• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ sóng gió Hoàng Quý phi Thái, hé lộ "góc tối" trong cuộc sống Hoàng gia thế giới

Thế giới 23/10/2019 10:11

(Tổ Quốc) - Hoàng Quý phi vừa bị phế bỏ danh hiệu Sineenat Wongvajirapakdi không phải là cô dâu hoàng gia duy nhất gặp khó khăn trong cuộc sống hậu kết hôn.

Một trong những tin tức nhận được nhiều sự chú ý nhất trong ngày thứ hai (21/10) chính là việc Nhà Vua Thái Lan Vajiralongkorn bất ngờ tước bỏ mọi tước hiệu, quân hàm và huân chương của Hoàng Quý phi Sineenat Wongvajirapakdi – chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi sắc phong bà. Theo một thông cáo của Hoàng gia Thái Lan, bà Sineenat bị cáo buộc "bất trung" với Nhà Vua và có "âm mưu lật đổ Hoàng hậu".

Thông cáo trên cũng khiến người dân Thái kinh ngạc, không chỉ do mức độ chi tiết bất thường của nội dung, mà còn vì trước đó bà Sineenat nhận được rất nhiều sự chú ý. Hồi tháng 8, những bức ảnh của bà và Nhà Vua khi được đăng tải trên trang web chính thức của Hoàng gia, đã khiến trang này bị quá tải lượng truy cập trong nhiều giờ.

0063af94-f4b4-11e9-87ad-fce8e65242a6_image_hires_193217

Hoàng Quý phi Sineenat Wongvajirapakdi bị phế chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi được sắc phong (ảnh: AFP)

Một số nhà quan sát đã kết nối sự kiện với người vợ thứ ba của Vua Vajiralongkorn là bà Srirasmi Suwadee. Sau khi họ hàng của bà bị bắt giữ và buộc tội lợi dụng quan hệ với Hoàng gia để tư lợi, dẫn đến cuộc li dị vào tháng 12/2014 với người chồng quyền lực, bà Suwadde không còn xuất hiện trước công chúng. Trước đó, Nhà Vua cũng bỏ người vợ thứ hai và không công nhận các con trai của mình.

Tuy nhiên, trường hợp của bà Sineenat còn khiến người ta liên tưởng tới Vua Malaysia Muhammad V. Người đứng đầu bang Kelantan gây sốc khi từ bỏ tước vị để cưới cựu Hoa hậu Nga Oksana Voevodina. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, cặp đôi đã nhanh chóng li dị.

dbcd17e0-f4b5-11e9-87ad-fce8e65242a6_1320x770_193217

Vua Malaysia Muhammad V và cựu Hoa hậu Nga Oksana Voevodina trong một bức hình đăng tải trên Instagram

Những ví dụ trên một lần nữa làm dấy lên tranh cãi xung quanh những thách thức mà các thường dân phải đối mặt khi gả vào gia đình hoàng gia. Tân Hoàng hậu Masako – thường dân thứ hai kết hôn với một người kế thừa ngai vàng Nhật Bản, gần đây đã công khai thừa nhận về những khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống hoàng gia. Tương tự, còn có cả cựu diễn viên Mỹ Meghan Markle, vợ của Hoàng tử Anh Harry.

Với những chia sẻ công khai như vậy, cả Hoàng hậu Masako và Công nương Markle đều được so sánh với chính người mẹ quá cố của Hoàng tử Harry – Công nương Diana. Cuộc hôn nhân nổi tiếng của bà với Thái tử Charles kết thúc sau cuộc phỏng vấn với nhà báo BBC Martin Bashir, trong đó, "đóa hồng nước Anh" hé lộ những thâm cung bí sử về cuộc đời làm dâu Hoàng gia.

404e84ca-f4b5-11e9-87ad-fce8e65242a6_1320x770_193217

Hoàng tử Harry và Công nương Markle (ảnh: AP)

Ông Saad Salman, nhà sáng lập của trang web chuyên thông tin về Hoàng gia The Royal Watcher cho hay: "Hoàng gia là một thể chế riêng biệt trong hàng nghìn năm qua, với những áp lực và trách nhiệm độc nhất vô nhị và đó là lý do tại sao cho đến tận bây giờ, thành viên Hoàng gia hầu như chỉ kết hôn với những người trong vòng xã hội của mình".

"Trong những năm gần đây, khi thường dân bắt đầu gả vào gia đình hoàng gia nhiều hơn, họ đã phải đối mặt với những áp lực mà họ không có kinh nghiệm và rất khó để thích nghi", ông Salman chỉ ra. "Các thành viên Hoàng gia phải học cách cư xử tại các sự kiện chính chức, biết ngoại giao với quan chức, tương tác với công chúng, ăn mặc phù hợp và quảng bá đất nước của mình – những thứ đem lại cho họ đặc quyền lớn nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm. Bản thân việc kết hôn cũng yêu cầu một quãng thời gian để thích nghi nhưng nó trở nên khó khăn hơn nhiều nếu bạn phải làm điều đó trước mắt công chúng và cùng với việc học một vai trò mới".

Trong khi một số đám cưới khá thành công – như sự kết hợp của Hoàng tử Anh William và Kate Middleton được coi là đã tạo ra năng lượng mới cho nền dân chủ Anh sau một thời gian dài "ủ dột" vì cái chết của Công nương Diana; thì không phải cặp đôi nào cũng may mắn như vậy.

ba283ca6-f4b4-11e9-87ad-fce8e65242a6_1320x770_193217

Hoàng tử William và Công nương Kate (ảnh: Reuters)

Trong tuần này, em dâu của Công nương Middleton, Meghan Markle đã trở thành tâm điểm của truyền thông Anh khi thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn, cô cảm thấy "rất khó khăn để vui vẻ và hạnh phúc" trong gia đình hoàng gia. Đáp trả lại Meghan là một làn sóng chỉ trích cho rằng, cô là kẻ vô ơn trước những đặc quyền mà mình đã và đang nhận được.

Tuy nhiên, theo ông Salman, mọi so sánh đều là khập khiễng: "Trong một năm kể từ khi Công nương Markle gia nhập gia đình hoàng gia, cô đã trở thành nạn nhân của nhiều tin đồn xấu tính, bất chấp việc trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện và xã hội. Các thành viên gia đình hoàng gia khác, gần nhất là Công nương Camilla (vợ Thái tử Charles) và Công nương Middleton cũng từng gặp phải tình trạng tương tự; nhưng họ đã vượt qua với sự giúp đỡ của gia đình và bè bạn. Nhưng gia đình của Markle lại đứng phía sau một số tin tức và cô ấy cảm thấy rất bị cô lập, đặc biệt khi chiều hướng của truyền thông liên tục thay đổi, khiến cô ấy bị ảnh hưởng còn nhiều hơn".

Những thường dân khi kết hôn với người thuộc hoàng gia sẽ luôn cảm thấy bị áp lực cho dù có hoàn cảnh gia đình như thế nào. Thái tử phi Mette-Marit của Na Uy và Hoàng hậu Nhật Bản Masako là hai điển hình rõ rệt.

94d86476-f4b4-11e9-87ad-fce8e65242a6_972x_193217

Thái tử Na Uy Haakon và cô dâu, Công nương Mette-Marit năm 2001 (ảnh: AP)

58aeb978-f4b4-11e9-87ad-fce8e65242a6_1320x770_193217

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako trong lễ kết hôn năm 1993 (ảnh: AFP)

Là một bà mẹ độc thân chưa kết hôn khi cưới Thái tử Haakon vào năm 2001, bà Mette-Marit ban đầu đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng. Tuy nhiên, một tuần trước lễ thành hôn, bà đã công khai thừa nhận và xin lỗi về những sai lầm trong quá khứ tại một cuộc họp báo. Hành động này đã khiến công chúng thay đổi thái độ và giảm bớt chỉ trích nhằm vào thái tử phi.

Đối ngược lại, trước khi về một nhà với Thái tử Naruhito năm 1993, bà Masako từng là một "nhà ngoại giao xuất sắc". Thế nhưng, theo ông Salman, "cuộc sống hậu cung vô cùng bảo thủ và áp lực phải sinh con trai thừa kế đã khiến bà Masako bị chẩn đoán rối loạn hành vi – điều mà đôi khi bà vẫn phải chịu đựng ngay ở thời điểm hiện tại ngay cả khi bà đã vượt qua hầu hết các khía cạnh khó khăn trong những năm gần đây".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ