Tỷ lệ mắc Covid-19 cao kỷ lục, các khu ổ chuột ở Mumbai bị đẩy vào con đường miễn dịch cộng đồng bất đắc dĩ

Linh Anh | 13-08-2020 - 19:20 PM

(Tổ Quốc) - Hơn 50% mẫu xét nghiệm của những người dân sống trong các khu ổ chuột ở Mumbai, một trong những thành phố lớn nhất của Ấn Độ, dương tính với Covid-19.

Trong gần 7.000 mẫu thử được lấy từ các khu ô chuột ở Mumbai hồi tháng 7, có tới 57% dương tính với virus corona. Trong khi một số người tỏ ra lo lắng với kết quả mà Chính quyền Mumbai và Viện nghiên cứu Tata thực hiện, số khác lại tỏ ra lạc quan với cái mà họ tin tưởng là khả năng miễn dịch cộng đồng.

Với tỷ lệ nhiễm lên tới hơn 50%, các khu ổ chuột ở Mumbai chính là nơi có tỷ lệ nhiễm cao nhất toàn cầu. Ở New Delhi, tỷ lệ này chỉ là 23,5% trong khi ở New York là 14%.

Các nhà khoa học tin rằng một người khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19 sẽ có khả năng miễn dịch với dịch bệnh. Tuy nhiên, người ta chưa biết khả năng miễn dịch này sẽ mạnh đến mức nào hoặc kéo dài trong bao lâu. Miễn dịch cộng đồng là lý thuyết cho rằng việc virus lây lan tự do trong cộng đồng sẽ khiến chúng yếu đi và tạo ra miễn dịch cho tất cả.

Thực tế, giãn cách xã hội là điều không tưởng tại các khu ổ chuột ở Mumbai. Bởi lý do đó, Jayaprakash Muliyil, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học của Viện Dịch tễ học Quốc gia Ấn Độ, cho biết: "Các khu ổ chuột ở Mumbai có thể đạt đến cấp độ miễn dịch cộng đồng. Nếu người Mumbai muốn một nơi an toàn để tránh bị lây nhiễm, họ có lẽ nên đến các khu ổ chuột này".

Tuy nhiên, một số người khác có quan điểm thận trọng hơn. David Dowdy, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins, nói rằng có thể các mẫu thử của Ấn Độ cho kết quả dương tính giả tại Mumbai. Trong khi đó, Om Shrivastav, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở thành phố này, cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận vì virus mới xuất hiện được vài tháng.

Nếu miễn dịch cộng đồng đang diễn ra ở Mumbai, nó sẽ có một cái giá rất đắt. Trong số hơn 2 triệu ca nhiễm Covid-19 của Ấn Độ, khoảng 5% số đó được ghi nhận ở Mumbai, thủ đô thương mại của đất nước. Tính đến đầu tuần qua, có gần 7.000 người chết vì dịch bệnh ở thành phố này.

Nguy cơ về số người tử vong cao cũng chính là lý do các cơ quan y tế Ấn Động không hướng tới miễn dịch cộng đồng. Thay vào đó, họ muốn mọi người có thể miễn dịch thông qua tiêm chủng, điều chưa thể xảy ra vì chưa có vắc xin phòng bệnh.

Trên thực tế, miễn dịch cộng đồng là biện pháp cực kỳ gây tranh cãi, nhất là khi các nhà khoa học vẫn chưa biết tất cả về virus corona. Trong khi đó, phương pháp này cũng được rất ít quốc gia áp dụng vì lo ngại chúng sẽ gây ra số ca tử vong cao. Vương quốc Anh ban đầu cho rằng họ sẽ để virus lây lan nhằm tạo miễn dịch cộng đồng nhưng buộc phải thay đổi vì hàng loạt chỉ trích bởi số ca tử vong tăng cao.

Nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ, không chấp nhận miễn dịch cộng đồng. Thậm chí, Ấn Độ còn chọn phong tỏa cả đất nước để ngăn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở các khu ổ chuột của Mumbai cho thấy những người nghèo là nạn nhân lớn nhất của dịch bệnh ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. Những tầng lớp khác có cơ hội tránh bị lây nhiễm cao hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM