• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tự chủ nhìn từ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành VHTTDL

Thời sự 11/10/2017 07:05

(Tổ Quốc) -Ngày 9/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận về Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhân dịp này, Báo Điện tử Tổ Quốc trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết về việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy tại một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Năm 2012, Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (LHTTQG) được Bộ VHTTDL giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy. Sau 5 năm thưc hiện chủ trương tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá: "bước đầu đã đạt một số kết quả, phù hợp với chủ trương chính sách Nhà nước về xã hội hóa, phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể dục thể thao”. Phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã cuộc phỏng vấn với ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu LHTTQG về công tác tự chủ hiện nay.

Cán bộ, công nhân viên từng dao động

+ Thưa ông, từ năm 2012, đơn vị được nhà nước giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy theo Nghị định số 43 năm 2006 của Chính phủ mà nay là Nghị định 16 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong quá trình triển khai ông thấy điều gì là thuận lợi và điều gì là khó khăn nhất?

- Khu LHTTQG là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ VHTTDL, có nhiệm vụ là tổ chức sự kiện chính trị trong nước, các sự kiện thể thao, văn hóa trong nước và quốc tế, tập huấn các đội tuyển quốc gia, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao phong trào và các CLB, lớp năng khiếu. Khu LHTTQG hiện nay có 159 cán bộ công chức, viên chức và hợp đồng 68 đang làm việc tại 11 phòng chức năng, Đảng bộ có 90 Đảng viên sinh hoạt tại 5 chi bộ.

Trước năm 2012, Khu LHTTQG là đơn vị thụ hưởng 100% ngân sách nhà nước, mỗi năm nhà nước cấp 20-25 tỷ, trong đó có 2-4 tỷ chi cho duy tu bảo dưỡng và mua sắm, còn lại là đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên của đơn vị. Trong quá trình thực hiện tự chủ, đều có những thuận lợi và khó khăn mà chúng tôi đã tổng kết, đánh giá.

Xác định xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, dạy nghề là chủ trương đúng xuyên suốt trong nhiều năm qua, là đơn vị đầu tiên thực hiện tự chủ nên được Bộ VHTTDL và các vụ chức năng tạo điều kiện hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện. Trải qua từng năm một cho thấy, tự chủ về tài chính của Khu LHTTQG là tập trung vào tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, khai thác từ các lĩnh vực dịch vụ để tạo ra các nguồn thu. Đáng lưu ý, mặt nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị đã được nâng lên rất nhiều cả trong khai thác, sử dụng lẫn quản lý các công trình thể thao. Việc giữ gìn tài sản cho nhà nước không chỉ tốt nhất mà mỗi ngày một tốt lên, cán bộ nâng cao tinh thần trách nhiệm, lời nói đi đôi với việc làm.

Ngoài ra, doanh thu hàng năm từ tự chủ tăng lên từ 15-20%, nếu 2012 là năm đầu tiên thực hiện tự chủ đơn vị thu 27 tỷ, thì tới 2016 doanh thu đã đạt 45 tỷ và phấn đấu 55 tỷ vào năm 2017. Rõ ràng đây là con số rất lớn, trong 6 năm tự chủ, Khu LHTTQG đã mang về 240 tỷ đồng cho ngân sách  nhà nước…

Nguồn thu tự chủ đã đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên của đơn vị. Đáng lưu ý, chi cho duy tu bảo dưỡng từ 2-4 tỷ trước đây giờ đã là 15-20 tỷ gấp 10 lần so với lúc đang thụ hưởng ngân sách. Nhiều dự án không dùng ngân sách nhà nước mà lấy từ nguồn thu như cải tạo toàn bộ mặt sân, làm 2 sân tập mỗi sân gần chục tỷ, lắp đặt toàn bộ hệ thống nước nóng tại Cung thể thao dưới nước, tới đây là hệ thống chiếu sáng, camera an ninh…

Đầu năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đó đã chủ trì buổi làm việc với Bộ VHTTDL. Sau đó, trong bản thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cho phép các đơn vị sự nghiệp VHTTDL được sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất của mình thực hiện liên doanh, liên kết nhằm huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân nhằm phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Trước mắt, cho làm thí điểm kêu gọi đầu tư vào Khu LHTTQG.

Đời sống cán bộ công nhân viên không ngừng được nâng lên. Ngoài lương cơ bản, cán bộ còn được hưởng lương thu nhập tăng thêm bằng 01 lần lương cơ bản, chế độ ăn trưa, nghỉ dưỡng, ngày lễ tết, khám sức khỏe định kỳ…

Bên cạnh đó, Khu LHTTQG không tránh khỏi những khó khăn. Trước đây là đơn vị sự nghiệp công lập thụ hưởng ngân sách nhà nước, cán bộ công nhân viên làm việc theo chế độ như công chức nhà nước, đến tháng lĩnh lương,“sáng cắp ô đi tối cắp về”, các mặt ảm đạm. Từ khi nhà nước cắt các nguồn kinh phí, diễn biến lúc ấy khá phức tạp: tinh thần tư tưởng cán bộ, công nhân viên dao động, kể cả Đảng viên, làm gì ra được mấy chục tỷ, trong khi nghề chúng ta là thể thao, kinh doanh không phải là nghề.

Nhưng chúng ta cũng phải lật lại vấn đề: khi được giao cơ sở vật chất khổng lồ như thế này, chả lẽ chịu đói, bám bầu sữa? Chúng tôi đã quyết tâm tìm ra giải pháp ưu việt và ban hành nghị quyết của Đảng ủy để thực hiện. Trên tinh thần mỗi cán bộ giỏi một việc nhưng phải biết nhiều việc, làm việc với tinh thần trách nhiệm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu từng phòng ban, đẩy mạnh marketing, phối hợp tổ chức nhiều loại hình văn hóa thể thao, các loại hình dịch vụ… thành một guồng máy tập trung cao độ. Năm đầu thu được 27 tỷ là nguồn cổ vũ động viên, lấy đà từ đó và giao quyền, khoán thu chi cho các đơn vị.

Từ đó tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên chức lên cao, tổ chức sự kiện, các dịch vụ, quản lý tài sản tốt lên rất nhiều. Quyền của các đơn vị được giao rất nhiều, đây là điều kiện tiên quyết, nâng cao ý chí trách nhiệm hơn, Đảng viên là đầu tầu gương mẫu. Dần dần, chúng tôi tạo được nguồn thu năm sau cao hơn năm trước.

 Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa. Ảnh: Minh Khánh

+ Vậy thưa ông, khai thác cơ sở tạo nguồn thu thì có làm ảnh hưởng tới chức năng nhiệm vụ hay nói cách khác là có thương mại hóa các chương trình thể thao hay không?

- Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ chính của đơn vị là phục vụ nhiệm vụ chính trị quốc gia, phối hợp tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa trong nước và quốc tế; tập huấn các đội tuyển thể thao quốc gia làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế; xây dựng, hình thành hệ thống năng khiếu cho một số môn và hướng dẫn hoạt động thể thao quần chúng cho hàng trăm câu lạc bộ, dạy và phổ cập bơi cho hàng ngàn lượt người mỗi năm.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống dịch vụ, các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao khác để tạo nguồn thu cho đơn vị. Cho nên việc khai thác cơ sở vật chất, các loại hình dịch vụ tạo nguồn thu không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn, mà ngược lại còn phục vụ một cách tốt nhất cho nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Biên chế giảm, giỏi một việc nhưng biết nhiều việc

+ Với khối lượng công việc đồ sộ sau khi tự chủ, vậy việc chuyển đổi mô hình có khiến biên chế của cơ quan tăng lên hay không thưa ông?

- Tôi khẳng định, 6 năm thực hiện tự chủ về tài chính, bộ máy của Khu LHTTQG gọn nhẹ không tăng, thậm chí còn giảm. Tới năm 2017, nhà nước giao 159 biên chế, tới thời điểm này, chúng tôi mới chỉ sử dụng 152/159 biên chế. Chúng tôi tập trung vào việc nâng cao chất lượng cán bộ, gọn nhẹ nhưng phải hiệu quả, giỏi một việc biết nhiều việc mà vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

+ Khu LHTTQG có hai công trình lớn: Sân vận động quốc gia và Cung thể thao dưới nước, tới đây còn nhiều công trình phải làm phục vụ các đại hội thể thao. Với điều kiện hiện nay mà nhà nước phải đầu tư hàng ngàn tỷ đồng dường như là điều không tưởng? Ông có suy nghĩ gì với bài toán này?

- Trong quy hoạch Khu LHTTQG quản lý 170 ha, trong đó để xây dựng các công trình thể thao. Ngoài hai công trình hiện có còn phải xây dựng Trung tâm đào tạo vận động viên Golf, khu vực đua xe đạp lòng chảo, hai nhà thi đấu, trung tâm báo chí, khách sạn thể thao… để phục vụ các sự kiện thể thao lớn.

Nếu nhà nước đầu tư đồng bộ thì không phải ngàn tỉ đâu mà là cả chục ngàn tỷ. Trong điều kiện hiện nay tôi cho là không tưởng. Mặt khác, theo mô hình hiện nay trong khu vực và thế giới nhà nước không làm những việc này nữa, mà quan điểm của chúng tôi là chỉ tập trung bảo tồn một sân vận động quốc gia là đủ, còn các công trình thể thao khác căn cứ vào quy hoạch để kêu gọi xã hội hóa, tư nhân hóa khi có các sự kiện thể thao lớn, nhà nước thuê lại, có như thế công trình mới bền đẹp hiệu quả.

+ Trải qua 6 năm, điều gì làm ông tâm đắc và bài học rút ra với các đơn vị chuyển sang tự chủ là như thư thế nào thưa ông?

- Tự chủ toàn phần, từng phần “trừ một số lĩnh vực mà cần phải bảo tồn” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là con đường tất yếu trong giai đoạn hiện nay song song với tinh giản biên chế có như vậy thì mới đỡ gánh nặng ngân sách cho nhà nước.

Sau 5 năm thực hiện tự chủ ngày 20/4/2017, trong thông báo kết luận số 27 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình quản lý và hoạt động của Khu LHTTQG, nội dung thông báo đã nhấn mạnh “Khu LHTTQG có hệ thống cơ sở vật chất quy mô lớn và quan trọng nhất của ngành thể thao, đã phục vụ tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc gia, quốc tế, các đợt tập luyện của các đội tuyển, thi đấu thể thao và nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật. Trong những năm gần đây, Khu LHTTQG tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, từng bước triển khai hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, bước đầu đã đạt một số kết quả, phù hợp với chủ trương chính sách Nhà nước về xã hội hóa, phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể dục thể thao”.

Đối với lĩnh vực thể dục, thể thao cần tách bạch rõ đâu là quản lý nhà nước và đâu là sự nghiệp. Hiện nay đang hoạt động theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chức năng quản lý nhà nước về thể dục thể thao chỉ tập trung xây dựng chế độ, chính sách, kiểm tra, giám sát. Hoạt động sự nghiệp từng bước chuyển giao cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia cũng như về cơ sở vật chất, chỉ giữ lại những gì mà nhà nước cần quản lý ví dụ đối với lĩnh vực thể thao, Nhà nước chỉ quản lý sân vận động quốc gia có sức chứa 6-7 vạn chỗ; một đến hai trung tâm đào tạo vận động viên quốc gia, còn lại kêu gọi xã hội hóa, tư nhân hóa theo quy hoạch. Có như vậy thì tổ chức, bộ máy, hệ thống đào tạo vận động viên mới gọn, nhẹ, hiệu quả. Mặt khác, cần phải có chính sách đãi ngộ đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức bộ máy, cũng như chính sách về thuế tiền thuê đất, đối với các tổ chức, cá nhân bỏ tiền xây dựng các công trình thể thao phục vụ đào tạo vận động viên, cũng như các công trình thể thao phục vụ cho nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe của nhân dân.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Thái Linh (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ