• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tư liệu quý về Hát bội, đờn ca tài tử, cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ

22/09/2017 15:44

(Tổ Quốc) - Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945 trình bày một số sự kiện trong lĩnh vực văn hóa từ năm 1861 lúc người Pháp chiếm được Sài Gòn cho đến khi Việt Nam độc lập năm 1945.

Sài Gòn là vùng đất mới gồm đủ loại thành phần lưu dân và là nơi bị ảnh hưởng của Tây phương đầu tiên. Văn hóa nghệ thuật sân khấu, sinh hoạt xã hội, kinh tế thay đổi nhanh chóng vào đầu thế kỷ XX, trong đó có một hình thái mới của nghệ thuật sân khấu là cải lương phát triển nhanh chóng từ sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và nghệ thuật kịch nói Tây phương.

Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn và Nam Kỳ chứng kiến sự thay đổi lớn lao trong xã hội, kinh tế và đời sống văn hóa. Kỹ thuật, văn minh và văn hóa phương Tây do người Pháp mang vào đã đặt người Việt vào sự thử thách phải thích ứng với thời thế và trào lưu tư tưởng mới, do đó nhiều kỷ cương truyền thống đã bị ảnh hưởmg văn hóa phương Tây qua tân học. Thông tin, tin tức về nhiều lĩnh vực từ Sài Gòn truyền đi khắp Nam Kỳ qua báo chí chữ quốc ngữ như tờ Nông cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn cập nhật cho dân chúng về các thông tin ảnh hưởng đến cuộc sống kinh tế văn hóa của người dân. Tờ Công luận báo (11/4/1922) cho biết các tờ báo tuần báo và nhật báo mang đủ loại các mục như tin tức, nghị luận, thời sự thế giới, tiểu thuyết… thỏa mãn thị hiếu của độc giả.

Bìa sách

Trong lĩnh vực văn hóa, các tác phẩm văn học chữ quốc ngữ bắt đầu phát triển rộng rãi. Hai thập niên đầu thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của rất nhiều sách dịch ra quốc ngữ hay sáng tác các tuồng hát bội, bài ca tài tử từ các nhà xuất bản, nhà in mà đa số là do người Việt làm chủ như Đinh Thái Sơn, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Văn Viết, Huỳnh Kim Danh... Số lượng các đầu sách về tuồng hát bội, tuồng thơ, bài ca tài tử rất nhiều và hơn cả các giai đoạn sau cho đến ngày nay, cho thấy hát bội và đờn ca tài tử trong giai đoạn 1900-1920 rất phổ thông trong quần chúng và tác giả các tuồng hát bội, bài ca tài tử có cơ hội để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Nghệ thuật sân khấu, hát bội vẫn rất phổ thông trong quần chúng. Sự tiến hóa từ hát bội và kết hợp nhạc tài tử, ca ra bộ với kỹ thuật sân khấu kịch Âu châu đến nghệ thuật cải lương cần có ý thức, tư tưởng đổi mới và thấm nhuần cả hai nền văn hóa, Việt Nam truyền thống và văn hóa Pháp. Chúng ta phải kể đến Lương Khắc Ninh, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tùng Bá, Nguyễn Trọng Quyền, Trương Duy Toản, Diệp Văn Kỳ, Hồ Biểu Chánh, Trương Văn Bền, Trần Đắt Nghĩa, Pierre Tú, André Thận, cô Ba Ngoạn... những người tiên phong truyền bá, viết tuồng theo phong cách tân thời và phỏng theo tiểu thuyết xã hội, các thương gia, chủ nhà máy, kỹ nghệ gia, hay những người mở gánh hát là những trí thức bị ảnh hưởng Tây học. Hội các thương, kỹ nghệ gia người Việt Nam ở Nam kỳ (Association des commerçants et industriels Annamites de Cochinchine) cùng các hội đoàn, câu lạc bộ, chủ các tờ báo, nhà in... tập hợp tầng lớp tinh hoa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đã hỗ trợ, nâng đỡ và tham gia vào hoạt động sân khấu cải lương trong những năm đầu từ cuối thập niên 1910 đến thập niên 1930…

Cũng trong thời gian từ cuối những năm 1910 cho đến đầu thập niên 1920,  một hình thức mới là sân khấu Cải lương bắt đầu chớm nở qua sự sáng tạo vận dụng các thành phần mới về phong cách trình diễn, trang trí, nhạc tài tử vào sân khấu truyền thống hát bội của một số các nghệ sĩ, trí thức thấm nhuần của cả hai nền văn hóa Á đông và Tây học như các ông Lương Khắc Ninh, Pierre Tú (Năm Tú), Lương Văn Mỹ, Diệp Văn Cương.

Cải lương phản ảnh sự thay đổi lớn lao trong xã hội, những kỷ cương truyền thống của xã hội Á Đông đã bị ảnh hưởng do sự tiếp nhận văn hóa, văn minh và lối sống Âu Tây vào đầu thế kỷ XX. Những vở tuồng xã hội cho thấy vai trò phụ nữ đã được giải phóng về phương diện gia đình, tự do tình yêu và tham gia hoạt động kinh tế, văn hóa mà trước đây họ bị gò bó. Những sự thay đổi này đã gây ra nhiều tranh luận trên báo chí, bên cạnh những tranh luận về vai trò của sân khấu cải lương trong sự đổi thay, truyền bá tư tưởng mới.

Trong cuốn sách Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945 dành một chương nói về hoàn cảnh, diễn tiến của các tranh luận phản ảnh các ý kiến thái độ trong một xã hội đang thay đổi vào các thập niên đầu thế kỷ 20. Cuốn sách được hoàn thành dựa trên một số tư liệu sách báo cũ nhằm mục đích phác họa cho độc giả thấy bối cảnh và sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu như hát bội, nhạc tài tử, ca ra bộ, cải lương và sự phong phú của lịch sử nghệ thuật sân khấu ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến 1945.

Cuốn sách là một tư liệu quý dành cho những người đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam nói chung, của miền Nam nói riêng tìm hiểu thêm về các loại hình nghệ thuật này. Sách của tác giả Nguyễn Đức Hiệp, do NXB Văn hóa và Văn nghệ xuất bản tháng 9/2017.

 

Nguyễn Đức Hiệp

Sinh trưởng ở Sài Gòn. Sang Úc du học năm 1974 theo Quỹ học bổng Colombo. Hiện là chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản, tiểu bang New South Wales, Australia.

Tác giả đã làm việc và cộng tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam trong lãnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản văn hóa từ nhiều năm nay. Ông cũng là tác giả của nhiều bài viết về lịch sử, khoa học, văn hóa cho các báo, tạp chí chuyên môn và phổ thông trong và ngoài nước.

NỔI BẬT TRANG CHỦ