• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ván bài chiến lược lục địa đen: Mỹ tung chiến lược mới đối phó Trung, Nga?

Thế giới 12/12/2018 06:16

(Tổ Quốc) - Chính quyền Tổng thống Trump có kế hoạch công bố một chiến lược mới cho châu Phi trong tuần này.

Chiến lược này sẽ tập trung vào việc chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga tại lục địa này, hai quan chức cấp cao của Mỹ nói với NBC News.

Chiến lược này sẽ kêu gọi củng cố mối quan hệ của Mỹ với các nước được coi là có khả năng dễ bị tổn thương trước các thỏa thuận từ Trung Quốc và Nga, cũng như tìm cách chống lại các nỗ lực của Triều Tiên và Iran để thâm nhập thông qua đầu tư kinh tế hoặc bán vũ khí, các quan chức chính quyền Mỹ cấp cao cho biết, với điều kiện giấu tên.

Cốt lõi chiến lược mới

Kế hoạch, được soạn thảo bởi Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và dự kiến được đưa ra trong tuần này tại một cơ quan cố vấn của Washington. Điều này sẽ báo hiệu sự thay đổi của chính quyền – điều đã và đang diễn ra - trong đó nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Mỹ là cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, các quan chức cho biết.

Ván bài chiến lược lục địa đen: Mỹ tung chiến lược mới đối phó Trung, Nga? - Ảnh 1.

Châu Phi là nơi các siêu cường đang tăng cường tìm kiếm ảnh hưởng. (Nguồn: NBC News)

"Chống khủng bố không còn là nguyên tắc có tính tổ chức", một quan chức chính quyền cấp cao cho hay.

"Đó là về địa chính trị và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và những người khác."

Nhà Trắng từ chối yêu cầu bình luận.

Sự chỉ trích của ông Trump và mối quan hệ lạnh nhạt giữa Mỹ và châu Phi đã bị coi là một chiến lược quá hạn. Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Trump đã đưa ra rất ít tuyên bố nói về châu Phi và không giống như hai người tiền nhiệm trực tiếp, Tổng thống Trump không có sáng kiến nào hướng về châu Phi cho đến nay.

Phải mất hơn một năm để ông Trump gặp một nguyên thủ quốc gia châu Phi và bổ nhiệm các vị trí ngoại giao quan trọng đối với châu Phi, trong khi đó, một số vị trí đại sứ vẫn còn trống. Các chính phủ châu Phi cho rằng những tín hiệu trên là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng ít coi trọng châu Phi, các chuyên gia và cựu nhà ngoại giao Mỹ cho biết.

Chiến lược châu Phi đang được hoạch định không kêu gọi dành nhiều tài trợ cho ngoại giao, thu thập thông tin hoặc viện trợ của, mà thay vào đó, nói về việc sử dụng các nguồn lực hiện có hiệu quả hơn, một quan chức chính quyền và một quan chức quốc phòng nói.

Các chuyên gia cho biết Nhà Trắng không có kế hoạch mở rộng đáng kể các nguồn lực của Hoa Kỳ dành cho châu Phi, không rõ chính quyền sẽ thành công như thế nào trong việc chống lại Trung Quốc, Nga hay các đối thủ khác.

Chiến lược của Nhà Trắng dự kiến sẽ đặt một số quốc gia vào vị thế mỏ neo trong chiến lược của Hoa Kỳ. Các chuyên gia thân cận với chính quyền Mỹ dự kiến danh sách này sẽ bao gồm Kenya, một đồng minh lâu đời. Đối với các nỗ lực chống khủng bố, chính quyền Mỹ cũng sẽ tìm cách tiếp nối quan hệ với các đối tác quan trọng, bao gồm cả Somalia, Libya và Mali, các quan chức cho biết.

Trung – Nga trỗi dậy tại châu Phi

Nhiều chuyên gia cho rằng, Washington đang tụt hậu so với Trung Quốc ở châu Phi, nơi Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng và sử dụng sức mạnh kinh tế để tăng cường lợi ích an ninh. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở Djibouti, cách không xa một căn cứ quan trọng của Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ và các sĩ quan quân đội cấp cao cũng đang lo lắng về tương lai của căn cứ Mỹ và rằng Trung Quốc sớm có thể giám sát hoạt động tại một cảng quan trọng ở nước này -trước đây do một công ty Dubai điều hành. Điều này có thể tạo cho họ một bước tiến quan trọng tại tuyến đường đến kênh đào Suez - lối vào phía nam của Biển Đỏ.

Trung Quốc đã xây dựng các con đường, đặt cáp quang và cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác tại khu vực này trong thập kỷ qua, điều cũng kèm theo nhiều khoản nợ lớn và đang tạo cho Bắc Kinh lực đẩy quyết định trong những năm tới.

Joshua Meservey, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Quỹ Di sản thân hữu nói rằng, Trung Quốc là "diễn viên nước ngoài có tầm với mạnh nhất ở châu Phi. "

Về phần mình, Nga trong năm qua cũng đã nhanh chóng thực hiện nhiều động thái để vun đắp mối quan hệ trên khắp lục địa, với nhiều phái đoàn cấp cao đàm phán bán vũ khí và thỏa thuận hợp tác quân sự. Vào tháng 9, Moscow đã công bố thỏa thuận xây dựng một căn cứ hậu cần ở Eritrea trên Biển Đỏ và các công ty Nga đã giành được các thỏa thuận khoáng sản ở Sudan.

Ví dụ điển hình nhất về sự hiện diện ngày càng tăng nhanh của Nga là ở Cộng hòa Trung Phi (CAR), nơi các cố vấn quân sự và dân sự đang giúp đào tạo lực lượng an ninh của chính phủ và các quan chức Nga đang đàm phán tiếp cận với kim cương, vàng và các khoáng sản khác của nước này. Một công dân Nga, Valery Zakharov, làm cố vấn cho chính phủ CAR, và công ty an ninh tư nhân Wagner, được cho là có quan hệ với Điện Kremlin, được cho là đang đảm bảo an ninh tại các địa điểm khai thác và giúp đào tạo các nhân viên bảo vệ cho Tổng thống CAR Faustin-Archange Touadera.

Trung Quốc và Nga đang tìm cách gặt hái những lợi ích ngoại giao từ mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia châu Phi, khi phiếu bầu của các nước này tại Liên Hợp Quốc có thể đóng vai trò là đối trọng với Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác.

Sức mạnh quân sự Mỹ tại châu Phi

Trong khi Nga đang tìm cách mở rộng sự hỗ trợ và hiện diện quân sự, quân đội Hoa Kỳ lại bắt đầu thu hẹp lại lực lượng của mình và đang cân nhắc việc giảm thêm khi tiến độ của các nỗ lực chống khủng bố chậm lại và các ưu tiên chính sách thay đổi, một quan chức quốc phòng và một quan chức chính quyền cho biết.

Các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ tại Châu Phi đang được xem xét kỹ lưỡng sau một cuộc phục kích của lực lượng cực đoan ở Nigeria vào tháng 10/2017 khiến bốn lính Mỹ thiệt mạng.

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ cũng đang xem xét rút ra một số nhóm đặc nhiệm ở châu Phi, như một phần của chiến lược tối ưu hóa từ Lầu Năm Góc. Kế hoạch này, chưa được phê duyệt, kêu gọi cắt giảm tới 50% quân đội ở Tây Phi, các quan chức quốc phòng cho biết.

Một quan chức Mỹ, chia sẻ với điều kiện giấu tên, cho biết, việc cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ không chỉ gây nguy hiểm cho an ninh trong khu vực mà còn làm tổn thương mối quan hệ của Mỹ với chính quyền địa phương và làm tổn hại khả năng thu thập thông tin tình báo của Washington về hoạt động của các nước khác.

Blaine Johnson, một nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, một nhóm chuyên gia trung tả, nói rằng, "về sự tham gia của chúng tôi ở châu Phi, chúng tôi cần cung cấp sự tương phản với Trung Quốc và Nga, dựa trên nền tảng chúng tôi là ai và chúng tôi coi trọng điều gì".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ