Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Năm Kỷ Hợi là một năm ghi đậm những dấu ấn thành công của trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Với vị thế là một ngôi trường đào tạo hàng đầu về thể dục thể thao, trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, những thành tích mà các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, vận động viên của Trường đạt được đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển thể thao của Việt Nam.

(Tổ Quốc) - Năm Kỷ Hợi là một năm ghi đậm những dấu ấn thành công của trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Với vị thế là một ngôi trường đào tạo hàng đầu về thể dục thể thao, trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, những thành tích mà các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, vận động viên của Trường đạt được đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển thể thao của Việt Nam.

Trong không khí vui tươi phấn khởi cả nước chào đón mùa xuân mới Canh Tý, chúng tôi đã thực hiện cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.

PV. Thưa PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, những ngày cuối năm 2019 khép lại với buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất được tổ chức long trọng, cùng đó là sự ghi nhận những đóng góp của trường vào thành công chung của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Nhân dịp đầu xuân, xin Hiệu trưởng chia sẻ về những thành tựu mà trường đã đạt được trong chặng đường 60 năm qua, đặc biệt là năm 2019?

PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc:Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh được thành lập ngày 25/9/1959, tiền thân là Trường Trung cấp Thể dục Thể thao (TDTT) Trung ương- trường học duy nhất trong khối Ngành TDTT được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã đào tạo gần 30.000 cán bộ TDTT của 25 khóa trung học, trên 20 khóa hoàn thiện đại học; hơn 50 khóa vừa làm vừa học các loại; 55 khóa đại học, 28 khóa thạc sĩ, 8 khóa nghiên cứu sinh.

Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo có uy tín, những cán bộ quản lý chủ chốt, các nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành TDTT, những Huấn luyện viên, Giáo viên giỏi và cả những Doanh nhân thành đạt.

Từ một trường trung cấp TDTT, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã trở thành cơ sở đào tạo các cán bộ TDTT có trình độ, từ Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ; đào tạo vận động viên các môn thể thao; là cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế hàng đầu về Thể dục thể thao. Trường đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển Thể dục thể thao Việt Nam.

Trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý để ghi nhận những thành tích đã đạt được như, Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công Hạng Ba… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trường cũng là trường học đầu tiên trong khối Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục đại học lần 2 (năm 2018).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng: Phát huy sức bật của thể thao 2019, tập trung cho những mục tiêu trọng điểm 2020 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Cờ truyền thống Trường Đại học TDTT Bắc Ninh

Năm Kỷ Hợi là một năm đáng nhớ đối với Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, những ngày cuối năm, các cán bộ, giáo viên, công nhân viên Nhà trường đã thống nhất bình chọn 6 sự kiện nổi bật của Trường năm 2019 gồm: Trường Đại học TDTT Bắc Ninh vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai). Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường (1959-2019) và 58 năm Ngày Bác Hồ về thăm Trường (14/12/1961-14/12/2019). Sinh viên đang học tập tại Trường đóng góp 20 Huy chương Vàng tại SEA Games 30 tại Philippines. Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tổ chức thành công Hội nghị khoa học quốc tế năm 2019. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Trường Đại học TDTT Bắc Ninh theo quy định mới. Và triển khai và bảo vệ thành công nhiều nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ các cấp (cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp cơ sở…)

PV. Vâng, quả thực 2019 là một năm nhà trường thành công rực rỡ. Ông có thể cho biết để có được những kết quả này, Nhà trường xác định những mục tiêu trọng tâm trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành TDTT nước nhà cụ thể như thế nào?

- Trong giai đoạn mới, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã xác định những mục tiêu trọng tâm trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành TDTT Việt Nam. Trong đó chú trọng tới việc phát triển Trường Đại học TDTT Bắc Ninh trở thành Trung tâm, thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực TDTT nước nhà. Về đào tạo, Trường đổi mới cơ bản, toàn diện công tác đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xây dựng các ngành đào tạo trọng điểm và mũi nhọn…

Song song với đó, công tác phát triển đào tạo vận động viên và năng khiếu thể thao được Trường tập trung vào các hoạt động xây dựng chương trình huấn luyện trọng điểm cho một số môn năng khiếu và đào tạo vận động viên, tăng số lượng môn thể thao và số lượng học sinh cho Trường PTNK TDTT Olympic; Xây dựng tiêu chuẩn dinh dưỡng cho vận động viên.

Những nhiệm vụ khác cũng được nhà trường xác định thực hiện như, phát triển khoa học công nghệ trở thành hoạt động trọng tâm và chính yếu phục vụ quá trình đào tạo, khẳng định uy tín và vị trí số 1 trong lĩnh vực KHCN TDTT. Trường đổi mới cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực tự chủ trong quản lý, tạo lập cơ chế khuyến khích những nhân tố tích cực, hạn chế tiêu cực. Phát triển công tác đảm bảo chất lượng, định kỳ thực hiện bổ sung đổi mới giáo trình tài liệu, thực hiện định kỳ tự đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo.

Trong công tác xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, đảm bảo chi thường xuyên bằng nguồn thu theo quy định của cơ sở đào tạo, tăng đầu tư trang thiết bị đào tạo…

PV. Với mục tiêu xây dựng Trường trở thành trung tâm, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực TDTT nước nhà, thì việc xây dựng và phát huy các điểm mạnh của đội ngũ cán bộ, giảng viên là rất quan trọng. Nhà trường đã có những chương trình, kế hoạch gì để thực hiện nhiệm vụ này?

- Trường Đại học TDTT Bắc Ninh không ngừng quan tâm và đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ, coi đội ngũ cán bộ là nòng cốt của mọi việc. Nhà trường đã xây dựng quy hoạch cán bộ theo từng giai đoạn và kế hoạch chi tiết để triển khai. Từ 46 cán bộ trong những ngày đầu thành lập, hiện nay, Nhà trường có gần 300 cán bộ, giảng viên, huấn luyện viên. Trong đó có 1 Giáo sư, 15 Phó giáo sư, 75 Tiến sĩ, hơn 131 Thạc sĩ. Nhiều cán bộ, giảng viên Nhà trường là những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực TDTT.

PV. Từ những chia sẻ này cho thấy việc xây dựng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ, trí thức, giảng viên của trường rất quan trọng. Nhà trường đã làm gì để xây dựng và củng cố đội ngũ này, thưa Hiệu trưởng?

- Để đạt được những kết quả trên Trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ theo từng giai đoạn như, tập trung cử cán bộ tham gia học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước, cử cán bộ tham gia học tập nâng cao trình độ chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Trường cũng thực hiện giao quyền và giao trách nhiệm tới từng cán bộ và tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt năng lực sở trường….

PV. Trong năm qua những vấn đề về đạo đức người thầy liên tục nóng trên các diễn đàn, nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Trong trường ta, việc giáo dục đạo đức người thầy được thực hiện như thế nào?

- Việc giáo dục đạo đức người thầy, đưa người thầy trở thành nhà giáo dục chuyên nghiệp, thành tấm gương trong học tập suốt đời, là người cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên" đã và đang là vấn đề được Nhà trường chú trọng, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp với sự tham gia của nhiều lực lượng. Đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, nơi kiến thức và tri thức nhân loại gia tăng một cách nhanh chóng, Nhà trường cũng cân nhắc nhiều giải pháp như, tích cực và sáng tạo đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"… gắn các cuộc vận động với các phong trào thi đua và các danh hiệu trong Trường.

Trường cũng quán triệt nghiêm túc và sâu sắc Quy định về đạo đức nhà giáo đã được Bộ GDĐT ban hành và những quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Biến những quy định đó thành chuẩn mực đạo đức để đánh giá quá trình tu dưỡng, rèn luyện của các giảng viên, cán bộ, công nhân viên trong Trường.

Bên cạnh đó, Trường cũng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho mỗi nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục. Quan tâm, chăm lo cả về đời sống vật chất và tinh thần cho các giảng viên, cán bộ công nhân viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các giảng viên cống hiến và làm việc. Các cán bộ, giảng viên được khuyến khích tự học tập, nâng cao trình độ, năng lực bản thân. Cuối cùng là Trường thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật kịp thời.

PV. Với hàng loạt biện pháp cứng rắn như vậy, theo ông, đâu là trọng tâm của việc xây dựng hình ảnh người thầy trong môi trường giáo dục đại học hiện đại?

- Theo tôi, trọng tâm của việc xây dựng hình ảnh người thầy trong môi trường giáo dục đại học hiện đại là xây dựng hình ảnh người thầy trở thành tấm gương tự học, tự rèn luyện, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo.

PV. Hiệu trưởng có thể nói rõ về những con người, công việc cụ thể của Trường liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống trong thời gian qua?

- Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên (HSSV) vận động viên (VĐV) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong nhà trường trên cơ sở thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ đào tạo con người "vừa hồng, vừa chuyên", đáp ứng mục tiêu giáo dục, đào tạo nhằm giúp cho người học phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ để cống hiến cho sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Gần đây nhất, năm 2016, Nhà trường đã ban hành Chương trình hành động nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, vận động viên giai đoạn 2016-2020, trong đó, đã đánh giá chính xác thực trạng công tác công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xác định rõ mục đích, yêu cầu của giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho HSSV, VĐV.

Nhiều giải pháp được Nhà trường thực hiện đã thu được nhiều kết quả thiết thực trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, VĐV tại trường. Như, tăng cường sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các phòng chức năng tham mưu quản lý nhà nước về công tác HSSV,VĐV. Định kỳ, đột xuất kiểm tra công tác quản lý HSSV,VĐV. Định hướng phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Thông qua các hoạt động này nhằm tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục lý tưởng cho HSSV,VĐV. Chỉ đạo, lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV,VĐV trong quá trình triển khai Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Chúng tôi cũng chỉ đạo các bộ phận chức năng biên soạn tài liệu phục vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV,VĐV phù hợp với từng lĩnh vực đào tạo và điều kiện thực tế hiện nay của Nhà trường. Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên/cố vấn học tập phụ trách công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho HSSV,VĐV trong Nhà trường. Chỉ đạo việc định hướng, duy trì và phát triển hoạt động các Câu lạc bộ sinh viên, VĐV. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ phận thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động và tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, đề nghị khen thưởng và phê bình.

Trong trường, định kỳ tổ chức tham gia Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên, Liên hoan học sinh, sinh viên tiên tiến làm theo lời Bác, gặp mặt, giao lưu học sinh, sinh viên, vận động viên tiêu biểu các dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức…

Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh bước lên tầm cao mới  - Ảnh 5.

PV. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác đào tạo HSSVN Nhà trường chính là đào tạo ra những nhân lực TDTT có chuyên môn cao, vậy Nhà trường đã có kế hoạch giảng dạy, đào tạo như thế nào để các sinh viên tốt nghiệp ra trường hoàn thiện về Đức - Trí - Thể - Mĩ, thưa ông?

- Các sinh viên Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, ngoài thực hiện chương trình học tập văn hóa theo chương trình quy định, Nhà trường còn sắp xếp kế hoạch học tập đảm bảo thời gian cho học sinh, sinh viên tham gia đa dạng các hoạt động giúp hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập.

Sinh viên được yêu cầu tham gia các hoạt động học tập chính trị đầu khóa với sinh viên khóa mới và tuần sinh hoạt học sinh, sinh viên với sinh viên các khóa còn lại. Sinh viên năm thứ nhất phải thực hiện 10 chế độ trong ngày.

Các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua hoạt động chào cờ đầu tuần và đầu tháng được duy trì. Sinh viên tham gia các hoạt động của 10 câu lạc bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Các công tác đoàn, hội và phong trào, hoạt động chung của Trường, địa phương, ngành dọc ban hành cũng được các bạn sinh viên tham gia đông đảo…

PV. Vâng, những chia sẻ của Hiệu trưởng cho thấy rõ nhà trường đã phải cố gắng nỗ lực rất nhiều trong công tác giáo dục, đào tạo để có được những kết quả đáng ghi nhận. Nhân dịp năm mới, ông có thể cho biết Trường mình chuẩn bị đón xuân mới như thế nào và trên cương vị Hiệu trưởng, ông kỳ vọng gì trong năm mới Canh Tý?

- Ở Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, mỗi dịp Tết đến xuân về, Nhà trường tổ chức đón Tết cổ truyền trên phương châm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, tôn vinh giá trị truyền thống, tiết kiệm và tạo điều kiện tốt nhất cho các sinh viên, vận động viên, lưu học sinh đón tết tại Trường.

Năm mới Canh Tý, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tiếp tục phát triển với định hướng cơ bản "Nâng cao vị thế - Sáng tạo không ngừng - Hội nhập quốc tế".

Tôi kỳ vọng các cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên, vận động viên Nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm của năm học; đưa Trường Đại học TDTT Bắc Ninh trở thành trung tâm, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực TDTT Việt Nam và là "ngôi nhà chung" cho các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, vận động viên Nhà Trường.

* Trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc!

Vân Khánh (thực hiện)