• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trước xu thế tự chủ đại học

Giáo dục 06/02/2019 07:40

(Tổ Quốc) - Trong năm 2018 trường Đại học Văn hóa Hà Nội đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo giảng dạy, xây dựng đội ngũ, nghiên cứu khoa học cũng như mở rộng hợp tác quốc tế. Đây được xem như là những đóa hoa đẹp để chào mừng Nhà trường tròn 60 tuổi.

Một mùa xuân mới đến, trong không khí xuân vui tươi tràn đầy hy vọng, Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hương đã dành một buổi trò chuyện cởi mở với Báo Điện tử Tổ Quốc xung quanh câu chuyện về Trường.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trước xu thế tự chủ đại học - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội (ảnh: Minh Khánh)

* Thưa Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hương, 60 năm thành lập trường là một dấu mốc đáng kể trong quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường, xin bà chia sẻ suy nghĩ của mình về ngôi trường mà bà đã và đang đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất nhân sự kiện này?

Với chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng.

Từ những ngày đầu với tên gọi Trường Cán bộ văn hóa có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức, chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa với vài chục cán bộ. Năm 1982, Trường được nâng cấp thành Trường Đại học Văn hóa Hà Nội như ngày nay. Ban đầu trường chỉ đào tạo các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, ngắn hạn. Nay nhà trường đang đào tạo 20 ngành, với 30 chuyên ngành ở ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ giảng viên của trường có những bước phát triển đáng kể về số và chất lượng.

Hiện trên 50% giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ, trong đó có 16 phó giáo sư. Hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp của trường đã và đang đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, du lịch và nghệ thuật nước nhà. Nhiều cựu sinh viên, học viên của trường đã đạt các giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhiều cựu sinh viên được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, giáo sư và phó giáo sư.

Để có được thành tích ấy, trước hết là sự đóng góp của thế hệ lãnh đạo, giảng viên và nhân viên nhà trường tròn suốt 60 năm qua; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt là sự ủng hộ của thế hệ sinh viên, học viên nhà trường.

* Với bề dày 60 năm đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật, bà có thể chia sẻ về vị thế của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành VHNT Việt Nam?

Hiện nay Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học có quy mô lớn nhất, là một trong các cơ sở đào tạo trọng điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trường đào tạo hầu hết các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa như: Bảo tàng học, Thông tin thư viện, Quản lý thông tin, Quản lý văn hóa, Gia đình học, Du lịch, Kinh doanh xuất bản phẩm, Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn hóa học, Báo chí, Sáng tác văn học. Trong đó, một số ngành như Khoa học thư viện, Văn hóa học và ngành Quản lý văn hóa hiện trường đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ. Trong 60 năm qua Nhà trường đã cung cấp cho ngành văn hóa hàng chục nghìn cử nhân văn hóa, hàng nghìn thạc sĩ và tiến sĩ. Nguồn nhân lực này đã và đang góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm công tác nghiệp vụ văn hóa, nghiên cứu văn hóa tại khắp các đơn vị văn hóa, cơ quan báo chí, lĩnh vực du lịch, thư viện, bảo tàng từ trung ương đến địa phương trong cả nước. Nhiều cựu sinh viên của trường đã giữ những vị trí trọng trách trong lĩnh vực. Những kết quả trên phần nào đã khẳng định thương hiệu Đại học Văn hóa Hà Nội, khẳng định vị thế của Trường và đó cũng là chất kích thích thu hút số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường hằng năm.


" Đại học Văn hóa Hà Nội đã ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế cạnh tranh với chất lượng đào tạo ngày một nâng cao, cơ sở vật chất, môi trường sư phạm ngày càng có thêm những chuyển biến tích cực

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trước xu thế tự chủ đại học - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chụp hình lưu niệm với Ban Giám hiệu Nhà trường

* Nói đến công tác đào tạo giảng dạy không thể thiếu được đội ngũ giảng viên- lực lượng nòng cốt trong công tác đào tạo, Nhà trường đã có kế hoạch nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ này như thế nào?

Do xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển nhà trường cũng như chất lượng đào tạo nên Nhà trường luôn quan tâm phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Trường đã ban hành một số chính sách khuyến khích giảng viên, nhân viên, nghiên cứu viên học tập nâng cao trình độ, như hỗ trợ học phí, giảm định mức làm việc đến 50%, thưởng khi bảo vệ luận văn, luận án đúng hạn, có bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài, hỗ trợ vé máy bay hành trình quốc tế khi có bài tham luận được trình bày tại hội thảo quốc tế…

* Theo bà thì chương trình đào tạo hiện nay của trường được các sinh viên tiếp nhận ra sao? Ngành nghề nào có đông sinh viên theo học nhất và Nhà trường có những chương trình cụ thể nào để gắn kết việc giảng dạy lý thuyết với thực tiễn?

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một trong những cơ sở sớm triển khai đào tạo theo mô hình tín chỉ. Hiện nay, chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, chương trình chính quy cũng như vừa làm vừa học đều được triển khai đào tạo theo mô hình tín chỉ. Trong quá trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ nhà trường đã có nhiều cải tiến trong việc đánh giá, xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo. Hằng năm các chương trình này đều được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với chuẩn đầu ra, sự phát triển của khoa học kĩ thuật và nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, sinh viên của trường có cơ hội được tiếp cận với chương trình đào tạo hiện đại, có tính liên thông.

Hiện nay trường đang đào tạo trên 7 nghìn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh thuộc 20 ngành ở các bậc học. Trong đó, ngành có số lượng sinh viên theo học đông nhất là ngành Du lịch và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Hai ngành này do Khoa Du lịch quản lý với trên 1600 sinh viên.

Gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn được nhà trường xác định là mục tiêu đào tạo. Vì vậy, trong khi xây dựng, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo, nhà trường đều mời các bên liên quan, đặc biệt là đơn vị quản lý và nhà sử dụng lao động. Nhờ đó, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp hầu hết các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Hơn nữa, để hội nhập sau hơn với yêu cầu tiêu chuẩn nghề nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực, ngày 16/10 vừa qua Trường đã ký kết phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch với Công ty cổ phần Vinpearl, Tập đoàn VinGroup. Theo đó, Vinpearl sẽ hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có điều kiện được thực tập tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực du lịch thuộc sở hữu Vinpearl hoặc do Vinpearl quản lý và cơ hội được làm việc tại Vinpearl. Vinpearl sẽ phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện đào tạo để sinh viên thực hành tại các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch trong phạm vi cả nước để nâng cao kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm cho các sinh viên; Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên bao gồm các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng tương lai, chương trình Tour tham quan thực tế nghề nghiệp, chương trình học bổng, Câu lạc bộ thực tập sinh du lịch…

Theo kết quả khảo sát của Trường, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và đáp ứng khá tốt các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của các nhà sử dụng lao động. Nhiều sinh viên du lịch, báo chí của trường đã nhận được việc làm ngay từ khi còn đang học năm thứ ba, thứ tư. Chính tỉ lệ việc làm cao đã tạo sức hấp dẫn cho nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường trong những năm gần đây.

* Hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu của trường, tình hình hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường thời gian qua như thế nào? Nhà trường đã đạt được những kết quả nào đáng ghi nhận?

Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của giảng viên và có sự tương tác qua lại với nhau hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, ứng dụng vào thực tiễn. Hiện trường có một tạp chí chuyên ngành để đăng tải các kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và nhà nghiên cứu trong và ngoài trường. Tạp chí được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận. Hằng năm, giảng viên nhà trường công bố hàng trăm bài nghiên cứu trong các tạp chí, chuyên khảo khoa học có uy tín trong và ngoài nước. Ngoài ra, để thực hiện nhiệm vụ ngành, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên còn thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu các cấp. Mỗi năm Nhà trường đều tổ chức các hội thảo quốc gia, quốc tế và hội thảo cấp trường tạo môi trường sinh hoạt học thuật cho giảng viên.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trước xu thế tự chủ đại học - Ảnh 4.

* Có thể nói tự chủ là một yêu cầu và là nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay, đặc biệt Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng của trường trong năm học này. Hiệu trưởng có thể cho biết nhà trường đã chuẩn bị những gì để thực hiện nhiệm vụ này?

Hoạt động tự chủ được hiểu trên 3 phương diện: tài chính, nhân sự và học thuật.

Về học thuật, thời gian qua, cùng với việc trao nhiều hơn quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường đã phát huy tính tự chủ trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu: xây dựng chương trình phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, xã hội, mở các ngành có nguồn tuyển tốt trên cơ sở điều kiện của Trường, công bố các kết quả nghiên cứu, trao đổi chương trình, chuyên môn với các chuyên gia nước ngoài….

Còn về nhân sự và tài chính, trước mắt, nhà trường đang rà soát lại toàn bộ cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm của cán bộ nhân viên nhằm tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Song song với việc cơ cấu lại nhân sự, trường tiến hành rà soát lại chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tạo thương hiệu để thu hút sinh viên. Và để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường chủ động liên kết, phối với với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, giáo trình và trong tổ chức đào tạo.

Tuy nhiên, văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, sức hấp dẫn sinh viên thi vào lĩnh vực văn hóa sẽ rất khác so với các ngành kinh tế, kĩ thuật, dịch vụ. Vì vậy, vấn đề tự chủ với các trường văn hóa nghệ thuật cũng cần có những chính sách, cơ chế riêng so với những ngành đào tạo đại trà hiện nay. Bên cạnh đó, chủ trương tinh giản biên chế chung của Nhà nước cũng tạo ra những áp lực nhất định cả về đội ngũ giảng viên, cả về cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; tuy nhiên, điều đó cũng sẽ khiến cho Trường phải suy nghĩ để tìm ra biện pháp và hướng đi phù hợp.

* Trân trọng cảm ơn Hiệu trưởng và xin chúc Năm mới Kỷ Hợi sẽ là một năm thành công rực rỡ trong công tác đào tạo nói riêng cũng như những thành tích mới nói chung của Nhà trường!

Quỳnh Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ