Trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 178 khai báo vòng vo: Xử phạt thế nào?

(Tổ Quốc) - Luật sư Cường cho rằng, hành vi khai báo vòng vo của bệnh nhân Covid-19 được xác định là trốn tránh việc cách ly y tế nên không những là hành vi vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.

Liên quan đến việc Thủ tướng đã đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 do khai báo vòng vo, thiếu trung thực để răn đe giáo dục. Dư luận đặt câu hỏi, vậy người phụ nữ này sẽ bị xử phạt thế nào do hành vi đã gây ra?

Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội về những yếu tố pháp lý có liên quan trong vụ việc.

Trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 178 khai báo vòng vo: Xử phạt thế nào? - Ảnh 1.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)

Theo đó, nhận định về sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của ca bệnh 178 là rất đáng trách và đáng phải chịu các chế tài của pháp luật.

Do nữ bệnh nhân 178 khai báo gian dối nên khiến các bác sĩ Bệnh viện huyện Đại Từ không biết để phân luồng, cách ly ngay, đồng thời, chẩn đoán bà N. bị thiếu máu não nên đã xếp nằm cùng phòng với 8 bệnh nhân khác nữa. Nguy cơ 8 bệnh nhân này nhiễm bệnh do tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân 178 là rất cao, chưa tính đến nhân viên y tế ở bệnh viện này và những người phục vụ cho 8 bệnh nhân trên.

Từ đó, Luật sư Cường cho rằng, sự việc này gây hoang mang, lo lắng cho các bệnh nhân khác xung quanh cũng như cho cơ sở y tế này và những người đã từng tiếp xúc với người phụ nữ này trong quá trình di chuyển, sinh hoặc thời gian gần đây.

Luật sư Cường cho biết: "Chắc chắn rằng sẽ đến hàng chục người thậm chí hàng trăm người phải cách ly bởi thông tin gian dối của ca nhiễm 178 khi khai báo y tế. Những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác hoàn toàn có thể xảy ra, trước tiên sẽ có rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tiếp xúc với người phụ nữ này phải cách ly, những bệnh nhân cùng phòng với người phụ nữ này, những người thân của họ và những người mà người phụ nữ này tiếp xúc trong suốt những ngày qua bắt buộc phải cách ly y tế theo quy định của pháp luật...".

Trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 178 khai báo vòng vo: Xử phạt thế nào? - Ảnh 2.

Sáng 28/3, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến khám thông thường, tái khám, ngưng cho phép thân nhân đến thăm bệnh nhân còn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Nam Trần (Nguồn Tuổi trẻ)

Luật sư Cường cho rằng, những ngày gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện được nhiều người nhiễm bệnh từ bệnh viện Bạch Mai do lây nhiễm chéo, đã xác định đây là ổ dịch cần phải giám sát, theo dõi chặt chẽ. Do đó, những bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện này và những người phục vụ tại bệnh viện này càng phải nắm rõ tình hình về việc phòng ngừa dịch bệnh. Bởi vậy, không thể nói rằng người phụ nữ này không biết gì về bệnh dịch do Covid-19 gây ra, không biết về nguy cơ mình có thể nhiễm bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác.

"Người phụ nữ này thuộc diện phải khai báo y tế bắt buộc, khi có biểu hiện của bệnh lý viêm phổi cấp thuộc diện phải cách ly y tế bắt buộc theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ca nhiễm 178 có biểu hiện của bệnh lý (ho, sốt, đau họng...) nhưng cố tình giấu diếm thông tin về nơi làm việc, che giấu thông tin để trốn tránh việc phải bị cách ly y tế là một việc làm đáng trách, thậm chí đáng lên án", Luật sư Cường cho hay.

Đồng thời cho rằng, hành vi này được xác định là trốn tránh việc cách ly y tế nên không những là hành vi vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Hành vi của người phụ nữ này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt có thể tới 10.000.000 đồng.

Trường hợp có người bị lây nhiễm từ ca 178,  đồng thời, cơ cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy nữ bệnh nhân này biết rõ mình có thể nhiễm loại bệnh dịch này nhưng cố tình che giấu thông tin, cố tình đi lại, tiếp xúc với người khác dẫn đến hậu quả bệnh dịch lây lan khiến phải công bố tình trạng dịch bệnh hoặc dẫn đến hậu quả chết người thì có thể khởi tố người phụ nữ này về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 bộ luật hình sự. Mức hình phạt của tội danh này có thể cao nhất đến 12 năm tù.

Ngoài ra hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Cường, trước tiên, cơ quan chức năng tiến hành cách đi và điều trị cho người phụ nữ này là cần thiết, sau khi người phụ nữ này khỏi bệnhsẽ xem xét đến trách nhiệm pháp lý là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi vi phạm pháp luật của người phụ nữ này gây ra với xã hội.

Trước đó vào sáng nay (29/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta, đặc biệt là triển khai nghiêm túc Chỉ thị 15 như cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch kịp thời.

Việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm, đã dự trữ nhiều hơn 4-5 lần so với bình thường. Đánh giá cao việc xử lý nghiêm vi phạm, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp ở Hà Nội, một cá nhân bị xử phạt 200 nghìn đồng vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Thủ tướng đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe giáo dục.

Trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 178 khai báo vòng vo: Xử phạt thế nào? - Ảnh 5.

Minh Khôi

Tin mới