Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Biên giới lãnh thổ đã được phân định rõ ràng. Vậy mà phía Trung Quốc ngang nhiên đưa hàng chục vạn quân đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc đã dùng sức mạnh áp đảo để chiếm 4 thị xã và hàng chục huyện dọc biên giới của ta trong thời gian gần một tháng. Như vậy rõ ràng phải gọi nó là cuộc chiến tranh xâm lược.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm- nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam: "Phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược!"

Vẫn tác phong nhanh nhẹn và lối tư duy sắc sảo, mạch lạc của người chỉ huy chiến đấu năm xưa, ông đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong những tháng năm ở chiến trường. Trưởng thành từ người chiến sĩ ngoài mặt trận rồi sau này trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, ông là người lính chiến dày dạn kinh nghiệm. Trong những ngày đầu chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc, ông giữ cương vị Phó chính ủy trung đoàn. Nhân dịp đầu xuân, ông đã dành cho phóng viên chúng tôi một cuộc trò chuyện rất tâm đắc.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam:  “Phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược!” - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm:

PV: Thưa ông, là người trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu chống quân Trung Quốc trên biên giới phía Bắc, hôm nay nhìn lại, ông có suy nghĩ như thế nào về cuộc chiến ấy?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Trước hết phải nói thế này, tôi có một suy nghĩ khác với nhiều người về cuộc chiến tranh đó. Lâu nay chúng ta quen với tên gọi là Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, như vậy không đúng. Theo tôi, phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam. Lý do là hai nước láng giềng, có quan hệ hữu nghị gắn bó từ những năm chúng ta còn kháng chiến chống Pháp. Biên giới lãnh thổ đã được phân định rõ ràng. Vậy mà phía Trung Quốc ngang nhiên đưa hàng chục vạn quân đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc đã dùng sức mạnh áp đảo để chiếm 4 thị xã và hàng chục huyện dọc biên giới của ta trong thời gian gần một tháng. Như vậy rõ ràng phải gọi nó là cuộc chiến tranh xâm lược.

 Tôi với anh đang là bạn thân với nhau, ở chung một phòng. Thế mà anh lấy dao đâm vào lưng tôi một nhát. Thế là thế nào, bạn hay thù?

PV: Khi chiến tranh nổ ra, ông đang đóng quân ở đâu và giữ cương vị gì? 

 Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Lúc đó Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 chúng tôi đóng ở huyện Than Uyên, Hoàng Liên Sơn (nay là Lai Châu). Tôi là Phó chính ủy trung đoàn. Ngày ấy thông tin liên lạc còn khó khăn nên chiều ngày 18-2 chúng tôi mới nhận được thông báo Trung Quốc đã đánh vào thị xã Lào Cai. Thế là ngay chiều hôm ấy, trung đoàn tôi và Trung đoàn 174 được lệnh khẩn cấp hành quân về Lào Cai để đánh phản kích.

Tôi với anh đang là bạn thân với nhau, ở chung một phòng. Thế mà anh lấy dao đâm vào lưng tôi một nhát. Thế là thế nào, bạn hay thù?"

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Ở hướng Lào Cai, quân Trung Quốc không đánh theo hướng trực diện qua cầu Hồ Kiều vào thị xã mà tiến bằng hai hướng Quang Kim, Bát Xát và ngã ba Bản Phiệt xuống. Họ bắc cầu phao qua sông Nậm Thi để các lực lượng tiến sang đất ta. Pháo của địch bắn rất dữ dội để dọn đường cho bộ binh nên sau một ngày chúng đã chiếm được thị xã Lào Cai. Lực lượng địch được huy động đông gấp hàng chục lần phía ta. Lúc đầu chúng tôi nhận lệnh đánh phản kích để đẩy lùi địch về phía biên giới. Nhưng do lực lượng ta mỏng, nếu đánh trực diện như vậy sẽ tổn thất lớn. 

Trước tình hình đó, Trung tướng Vũ Lập - Tư lệnh Quân khu 2 ra lệnh phá một số cây cầu để làm chậm tốc độ tiến công của địch. Đồng thời, Trung đoàn 148 nhận nhiệm vụ mới là phòng ngự để bảo vệ dân, dàn quân từ Cốc San lên tuyến đường đi Sa Pa. Từ 2 thị xã Lào Cai và Cam Đường, hàng vạn người dân hoảng loạn chạy sơ tán về phía sau. Như vậy là bộ đội tiến lên phía trước, còn dân chạy về phía sau, tránh chết chóc. 

Trước đó chúng ta quen với chiến tranh giải phóng, bây giờ mới thực hiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nên những ngày đầu có hơi bất ngờ và bị động. Cảnh tượng lúc đó giống như trong những bộ phim và sách báo của Nga nói về chiến tranh thế giới thứ 2 mà chúng ta đã xem trước đây.

Trung đoàn 148 có tới 80% là chiến sĩ trải qua chiến đấu ở chiến trường chống Mỹ từ phía Nam ra, rất kiên cường, dũng cảm. Đại đội 10 của Tiểu đoàn 6 chiếm giữ điểm cao 608, Trung Quốc dùng một sư đoàn tấn công 7 ngày nhưng không lên nổi. Họ cứ xông lên là lại bị quân ta đánh bật trở lại, có tiến được đâu. Sau đó họ lấn chiếm được một nửa điểm cao thì tôi tổ chức cho bộ đội đánh giáp lá cà khiến quân địch hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Chính vì thế, Sư đoàn 316 đã đánh thọc sườn, chặn quân Trung Quốc không tiến sâu được nữa. Suốt 1 tuần lễ, Trung Quốc dùng hơn một quân đoàn và lực lượng pháo binh rất mạnh để đánh về Cam Đường và Sa Pa nhưng rồi cũng chỉ quanh quẩn ở thị xã Lao Cai. Khi địch vào được Sa Pa thì chúng tôi đã bảo vệ dân rút an toàn về phía sau. Nếu tiến thêm nữa thì Trung Quốc sẽ gặp khó khăn vì Trung đoàn 148 đã chặn đánh chúng ở đèo Khí tượng. 

 Bây giờ tôi không muốn nhắc lại chi tiết những trận chiến đấu ác liệt ngày đó nữa. Chỉ biết rằng, cuộc chiến đã để lại những hậu quả nặng nề cho cả hai phía. Sau mấy trận chiến đấu, tôi được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba và được bổ nhiệm thẳng lên làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam:  “Phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược!” - Ảnh 3.

PV: Là cán bộ trực tiếp chỉ huy chiến đấu, ông rút ra những điều gì về cuộc chiến tranh đó?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Đó là những vấn đề tôi vẫn suy nghĩ từ nhiều năm nay. Thứ nhất là chúng tôi bất ngờ trước sự tấn công của Trung Quốc. Mà Trung Quốc thì quá vội vã. Chỉ 15 ngày sau khi Đặng Tiểu Bình gặp Tổng thống Mỹ Ca-tơ là đánh ta luôn. Trong tư duy của chúng tôi trước đó thì không thể có chuyện Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự để đánh Việt Nam mà vẫn chỉ là những mâu thuẫn trong quan hệ đối ngoại, sẽ được hai nhà nước giải quyết bằng con đường ngoại giao. Vì thế, một số đơn vị đóng quân ở phía Bắc chỉ huấn luyện và tham gia sản xuất. Mà huấn luyện thì cũng vẫn huấn luyện bộ đội theo cách đánh Mỹ. Trong thâm tâm những người lính chúng tôi khi ấy đều nghĩ rằng, không thể có chuyện Trung Quốc đánh ta được.

Thứ hai là nếu xác định trước rằng Trung Quốc đánh Việt Nam thì chúng tôi đã chủ động hơn trong cách đánh phòng ngự. Và với kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm ở chiến trường đánh Mỹ, chắc chắn bộ đội ta sẽ chặn đứng được bước tiến của địch trong những ngày đầu. Sau này nhìn lại cuộc chiến đấu ấy, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, nếu chủ động từ đầu, bố trí thế trận phòng ngự tốt thì bảo đảm là quân Trung Quốc không thể tràn qua biên giới mấy chục km như vậy được. 

Trung Quốc cứ nói rằng "Dạy cho Việt Nam một bài học" nhưng chính Trung Quốc đã phải nhận lấy một bài học thất bại khi đánh sang Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm

Cho đến bây giờ, nhiều người lính Trung Quốc cũng vẫn chưa hiểu được tại sao họ lại bị xua sang đánh Việt Nam. Chỉ một số sĩ quan tướng lĩnh của họ hàng năm vẫn gặp mặt kỷ niệm và tự tôn vinh nhau chứ có gì đáng tự hào đâu.

PV: Với kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường, ông thấy quân Trung Quốc với quân đông, hỏa lực mạnh như  thế thì tốc độ tấn công, hiệu suất chiến đấu của họ trên thực tế thế nào?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tôi cho là tốc độ tấn công của họ quá chậm. Ở các hướng, tính bình quân mỗi ngày họ chỉ tiến được hơn 1 cây số. Bởi họ đã vấp phải sự kháng cự dũng cảm của quân và dân ta. Như ở Lào Cai, một quân đoàn của Trung Quốc mà đánh nhau với một trung đoàn của ta còn mất hàng tuần mới tiến được có mấy cây số. Chính vì thế, khi quân Trung Quốc vào được Sa Pa và Cam Đường thì chúng tôi đã bảo vệ dân rút hết về phía sau rồi.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam:  “Phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược!” - Ảnh 5.

Trung Quốc nói tiêu diệt quân chủ lực của ta nhưng không có chuyện đó. Mặc dù lực lượng mạnh như thế nhưng tấn công xâm lược mà không diệt gọn được đại đội nào của ta. Ta lượng sức mình yếu trước kẻ mạnh nên phải bảo toàn lực lượng, có đơn vị vừa đánh vừa rút. Và thực chất là tháng 2-1979, Trung Quốc mới đánh nhau với bộ đội địa phương, lực lượng biên phòng rất mỏng và dân quân tự vệ ở biên giới của ta thôi. Thế mà họ đã bị thiệt hại nặng nề. Khi rút quân, lính Trung Quốc vẫn còn tiếp tục tàn phá cơ sở kinh tế hạ tầng, bắn giết đồng bào ta.

PV: Ông có nhận xét gì về cuộc tấn công xâm lược ấy của Trung Quốc?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Trung Quốc đã thất bại cả về quân sự, chính trị, ngoại giao; cả về ý nghĩa xã hội, nhân văn. Phát động một cuộc chiến tranh xâm lược như thế, họ muốn gây sức ép buộc ta rút quân khỏi Campuchia và kéo dài việc đàm phán phân định biên giới. Nhưng qua cuộc xâm lược ấy, họ thể hiện sự yếu kém. Cho nên tôi cho rằng, cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đã thua về nhiều mặt chứ chẳng vẻ vang gì như họ vẫn tuyên truyền lâu nay.

Quân đội ta đánh Pháp, đánh Mỹ và vừa đánh thắng bọn Pôn Pốt ở Campuchia hơn một tháng trước đó có tác động đến tư tưởng của quân Trung Quốc. Họ run sợ. Nếu cố tiến sâu nữa thì Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề hơn".

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm

PV: Nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông có suy nghĩ gì khác so với trước đây không?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tôi và nhiều đồng đội thỉnh thoảng vẫn ngồi ôn lại kỷ niệm về cuộc chiến tranh ấy. Điều mà chúng tôi vẫn khẳng định không thay đổi là: Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa; còn chúng ta tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là chính nghĩa. Trung Quốc cứ nói rằng "Dạy cho Việt Nam một bài học" nhưng chính Trung Quốc đã phải nhận lấy một bài học thất bại khi đánh sang Việt Nam. Quân đội chúng ta vừa đánh Mỹ xong vài năm thì lại phải đánh đuổi bè lũ Pôn Pốt phản động ở Campuchia; rồi vừa giải phóng Campuchia được hơn 1 tháng thì Trung Quốc tấn công ta ở biên giới phía Bắc. Lực lượng chủ lực của quân đội lúc đó còn ở hầu hết Campuchia và phía Nam. Vì thế, Trung Quốc dùng lực lượng lớn như vậy chỉ để đánh nhau với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ của ta mà đã gánh chịu hậu quả nặng nề thì chúng tôi cho rằng, Trung Quốc lúc đó quá kém. Trái lại, nếu chúng ta có quân chủ lực, có kế hoạch chủ động phòng ngự ở dọc biên giới rồi thì Trung Quốc khó mà chọc thủng được vành đai phòng ngự và tiến vào đất ta được mấy chục cây số như vậy. 

Tinh thần chiến đấu cũng thế, lính Trung Quốc xung trận trong trạng thái hoang mang, lo sợ; bộ đội ta khí thế rất hăng, chiến đấu rất dũng cảm, tâm lý anh em không hề sợ quân Trung Quốc. 

Cho đến những năm sau 1979, chiến đấu ở Hà Giang, tinh thần anh em vẫn giữ vững như thế. Mà tinh thần, tư tưởng của bộ đội có ý nghĩa quan trọng hàng đầu ngoài mặt trận. Chúng tôi rất tự hào vì những người lính của mình.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam:  “Phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược!” - Ảnh 7.

Bộ đội Việt Nam nơi tuyến đầu biên giới

PV: Ông muốn nói gì với thế hệ trẻ hôm nay qua cuộc chiến tranh ấy?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ sự thật của cuộc chiến tranh xâm lược ấy của Trung Quốc. Từ đó tự hào với truyền thống đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc - truyền thống quý báu của bất kỳ thế hệ nào. Như vậy, vấn đề giáo dục truyền thống phải được chú trọng. Chương trình học lịch sử của học sinh mấy chục năm qua không nhắc nhiều đến giai đoạn lịch sử của nhân dân ta và quân đội ta chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc. Thật đáng tiếc. Tôi thấy các bảo tàng quân sự của ta cũng không có nội dung phản ánh cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Đó là một thiếu sót, cần phải bổ sung ngay. Lịch sử là lịch sử. Thế hệ trẻ cần được hiểu rõ sự thật lịch sử tháng 2-1979!

"Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa; còn chúng ta tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là chính nghĩa".

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm

PV: Trong khi đó, năm nào Trung Quốc cũng tổ chức tuyên truyền công khai về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ông thấy thế nào?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tôi đã sang thăm và làm việc với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Họ đưa tôi đến thăm bảo tàng quân sự, tôi thấy họ có hẳn một gian trưng bày nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung. Họ còn chiếu cả phim về cuộc chiến ấy cho chúng tôi xem. Từ đó tôi suy nghĩ, mình tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất chính nghĩa để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, tại sao lại không tuyên truyền và đưa vào sử sách cho các thế hệ mai sau. Tôi thăm lại Bảo tàng lịch sử của Quân khu 2 cũng không thấy có nội dung gì về cuộc chiến tranh này. Vì vậy, tôi kiến nghị là sắp tới, chúng ta phải bổ sung ngay nội dung cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc vào các bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

PV: Chính vì chúng ta ít tổ chức kỷ niệm, tuyên truyền gì về cuộc chiến tranh này mà lâu dần, nó trở thành quên lãng trong tiềm thức của nhân dân ta?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Lãng quên thế nào được! Ai mà lãng quên lịch sử hào hùng đó là có tội với lịch sử, với dân tộc và nhất là những người lính đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những cựu chiến binh Sư đoàn 316 chúng tôi hàng năm vẫn tổ chức những cuộc gặp mặt truyền thống, ôn lại những kỷ niệm xương máu ở chiến trường, tưởng nhớ tới những đồng đội của mình ngã xuống trên các mặt trận trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Không thể nào lãng quên được và không được phép lãng quên! Tôi thăm lại Hà Giang và thấy các nghĩa trang liệt sĩ ở trên đó cũng ít được quan tâm, chăm sóc. Những gia đình thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh thấy bức xúc. Như vậy là chúng ta có lỗi với các liệt sĩ. Cần phải thay đổi. 

 PV: Xin cám ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện đầu xuân này!

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm quê ở Khánh Phú, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Trưởng thành từ chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã lần lượt giữ các chức vụ trên cương vị chỉ huy chiến đấu. Sau đó, ông trở thành sư đoàn trưởng của Sư đoàn 316 (còn gọi là Sư đoàn Bông Lau, thuộc Quân khu 2). Thời gian giữ chức sư đoàn trưởng, ông chỉ huy đánh quân Trung Quốc xâm lược tại Vị Xuyên, Hà Giang. Từ Phó tư lệnh Quân khu 2, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục quân huấn rồi Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Hiện ông là Trưởng ban liên lạc của Hội cựu chiến binh Sư đoàn 316 khu vực Hà Nội. Sư đoàn 316 là một trong những sư đoàn đầu tiên của QĐND Việt Nam, tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá Bùi Đức Toàn

Nguyên PV báo QĐND