• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

UAE "tiến thoái lưỡng nan" giữa Mỹ - Trung trong cuộc "chinh phục" vùng Vịnh

Thế giới 02/06/2020 16:05

(Tổ Quốc) - Đại sứ quán Mỹ đã từ chối đề nghị của Dubai về việc xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên vì lo ngại về quyền riêng tư liên quan đến Trung Quốc.

Ngay sau khi mở cửa một trung tâm xét nghiệm Covid-19 lớn, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã cung cấp cho Đại sứ quán Hoa Kỳ hàng trăm mẫu thử để xét nghiệm nhân viên của họ. Nhưng cử chỉ của UAE - một trong những đồng minh khu vực thân cận nhất của Washington – không được đáp lại.

Lời đề nghị đã bị từ chối một cách lịch sự, theo một quan chức Mỹ. Lý do là có sự tham gia của các công ty và công nghệ Trung Quốc và những lo ngại về quyền riêng tư của bệnh nhân, quan chức này nói thêm.

Cảnh báo tiềm tàng từ Mỹ

Sự việc này đã thêm vào căng thẳng kéo dài giữa Abu Dhabi và Washington về mối quan hệ ngày càng sâu rộng của UAE với Trung Quốc khi chính quyền Trump cũng đang gay gắt với Bắc Kinh về đại dịch virus corona.

UAE "tiến thoái lưỡng nan" giữa Mỹ - Trung trong cuộc "chinh phục" vùng Vịnh - Ảnh 1.

Khi cuộc khủng hoảng này kéo theo những các trận chiến mới giữa Washington và Bắc Kinh, các quốc gia vùng Vịnh buộc phải đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu trước mắt đối phó với sự bùng phát dịch bệnh và làm sâu sắc thêm quan hệ với Trung Quốc, một trong những người mua dầu thô lớn nhất của họ và bên kia là nghĩa vụ phải xoa dịu đồng minh lịch sử của họ - Mỹ.

"UAE là tiền tuyến mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc", một quan chức phương Tây nói.

Cơ sở xét nghiệm của UAE, được khai trương vào cuối tháng 3, là liên doanh giữa công ty gen Trung Quốc BGI và tập đoàn trí tuệ nhân tạo G42 - được cho là có liên kết với giới cầm quyền Abu Dhabi. Đặt trụ sở tại thủ đô UAE, trung tâm này củng cố khả năng sàng lọc virus corona của nước này. Cơ sở này cũng đã thực hiện hơn 2 triệu xét nghiệm trong tổng dân số 9 triệu người của UAE- một trong những tỷ lệ xét nghiệm bình quân đầu người lớn nhất thế giới.

Nhưng đối với Đại sứ quán Mỹ, sự hợp tác giữa một doanh nghiệp gen có trụ sở tại Trung Quốc và một tập đoàn Abu Dhabi với cấu trúc sở hữu không được rõ ràng đã gây ra lo ngại rằng thông tin nhạy cảm về các nhà ngoại giao của họ có thể đến tay Bắc Kinh.

"Đã có những lo ngại về quyền riêng tư của bệnh nhân và cách thức kiểm tra có thể được sử dụng", quan chức Mỹ trên cho hay.

BGI, thuộc sở hữu tư nhân, cho biết họ không có quyền truy cập dữ liệu bệnh nhân – nội dung được các cơ quan y tế địa phương quản lý. Còn G42 thì từ chối xác định chủ sở hữu tập đoàn và nói rằng các giao thức bảo mật thông tin và bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt vẫn được thực hiện.

Rất lâu trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng virus corona, Washington đã cảnh báo các quốc gia vùng Vịnh rằng sự hợp tác công nghệ ngày càng tăng với khu vực tư nhân Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho nhiều thập kỷ hợp tác an ninh với Mỹ.

BGI, do tư nhân quản lý, đã trao hợp đồng phát triển mạng di động 5G cho Huawei, công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Washington.

"Tình hình này có nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ chiến lược lâu dài mà họ có với Mỹ, quan chức của Hoa Kỳ nói.

Sức hút Trung Quốc tại vùng Vịnh

UAE, giống như các quốc gia vùng Vịnh khác, đã tăng cường quan hệ thương mại và chính trị với Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trung Quốc, nơi nhập khẩu phần lớn dầu từ vùng Vịnh, cũng đã đẩy mạnh thương mại phi dầu mỏ với khu vực. Vào đầu thiên niên kỷ này, thương mại song phương hàng năm với UAE là 2 tỷ USD, nhưng đến nay đã vượt qua 50 tỷ USD. Trước đại dịch, UAE đang hy vọng tăng lên 70 tỷ USD trong năm nay.

Giá trị kinh tế và ngoại giao của mối quan hệ đối tác UAE - Trung Quốc - được nhấn mạnh vào năm 2018 với các chuyến thăm song phương của các nhà lãnh đạo – cũng tiếp tục được phát triển trong cuộc khủng hoảng virus corona.

UAE đã gửi khẩu trang và găng tay cho Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, trong khi Bắc Kinh chia sẻ kiến thức về y tế khi dịch bệnh tràn qua vùng Vịnh.

Trung Quốc đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, ngoại trừ Bahrain. Vào tháng Tư, BGI đã mở rộng sang Ả Rập Saudi, ký hợp đồng trị giá 265 triệu USD về phát triển sáu phòng thí nghiệm ở vương quốc này.

Bắc Kinh đã gửi đi các lô hàng thiết bị y tế, như khẩu trang và máy thở, cho các đối tác khác trên khắp Trung Đông, bao gồm Iraq, Iran, Ai Cập và Algeria.

Quan hệ đối tác khu vực của Trung Quốc là một công cụ ngoại giao khá tinh vi, đưa họ cận kề đến một liên minh hợp tác về an ninh nhưng không cần quân đội trên mặt đất, Jonathan Fulton, trợ lý giáo sư tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi nói. "Lợi ích của mối quan hệ này, trước sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề của chính họ, chứ đừng nói đến việc giúp đỡ các đối tác, đã khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn trong khu vực này".

Các quốc gia vùng Vịnh vẫn dựa vào sự bảo vệ từ sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, trong khi Trung Quốc cho thấy ít quan tâm hoặc ít có khuynh hướng đảm nhận vai trò là trọng tài an ninh ở Trung Đông đầy biến động.

Nhưng Bắc Kinh đã bắt đầu nhắm đến các khu vực mà Mỹ không đáp ứng được các yêu cầu của đồng minh vùng Vịnh, ông Fulton nói. Ví dụ, Mỹ đã cấm cung cấp máy bay không người lái quân sự tiên tiến cho Ả Rập Saudi và UAE, thì cả hai nước này đều đã chuyển sang mua máy bay không người lái của Trung Quốc.

Fulton cho biết, UAE sẽ tiếp tục coi trọng các vấn đề an ninh nhiều hơn từ Mỹ, nhưng đồng thời, lực hấp dẫn và khả năng kết nối với châu Á đang ngày càng mạnh mẽ hấp dẫn họ hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ