• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trường đại học không cải thiện được chất lượng 'phải đóng cửa'

Giáo dục 18/07/2019 16:42

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định quyết tâm xây dựng một nền giáo dục đại học trung thực, chất lượng tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học hôm 17/7.

Chất lượng là yếu tố then chốt nâng cao uy tín giáo dục đại học Việt Nam

Sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 kết thúc, trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng địa phương, Bộ GDĐT sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc sở GDĐT, ngành Giáo dục sẽ phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp tổ chức dạy học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPTQG như Lịch sử, tiếng Anh.

Về công tác tuyển sinh, từ kế hoạch tuyển sinh đã có, hướng dẫn đầy đủ, các trường cũng đã xây dựng đề án tuyển sinh, phương thức xét tuyển và các điều kiện kèm theo, trên cơ sở này, các trường cần rà soát và thực hiện nghiêm túc theo đề án.

Lưu ý về việc cải thiện chất lượng xét tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa chất lượng đào tạo của các trường đại học và chuẩn đầu ra.

Nhiều trường hiện nay vẫn mất nhiều tâm sức cho xét tuyển, trong khi quá trình đào tạo và đầu ra rất quan trọng. Vấn đề của đào tạo đại học không chỉ chọn được những học sinh tốt để đủ đầu vào mà còn phải có trách nhiệm về đầu ra, thể hiện cam kết với người học về chất lượng đào tạo, việc làm sau khi ra trường.

Để nâng cao uy tín cho giáo dục đại học Việt Nam không có gì khác ngoài chất lượng.

HN xet tuyen-crop

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì điểm cầu Hà Nội tại Hội nghị

"Các trường đại học phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, để những trường nào chất lượng sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa. Các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, tránh trường hợp có những góc khuất, những điểm tối, tạo ra nghi ngờ trong xã hội và người sử dụng lao động về chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định quyết tâm xây dựng một nền giáo dục đại học trung thực, chất lượng. Trong đó, mỗi cơ sở giáo dục phải trung thực về chất lượng, tôn trọng người sử dụng lao động, lấy người sử dụng làm trung tâm, thể hiện trách nhiệm xã hội, lấy sự phát triền bền vững làm mục tiêu phát triển.

Tự chủ đại học là cởi trói về cơ chế, rào cản để các trường nhanh chóng hội nhập

Trong bối cảnh Luật Giáo dục đại học mới vừa có hiệu lực thì vấn đề tìm cách để thúc đẩy tự chủ đại học cần được tập trung lúc này bởi, tự chủ là một trục xuyên suốt, trong đó tuyển sinh chỉ là một khâu.

"Một đại học phát triển triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng. Nhưng hiện nay các trường mới tập trung vào đào tạo, thời lượng bàn về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khời nghiệp, gắn kết đào tạo với sử dụng còn ít", Bộ trưởng nhận định.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội thì nêu quan điểm, bản chất của tự chủ ĐH không phải là có một đề án tự chủ hay cắt toàn bộ kinh phí nhà nước mà là cởi trói về cơ chế, cởi bỏ các rào cản để trường có thể nhanh chóng hội nhập; bản chất tự chủ là các trường phải hội nhập. Mô hình trường không chỉ nghiên cứu mà là số hóa, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Để nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo phải có nhân tài, phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nghiên cứu mạnh.

Ông Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, tự chủ đại học là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, hầu hết các trường đều ủng hộ hướng đi này, nhất là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo đục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019. Nhưng đây không phải câu chuyện đơn giản, với những trường có đội ngũ lãnh đạo, giảng viên tốt, uy tín cao thì thực hiện dễ hơn, các trường top dưới, kể cả trường công và ngoài công lập sẽ có những khó khăn khác nhau.

Từ thực tế một số trường đã thí điểm tự chủ, ông Phạm Quang Trung cho rằng, điều quan trọng ngoài thành lập/kiện toàn hội đồng trường là rà soát toàn bộ hệ thống quy chế, đồng thời nhấn mạnh và đề nghị Bộ GDĐT cần chú trọng thêm khâu hậu kiểm.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y nói về quá trình chuẩn bị tự chủ của nhà trường, trường đã có những chuẩn bị tích cực, quan tâm xây dựng văn hóa chất lượng từ nhiều năm nay. Ông cũng đề cao lộ trình dần bỏ bộ chủ quản, trong đó sự tiên phong của Bộ GDĐT là quyết định dũng cảm.

Các ý kiến trao đổi cũng cho rằng, lộ trình thực hiện tự chủ cần gắn với việc thay đổi vai trò quản lý của cơ quan chủ quản và quản trị của nhà trường. Đồng thời, đề nghị Bộ GDĐT nhanh chóng có nghị định, văn bản hướng dẫn để các trường có cơ sở thực hiện, triển khai Luật.

Tự chủ đại học: các trường không nên ngồi chờ mà chủ động phát hiện và giải quyết vấn đề

Thứ trưởng Lê Hải An cho biết, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Để thực hiện tự chủ đại học thì các trường cần xác định rõ, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đại học là yếu tố then chốt, thúc đẩy sự phát triển của cả nền giáo dục đại học.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, dường như đến nay các trường vẫn chưa thực sự ngấm các quy định về tự chủ, nếu không rõ, không ngấm, trong quá trình thực hiện khi vướng vào quy định sẽ khó thực hiện.

Bộ trưởng lưu ý, thực hiện tự chủ, các trường phải chủ động có kế hoạch, đề án lộ trình thực hiện cụ thể 5 năm, 10 năm, để từ đó có kế hoạch đầu tư, kêu gọi đầu tư.

Một yếu tố cũng cần quan tâm khi xây dựng kế hoạch, đề án là về Hội đồng trường, các trường cần dành thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Để hỗ trợ các trường triển khai tự chủ, Bộ GDĐT đang xây dựng một số tài liệu dạng sổ tay về tự chủ, tổ chức các khóa bồi dưỡng cho các trường… Tuy nhiên, quan trọng là các trường phải cùng nhau chia sẻ kinh nhiệm, rút kinh nghiệm cùng phát triển.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng đề nghị các vụ, cục của Bộ GDĐT tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về tự chủ đại học, làm việc với các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tự chủ.

Cũng theo Bộ trưởng, các hiệu trưởng, lãnh đạo nhà trường, các cán bộ giảng viên phải cùng ngấm về tự chủ, tạo ra môi trường dân chủ thực hiện tự chủ mới là tự chủ. Bộ sẽ có khung hướng dẫn chung nhưng quan điểm là các trường không ngồi chờ, mà chủ động phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề.

K.Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ