• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ukraine tức giận trước đột phá năng lượng Nga – châu Âu

Thế giới 01/11/2019 05:54

(Tổ Quốc) - Việc Đan Mạch chấp thuận dự án đường ống dẫn khí đốt (còn đang gây tranh cãi) từ Nga tới châu Âu sẽ tăng cường ảnh hưởng của Nga trong khu vực, Ukraine cảnh báo.

"Đây không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng, đây còn là vấn đề địa chính trị", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói về dự án khí đốt Nord Stream 2.

Kế hoạch xây dựng đường ống dưới biển dài 1.225km (760 dặm) này, chạy dưới biển Baltic từ Nga đến Đức, đã chia rẽ châu Âu. Cho tới gần đây, việc Đan Mạch chưa cấp nốt giấy phép cho dự án này đã là rào cản lớn cuối cùng nhưng vào hôm thứ 4, Đan Mạch cho biết họ đã cấp giấy phép cho một phần dự án đi qua đảo Bornholm ở Baltic.

Ukraine tức giận trước đột phá năng lượng Nga – châu Âu - Ảnh 1.

Dự án Nord Stream 2 là một vấn đề gây chia rẽ tại châu Âu. Ảnh: Reuters.

Cơ quan Năng lượng của Đan Mạch cho biết họ "có nghĩa vụ cho phép xây dựng tuyến đường ống vận chuyển" theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sẽ cần một tháng để giấy phép có hiệu lực, cơ quan này cho hay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh thông tin này, nói rằng quyết định này là điều tốt cho châu Âu.

Nhưng ông Zelensky nói rằng động thái trên sẽ "củng cố nước Nga và làm suy yếu châu Âu". Ông cũng chia sẻ thêm trong cuộc họp báo tại thủ đô Kiev, "Chúng tôi hiểu rằng điều này có thể xảy ra" và "về phần tôi, tôi sẽ nói rằng cả tôi và chính phủ của chúng tôi đã sẵn sàng cho một quyết định như vậy. Chúng tôi đã sẵn sàng."

Nord Stream 2 sẽ không chỉ gia tăng lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu, mà còn có nghĩa là cùng với dự án TurkStream, Nga sẽ có thể bỏ qua các đường ống của Ukraine.

Việc mất đi phí quá cảnh đối với năng lượng Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Ukraine. Năm 2017, nước này kiếm được khoảng 3 tỷ USD phí vận chuyển khí đốt của Nga.

Dự án Nord Stream 2 do Nga dẫn đầu cũng đã khiến Mỹ phẫn nộ, lo ngại rằng đường ống này sẽ thắt chặt sự kìm kẹp của Nga đối với nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu và giảm thị phần của chính Washington trên thị trường châu Âu đối với nguồn khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng đường ống dẫn khí này, với sự dẫn đầu của tập đoàn Gazprom, Nga cùng hợp tác với 1 số tập đoàn châu Âu, có thể biến Đức trở thành bên phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ