Chia sẻ
(Tổ Quốc) - “Dân tin rằng, Đảng sẽ tấn công vào những kẻ tiêu cực đã làm hại dân, làm hại đất nước dù đó là ai, còn đương chức hay đã về hưu. Khái niệm “hạ cánh an toàn đã không còn”.

Mùa Xuân này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, IX, X -  đã bước qua tuổi 93, khuôn mặt nhiều những đốm đồi mồi, mái tóc đã ngả màu cước, dáng vóc đã phần nào gầy đi… Tuy nhiên, ông vẫn rất minh mẫn và luôn dõi theo các vấn đề thời sự trọng đại của đất nước. 

Đầu xuân Kỷ Hợi, ông đã dành cho Báo Điện tử Tổ Quốc cuộc trò chuyện về vấn đề đang rất được dư luận quan tâm, đó là phòng chống tham nhũng.

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 1.

-Thưa ông, năm 2018 có thể nói là một năm rất "nóng" bởi "người đốt lò" Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng. Cá nhân ông chia sẻ thế nào về điều này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:  Nói đến 2018 mà chỉ đề cập đến vấn đề chống tham nhũng là chưa đủ. Có thể nói 2018 là năm thắng lợi trên các mặt trận bởi chúng ta "được mùa" toàn diện cả về chính trị, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại…

Những thắng lợi này là điều kiện để thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, một mặt là phát huy những mặt tích cực để đưa đất nước đi lên, một mặt kiên quyết chống những tiêu cực những năm vừa qua đã kìm hãm đất nước, làm tổn thất cho đất nước, đặc biệt là tổn thất chính trị, lòng tin đối với Đảng, đối với Nhà nước.  Với quyết tâm của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương, của Tổng Bí thư,  Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2018 đã gặt hái được rất lớn trên lĩnh vực chống tiêu cực, chống tham nhũng. 

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 2.

Có thể nói, trong hai nhiệm kỳ vừa qua, chưa khi nào đất nước ta trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng lại giành được thắng lợi lớn như vậy. Năm 2018, không phải chỉ những vụ việc nhỏ mà tất cả những vụ việc lớn của đất nước đã được phanh phui một cách rất quyết liệt. Nhiều vụ việc lớn đã được "lôi" ra từ vấn đề kinh tế, liên quan đến nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước, trong tập đoàn kinh tế của nhà nước, các ngân hàng…

Cái được của cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong năm 2018 là thay vì  đánh vào vai, lưng, chân tay…  thì đã tấn công  được vào trung tâm của Đảng, của Nhà nước, trúng ngay vào cả Ủy viên Bộ Chính trị, một số Ủy viên Trung ương, bộ trưởng. Có thể nói, đây là khu vực mà trước đây không ai dám "sờ" đến nhưng lần này Đảng đã quyết tâm tấn công vào sào huyệt – nơi tập trung hàng loạt cán bộ cao cấp không chỉ trong lĩnh vực nhà nước, trong các tập đoàn kinh tế mà ngay cả tại các cơ quan pháp luật, trong lực lượng vũ trang kể cả quân đội và công an.

Có thể nói rằng, bây giờ, không có mặt trận nào, lĩnh vực nào mà Đảng không "sờ" đến. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã phát động trong hai nhiệm kỳ, từ 2011-2012 và càng về sau thì chất lượng càng cao.  Cái được của chống tham nhũng là không chỉ lôi ra ánh sáng những người tham nhũng làm tổn thất cho đất nước mà quan trọng là lấy lại được lòng tin của nhân dân.  

Chưa khi nào mà lòng tin của người dân đối với Đảng lại cao như bây giờ. Và tôi nghĩ rằng, 2018 là một năm khởi động mạnh mẽ để 2019 chúng ta sẽ giành thắng lợi một cách toàn diện hơn nữa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại… Đặc biệt, trong công tác phòng chống tham nhũng tôi tin chắc rằng sẽ còn những vụ lớn hơn nữa. Ví như, vụ Vũ Nhôm đang được xử lý, nhưng sau Vũ Nhôm là ai thì còn phải tiếp tục làm rõ…

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 3.

-Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XII (1-2016) của Đảng đến tháng 6/2018, hàng loạt vụ án tham nhũng đã bị đưa ra xét xử, nhiều cán bộ cấp cao đã xộ khám, thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng, 35.000 đảng viên, trong đó có 1.300 đảng viên tham nhũng, cố ý làm trái; thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 9 ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; khai trừ đảng, Ủy viên Trung ương – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Ông nhìn nhận như thế nào về con số này? Nó có quá kinh khủng khi so sánh với các quốc gia khác không?

Tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi không so sánh với nước khác. Nhưng những con số trên là kết quả lớn. Có người nói "sao giờ nhiều tham nhũng thế?", nhưng tôi cho rằng,  mầm mống tham nhũng đã xuất hiện cách đây từ rất lâu, từ 10-15 năm trước. Có những vụ tham nhũng đã về hưu rồi, tưởng là an toàn nhưng bây giờ vẫn phải đưa ra xử.

Những con số trên cho thấy sự tổn thất rất lớn của Đảng, mà nguyên nhân là do công tác quản lý của Đảng không chặt chẽ qua nhiều nhiệm kỳ. Nhưng lôi ra được ánh sáng những vụ này đã là thắng lợi.

Đây là vụ việc đau xót, nhưng nếu không làm thì không rõ rồi đất nước chúng ta sẽ đi về đâu. Nếu không giải quyết được vấn đề tham nhũng thì nguy cơ uy hiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, nguy cơ uy hiếp đến chế độ – đây là vấn đề tối hậu, không còn đường lùi. Vì thế, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư phải quyết tâm hành động. 

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 4.

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 5.

-"Kỷ luật một vài người để cứu muôn người" là câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước  Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, câu nói này thể hiện sự quyết liệt như thế nào?

Tướng Nguyễn Quốc Thước:  "Đánh một người  để cứu muôn người" là để bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ chế độ này. Nếu nhiệm vụ này không được nêu ra và tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục thì chắc chắn rằng vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ không còn, lòng tin của dân sẽ không còn. Dân tin rằng, Đảng sẽ tấn công vào những kẻ tiêu cực đã làm hại dân, làm  hại đất nước dù đó là ai, còn đương chức hay đã về hưu. Khái niệm "hạ cánh an toàn đã không còn".

Câu nói này thể hiện sự quyết liệt, sức mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Những thắng lợi của cuộc chiến trong  năm qua  không chỉ thể hiện ở những con số trước mắt mà quan trọng nhất là ý nghĩa của nó, đó là chúng ta giành lấy thành quả cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng. 

-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh rằng bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, chúng ta cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh công cuộc phòng chống tham nhũng đang rất quyết liệt như hiện nay, ý kiến chỉ đạo này của Tổng Bí thư được dư luận đồng tình, ông nhận định như thế nào về việc này?

Tướng Nguyễn Quốc Thước:  Có thể nói đây là tín hiệu mừng, là biện pháp tích cực tấn công vào tiêu cực để mở đường cho những người tích cực mà lâu nay bị kìm hãm.  Như vậy, sự cống hiến cho đất nước sẽ cao hơn. Riêng với dân, trước kia đụng đến chuyện phát hiện ai, đề nghị ai thì người ta rất sợ bị trả thù nhưng bây giờ người dân được phát động, báo chí được lên tiếng thì chắc chắn rằng, tiếng nói của dân thông qua báo chí sẽ còn mạnh mẽ hơn.

Hiện Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội 13 và có những quyết sách rất quyết liệt để chọn những người đủ tiêu chuẩn, đủ phẩm chất, không liên quan đến vấn đề tiêu cực để đưa vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. 

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 6.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến việc giám sát quyền lực, "nhốt quyền lực vào lồng" và cần xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng". Và trên thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang đặt ra vấn đề bức bách phải tăng cường hệ thống giám sát quyền lực. Vậy, theo ông giám sát bằng cách nào?

Tướng Nguyễn Quốc Thước: Giám sát bằng những quy chế mà vừa qua Bộ Chính trị Ban chấp hành TƯ đã ra một loạt quy chế về công tác cán bộ. Thế nào là vi phạm? Thế nào là không vi phạm? Vi phạm như thế nào?... đã được quy định rõ ràng chi tiết. Đây là vấn đề quan trọng nhất để toàn Đảng, toàn dân, nhân dân dựa vào đó để phát triển.

Trước đây nói chống tham nhũng cũng chỉ nói thế thôi, nhưng chống tham nhũng như thế nào? Biện pháp thế nào? Mức độ nào?... thì lần này được quy định rất rõ. Những quy định này được đưa ra và được toàn Đảng, toàn dân làm căn cứ để giám sát.

Một khi dân phát hiện được vụ việc và thông qua tiếng nói của mình là báo chí thì chắc chắn tình trạng tiêu cực sẽ hạn chế .

Với những người đứng đầu, đã giao quyền lực cho họ thì phải có cơ chế giám sát. Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan tổ chức cán bộ phải có trách nhiệm giám sát các cán bộ mà mình đã giới thiệu. Hệ thống của Đảng được dân chủ mở ra thì đảng viên có quyền phát biểu tất cả những tích cực và tiêu cực. Báo chí được quyền hạn đi sâu vào tiếp cận, trừ bí mật quốc gia theo luật quy định.   

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 7.

-Ông nhận định như thế nào về vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng?

Tướng Nguyễn Quốc Thước: Người ta khen Tổng Bí thư làm giỏi, dám "đánh", nhưng tôi cho rằng điều đáng khen ở đây là nghệ thuật của người chỉ huy, của người thủ lĩnh. Ông đã biết tập hợp, chuẩn bị lực lượng. Biết lúc nào thì đánh, đánh thế nào. Tổng Bí thư đã có một phương châm rất tốt, tập hợp lực lượng, chuẩn bị thế trận và chọn thời cơ, "đánh" từng bước một, "đánh" từ nhỏ đến lớn.

Nếu cách đây 10 năm mà lôi những vụ việc tại Bộ Chính trị ra thì khó, bởi khi đó lực lượng tham nhũng mạnh. Nhưng bây giờ, lực lượng tham nhũng càng ngày càng bị đẩy lùi trong khi lực lượng ta càng ngày càng mạnh lên thì chúng ta mới tấn công mạnh. Cho nên, nghệ thuật của người thủ lĩnh là phải biết cách đánh và đánh như thế nào để thắng. Muốn đánh thắng thì phải biết tương quan lực lượng ta với "địch" như thế nào? Ta hơn "địch" mức độ nào thì đánh mức độ đó, chứ nếu ta chưa hơn "địch", thời cơ chưa có, nhân dân chưa ủng hộ thì chắc chắn là không thể làm được.

Đó là chưa kể đến đánh giặc nội xâm còn khó hơn đánh giặc ngoại xâm. Giặc ngoại xâm là địch ra địch, ta ra ta. Còn trong nội bộ, vừa là "địch" vừa là ta. Lôi "địch" ra mà bảo vệ được ta mới giỏi. Chứ địch không bị gì mà ta bị oan thì nội bộ sẽ rất rắc rối. Vì thế, nghệ thuật của Tổng Bí thư là như vậy!

-Vâng, xin cảm ơn ông! Chúng ta hãy cùng chúc cho năm 2019, công cuộc chống tham nhũng sẽ càng thành công hơn!

Tướng Thước: Đánh giặc nội xâm khó hơn đánh giặc ngoại xâm rất nhiều - Ảnh 8.