• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vẫn còn “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em

Thời sự 27/05/2020 15:37

(Tổ Quốc) - Sáng nay (27/5), Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Xử lý một số vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện tốt các quyền của trẻ em.

Vẫn còn “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Tuy nhiên, trên cả nước vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ, trên cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Về hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, do một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm, coi nhẹ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có những nhiệm vụ chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thi hành Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan, một số cơ quan, địa phương, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm; việc xử lý một số vụ việc xâm hại trẻ còn chậm.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; nguồn lực đầu tư về cán bộ, cơ sở vật chất và kinh phí còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Vẫn còn “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đặc biệt, mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, kéo theo một số vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Những tác động xấu của mạng internet, mạng xã hội dẫn đến nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

“Khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, tình trạng nhức nhối khi trẻ em bị xâm hại tình dục không chỉ xuất hiện ở nông thôn, vùng sâu xa, khó khăn mà còn ở nơi kinh tế - xã hội phát triển, để lại hậu quả nặng nề đối với người bị hại, gia đình và xã hội.

Nhấn mạnh về “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em, đại biểu Hòa nêu dẫn chứng cụ thể: “báo cáo của đoàn giám sát cho thấy trung bình 1 ngày có 7 trẻ bị xâm hại và trong hơn 4 năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ tử vong. Đặc biệt, nhiều vụ chưa được phát hiện kịp thời”.

Vẫn còn “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em - Ảnh 3.

đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

Khẳng định xâm hại trẻ em là vấn đề nóng và cần sự quan tâm hơn của cả hệ thống chính trị, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em sớm được phát hiện, xử lý nghiêm khắc.

“Ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh các hành vi xâm hại trẻ em” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.

Dẫn nhiều trường hợp ông nội, cha xâm hại rồi dọa giết nếu nạn nhân nói sự thật, bảo mẫu, thầy cô bạo hành trẻ và cho rằng, dù trẻ có chống lại, có cầu cứu thì đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, vị đại biểu đoàn Quảng Bình bày tỏ băn khoăn “Liệu còn bao nhiều trẻ bị xâm hại, bao nhiêu kẻ tàn ác phạm tội mà chưa bị xử lý. Tổn hại về thể chất với các em có thể đong đếm, nhưng về tinh thần là lâu dài, có thể khiến các em suy sụp”.

Vẫn còn “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam).

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, bất cứ ai cũng có nhiều cảm xúc khi đọc thông tin và số liệu về xâm hại trẻ em trong báo cáo, trong đó người thân xâm hại con em mình không còn cá biệt.

Nhấn mạnh báo cáo dù khá toàn diện nhưng chưa thể phản ánh đầy đủ thực trạng, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng: “Vẫn còn “vùng ẩn” trong công tác theo dõi, thống kê”.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ