, từ tranh giấy dân gian, sơn mài, tranh lụa, tranh gỗ, tượng...; hầu hết kỹ thuật phục chế đều tự mày mò và bồi bổ kỹ năng qua thời gian. Vì thế, nhiều tác phẩm có giá trị, bị hư hỏng nặng vẫn phải mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ tu sửa. Điển hình như bức tranh Em Thúy (họa sĩ Trần Văn Cẩn) có sự hỗ trợ của các chuyên gia Anh. Bức sơn mài Nam Bắc một nhà (họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ), Hội chùa (họa sĩ Lê Quốc Lộc) do chuyên gia từ Mỹ giúp đỡ tu sửa. Bức Mẹ con (họa sĩ Lê Thị Kim Bạch), Uống rượu cần (họa sĩ Kà Kha Sam) có sự phối hợp phục chế của các chuyên gia Đức…

Phục chế các tác phẩm hội họa ngoài đòi hỏi tay nghề cần cả sự nhạy cảm. Làm thế nào để các tác phẩm sau trùng tu vẫn giữ được thần thái, làm sao để giữ được màu thời gian, không tạo cho người xem cảm giác lạ lẫm? Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là yêu cầu không đơn giản đối với người trong nghề. Có lẽ cũng vì thế mà chuyện dư luận cho rằng bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung - Nam - Bắc bị hỏng do bảo quản và làm vệ sinh là sớm muộn sẽ xảy ra và có thể sẽ tiếp tục với những tác phẩm khác nữa.

"Hội họa là lĩnh vực đặc thù, nhất thiết phải có các chuyên gia trình độ cao. Cứ tùy tiện như thế này thì rồi còn nhiều những tác phẩm giá trị, kể cả những bảo vật quốc gia khác trong lĩnh vực mỹ thuật cũng có nguy cơ bị hỏng hóc... Người nào đó hiểu biết ở mức độ bình thường cũng hiểu rằng, không ai dại gì mà can thiệp vào mặt tranh bằng hóa chất. Nếu dùng thứ gì đó để tác động vào bề mặt tranh làm mất đi phần hồn, giá trị tinh thần và không khí trong tranh sơn mài là vô cùng nguy hiểm. Bởi không thể phục hồi lại được", ông Vi Kiến Thành thẳng thắn nhận định.

Theo đề xuất của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, sẽ lập dự án tu sửa lại tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc. Tuy nhiên, nhiều họa sĩ có chuyên môn khẳng định, khó mà phục hồi lại nguyên trạng tác phẩm. Đây là bài học đau xót của ngành bảo quản, trùng tu tác phẩm mỹ thuật. Và mong rằng, sau Vườn xuân Trung Nam Bắc, sẽ không còn tác phẩm mỹ thuật nào bị trùng tu, bảo quản một cách tùy tiện, thiếu khoa học như thế nữa./.

Hoàng Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ