TT Putin thẳng tay "trừng trị" Thủ tướng Armenia: Cái giá quá đắt khi ngả theo phương Tây!

Anh Tú | 23-11-2020 - 12:48 PM

(Tổ Quốc) - Trong suốt 44 ngày giao tranh ác liệt tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabagh, Armenia đã liên tục bị Quân đội Azerbaijan tấn công và đánh bại mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nga.

Cuộc cách mạng Nhung đưa ông Pashinian trở thành “anh hùng dân tộc”

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ đã phải hứng chịu nhiều cuộc cách mạng và các cuộc biểu tình lan rộng, nổi bật nhất là Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004, Cách mạng hoa Tulip ở Kyrgyzstan năm 2005.

Điện Kremlin coi những “cuộc cách mạng màu” như vậy là nỗ lực mới của phương Tây, với chi phí thấp và ít thương vong, nhằm gây bất ổn cho các quốc gia này, những nước vẫn đang chịu ảnh hưởng của Moscow.

Sau làn sóng biểu tình Maidan ở Thủ đô Kyiv của Ukraine vào năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho phương Tây về âm mưu lật đổ Tổng thống Ukraine được Moscow hậu thuẫn, đồng thời cáo buộc Mỹ đang cố gắng khuất phục Nga.

Tháng 4/2018, Armenia - một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở vùng Caucasus, quốc gia cũng đang phụ thuộc nhiều vào Nga, đã tiếp bước phong trào trên.

Với một loạt các sự kiện chưa từng có diễn ra sau đó, làn sóng biểu tình do nhà báo, cựu tù nhân chính trị và nhà lập pháp Nikol Pashinian dẫn đầu đã lật đổ cựu Tổng thống Serzh Sargsyan của Armenia.

Các cuộc biểu tình bùng nổ sau khi năm 2015, Đảng Cộng hòa cầm quyền sửa đổi hiến pháp đưa Armenia từ chế độ tổng thống sang hệ thống nghị viện, cho phép ông Sargsyan giữ chức thủ tướng trong hệ thống mới khi nhiệm kỳ tổng thống của ông hết hạn vào tháng 4/2018.

TT Putin thẳng tay trừng trị Thủ tướng Armenia: Cái giá quá đắt khi ngả theo phương Tây! - Ảnh 1.

Ông Nikol Pashinyan vẫy chào người ủng hộ ở Yerevan sau khi được bầu làm Thủ tướng Armenia ngày 8/5/2018. Ảnh: AFP

Sau nhiều ngày biểu tình, Chính phủ Armenia đã đổi chủ. Lấy cảm hứng từ cuộc Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc cũ năm 1989, ông Pashinian tuyên bố phát động “Cuộc cách mạng Nhung”.

Là nhà lãnh đạo cuộc cách mạng buộc Tổng thống Sargsyan và chính phủ của ông phải từ chức, ông Pashinian vẫn không giành đủ số phiếu từ Nghị viện để trở thành thủ tướng vào ngày 1/5/2018 mà phải đợi đến đợt bỏ phiếu thứ hai vào ngày 8/5.

Phương Tây gọi ông Pashinian là “một nhà dân chủ tiến bộ và tự do”, còn báo giới châu Âu miêu tả ông như là một “nhà cách mạng”. Một số thậm chí còn đi xa hơn và thần tượng ông như một "nhà diễn thuyết chính trị rực lửa" hoặc một “nhà thập tự chinh chiến đấu chống lại tham nhũng và ảnh hưởng của giới đầu sỏ”.

Hầu hết các nhà báo phương Tây đều mô tả ông Pashinian là “anh hùng dân tộc”. Tuy nhiên, cũng có một số người trong số họ cho rằng hình ảnh của ông chỉ được xây dựng trên chủ nghĩa dân túy.

Chính sách thân phương Tây, chống Nga

Trong khi phương Tây bận rộn lựa chọn ông là “chính trị gia của năm” thì Moscow vẫn lặng lẽ theo dõi chiến dịch này. Nga từng coi ông Pashinian là một chính trị gia có khuynh hướng thân phương Tây.

Năm 2013, ông Pashinian đã bỏ phiếu phản đối việc Armenia trở thành thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) do Nga lãnh đạo với lập luận rằng điều đó đi ngược lại chủ quyền và an ninh quốc gia của Armenia.

Năm 2016, ông Pashinian lại bỏ phiếu chống lại thỏa thuận giữa Nga - Armenia về việc thiết lập hệ thống phòng thủ chung ở Caucasus mà cho rằng Armenia nên phát triển hệ thống phòng không của riêng mình.

Khi đó, ông Pashinian đã tuyên bố: “Nga không thể được coi là người bảo đảm an ninh thực sự của Armenia. Thỏa thuận kiểu này với Nga sẽ chỉ tạo ra ảo tưởng về việc tăng cường an ninh”.

Tuy nhiên, sau khi ông Pashinian trở thành thủ tướng, việc chỉ trích mối quan hệ của Armenia với Nga và lập trường chống lại Moscow là điều không dễ dàng chút nào. Ông Pashinian đã phải điều chỉnh lại các tuyên bố của mình nhằm tạo sự cân bằng giữa Nga và phương Tây.

Tháng 12/2018, ông Pashinian nói rằng Armenia không tìm kiếm tư cách thành viên NATO nhưng sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với tổ chức này. Ông đã nỗ lực hết sức để trấn an Moscow rằng cuộc cách mạng năm 2018 không nhằm chống lại Nga.

Thế nhưng, những lời trấn an của Thủ tướng Pashinian không loại bỏ được những nghi ngờ của Moscow về ông và chính phủ của ông.

Mặc dù ông Pashinian nhấn mạnh rằng cuộc cách mạng ở Armenia có nguyên nhân từ trong nước và không liên quan đến tình hình địa chính trị, sự khó chịu của Điện Kremlin với ông Pashinian đã tăng lên khi ông đưa cựu Tổng thống thân thiện với Nga Robert Kocharyan và cựu Thủ tướng Serzh Sargsyan ra xét xử vì “lật đổ trật tự hiến pháp của Armenia” và tội tham nhũng.

Tuy nhiên, hơn tất cả, các cuộc cách mạng màu luôn có tác động tiêu cực với Điện Kremlin vì chúng làm gia tăng ảnh hưởng của phương Tây tới phạm vi ảnh hưởng của Nga và ông Pashinian gần như không thể thuyết phục được Nga, bằng cách này hay cách khác.

TT Putin thẳng tay trừng trị Thủ tướng Armenia: Cái giá quá đắt khi ngả theo phương Tây! - Ảnh 3.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp của Cộng đồng các quốc gia độc lập năm 2018. Ảnh: AFP

Nga ngoảnh mặt và cái giá ông Pashinian phải trả

Khi Armenia bất ngờ tấn công huyện Tovuz của Azerbaijan vào ngày 12/7, làm nóng lại cuộc xung đột giữa hai nước và châm ngòi cho cuộc chiến tranh ở Nagorno-Karabagh vào tháng 9/2020, nhiều người nghĩ rằng Nga sẽ giúp đỡ Yerevan ngay lập tức.

Do Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ Azerbaijan từ ngày đầu tiên chiến sự bùng phát, nhiều người mong đợi sự tham gia trực tiếp của Moscow vì họ muốn ngăn chặn sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc xung đột ở Caucasus.

Thậm chí, một số người còn cho rằng Nga là nhân tố tiềm ẩn trong căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan do các cuộc xung đột khu vực đang diễn ra. Họ cho rằng, Nga muốn mở một trận tuyến nữa bên cạnh các mặt trận khác như Libya và Syria, những nơi Moscow và Ankara đang ở hai phe đối lập. Điều này đã không đúng.

Nhà bình luận chính trị Merve Sebnem Oruc của tờ Daily Sabah cho rằng, Nga coi ông Pashinian là một “nhà cách mạng” được phương Tây hậu thuẫn, vì vậy họ đã không tham chiến cùng Armenia chống lại Azerbaijan.

Nga tìm cách duy trì quan hệ với cả hai nước. Azerbaijan có quan hệ tốt với Nga, thậm chí mua vũ khí từ Moscow. Vậy tại sao Điện Kremlin lại khiến ảnh hưởng của mình đối với vùng Caucasus gặp rủi ro?

Những người ủng hộ Armenia hết sức mong đợi Nga lâm trận khi chiến tranh nổ ra vào tháng 9 và ông Pashinian đã cầu xin Tổng thống Putin giúp đỡ nhiều lần vì Azerbaijan đang giữ thế áp đảo về sức mạnh quân sự so với Armenia. Những hy vọng này biến khi Kremlin thậm chí không thèm tỏ bất cứ động thái nhỏ nhoi nào ủng hộ Armenia.

Tháng 10/2020, ông Putin đã nói rõ quan điểm của Moscow về cuộc xung đột: “Cuộc giao tranh, mà chúng tôi rất lấy làm tiếc, vẫn tiếp tục diễn ra cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nó không diễn ra trên lãnh thổ của Armenia”.

Mặc dù vậy, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga vẫn khẳng định: “Nga sẽ cung cấp cho Yerevan mọi hỗ trợ cần thiết nếu các cuộc đụng độ xảy ra trực tiếp trên lãnh thổ của Armenia”.

Thế nhưng, tuyên bố của ông Putin lại như một “gáo nước lạnh” dập tắt hoạt động tuyên truyền của Armenia trên toàn thế giới. Ông Putin nhấn mạnh rằng vùng Nagorno-Karabagh là một lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan và nó không phải đất Armenia.

Hậu quả là, Armenia đã liên tục bị Quân đội Azerbaijan tấn công và đánh bại trong 44 ngày giao chiến mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nga.

Ngày 9/11, một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa Thủ tướng Armenia Pashinian, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Azerbaijan tuyên bố giải phóng Shusha, thành phố mà người Azerbaijan coi là trung tâm lịch sử và văn hóa của họ ở Nagorno-Karabagh.

Đánh mất Shusha đồng nghĩa với thất bại của Armenia và ông Pashinian buộc phải chấp nhận thua cuộc trong cuộc chiến do mình khởi xướng.

Từng được ca tụng là “anh hùng dân tộc” của Armenia cách đây hai năm, giờ đây ông Pashinian không chỉ khiến đất nước mình thất bại mà còn đang phải đối mặt với viễn cảnh sớm kết thúc sự nghiệp chính trị ngắn ngủi.

Tổng thống Putin đã cho thấy rằng, ông không thể bị đánh lừa một cách dễ dàng và ông sẽ không nhảy vào một cuộc xung đột đã được lên kế hoạch từ trước dẫn đến một cuộc đối đầu Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đã dạy cho ông Pashinian một bài học rằng, đáng nhẽ ra trước đây ông nên giữ im lặng và trung lập trong cuộc “Cách mạng Nhung" do phương Tây hậu thuẫn. Ông Putin đã không tha thứ và quên những gì thủ tướng nghiệp dư Pashinian đã làm trong năm 2018.

Khi những lựa chọn của ông Pashinian dẫn tới kết cục Armenia đã để vuột mất giấc mơ Nagorno-Karabagh thì việc ông phải từ chức chỉ là vấn đề thời gian.

Những chính trị gia thân Nga trước đây có thể sẽ trở lại nắm quyền và Moscow sẽ giành lại toàn quyền kiểm soát Armenia. Như vậy, thất bại của ông Pashinian cũng đồng nghĩa với thất bại của những người ủng hộ phương Tây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM