UNICEF cảnh báo 1/3 trẻ em thế giới đang bị nhiễm độc chì: Có thể làm giảm IQ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch về lâu dài

Linh Hân | 31-07-2020 - 20:17 PM

(Tổ Quốc) - Cứ 3 trẻ em lại có 1 trẻ bị phơi nhiễm chì trên thế giới, báo cáo của UNICEF cho biết.

Theo báo cáo được công bố ngày 30/7 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và nhóm bảo vệ môi trường Pure Earth, tình trạng nhiễm động chì đang ảnh hưởng tới trẻ em trên một quy mô rộng lớn chưa từng có.

Báo cáo này cho biết, khoảng 1/3 số trẻ em trên thế giới – ước tính 800 triệu người – có mức chì đạt mức 5 µg/dL trở lên trong máu. UNICEF cảnh báo đây là con số nguy hiểm có thể làm giảm  3-5 điểm IQ ở trẻ em và làm gia tăng nguy cơ phát triển các hành vi bạo lực.

 "Ngộ độc chì ít biểu hiện triệu chứng sớm, âm thầm tàn phá sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, gây hậu quả chết người", Henrietta Fore – Giám đốc Điều hành của UNICEF cho biết.

UNICEF chỉ ra, chì là một chất độc thần kinh có thể gây tổn hại vĩnh viễn não bộ của trẻ em. Nó đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vì chì sẽ tàn phá não bộ trước khi trẻ có cơ hội phát triển đầy đủ. Điều này khiến trẻ bị suy giảm chức năng thần kinh, nhận thức và thể chất suốt đời.

UNICEF cảnh báo 1/3 trẻ em thế giới đang bị nhiễm độc chì: Có thể làm giảm IQ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch về lâu dài - Ảnh 1.

(Ảnh: Kuni Takahashi—Getty)

Ngoài ra, phơi nhiễm chì ở trẻ em còn liên quan tới sức khỏe tâm thần, các vấn đề về hành vi, cũng như gia tăng tỷ lệ phạm tội và bạo lực. Trẻ lớn hơn sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh thận và bệnh tim mạch.

Theo UNICEF, phơi nhiễm chì khiến cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mất gần 1.000 tỷ USD do thiệt hại về tiềm năng kinh tế mà những đứa trẻ này có thể mang lại trong tương lai.

Báo cáo cho biết, việc tái chế pin a-xít không đạt tiêu chuẩn là tác nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ em tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Số lượng phương tiện giao thông tăng lên, cùng với việc thiếu các quy định và cơ sở hạ tầng tái chế ắc quy xe đã khiến cho 50% số lượng ắc quy a-xít chì được tái chế không an toàn.

Công nhân tiến hành tái chế pin a-xít chì không đúng quy định sẽ phá các vỏ pin, đổ a-xít và bụi chì xuống đất, nung chảy chì ngoài trời và thải khói độc hại ra môi trường xung quanh. Thông thường, họ không biết đây là một chất động thần kinh mạnh.

UNICEF cảnh báo 1/3 trẻ em thế giới đang bị nhiễm độc chì: Có thể làm giảm IQ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch về lâu dài - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Các nguồn phơi nhiễm chì khác ở trẻ em bao gồm nước chảy qua ống dẫn chứa chì, chì trong hoạt động công nghiệp như khai thác và tái chế pin, sơn và bột màu chứa chì, xâng pha chì (dù đã giảm đáng kể trong vài thập kỷ gần đây), hàn chì trong thực phẩm đóng hộp, chì trong gia vị, mỹ phẩm, thuốc bổ, đồ chơi trẻ em và các sản phẩm tiêu dùng khác.

Các bậc phụ huynh có công việc tiếp xúc với chì thường mang theo bụi chì về nhà, dính trên quần áo, tóc, tay và giày, vì thế khiến con cái vô tình bị phơi nhiễm.

"Một tin tốt là chì có thể được tái chế một cách an toàn mà không gây ảnh hưởng tới công nhân, con cái họ và các khu dân cư. Các khu vực bị nhiễm độc chì có thể phục hồi được", ông Richar Fuller – Chủ tịch Pure Earth – cho biết. "Mọi người cần nhận thức được sự nguy hiểm của chì và chủ động bảo vệ chính mình và con cái".

(Theo Reuters, Time, UNICEF)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM