Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Nếu đề ra một tiêu chuẩn quá cao, khắt khe, kỹ lưỡng thì sẽ đẩy hoạt động kinh doanh vào mảng tối, ngầm.

Báo Điện tử Tổ Quốc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình trạng giấy phép con hiện nay và giải pháp để doanh nghiệp "dễ thở" hơn:

Văn hoá quản lý của chúng ta là vẫn thích ngồi một chỗ để cấp phép  - Ảnh 1.

-Thưa ông, báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2018 là năm hừng hực khi thế cải cách điều kiện kinh doanh nhờ "sức nóng" từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn còn "kêu trời" về sự nhiêu khê của giấy phép con. Theo ông, cắt giảm giấy phép con thời gian qua đã thực chất chưa?

+ Cải cách điều kiện kinh doanh là chương trình rất lớn của Chính phủ trong năm 2018. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì các bộ ngành đã có các chương trình rà soát về các điều kiện kinh doanh rất mạnh mẽ.

Qua đó, đã ban hành được 25 Nghị định đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và rất nhiều những quy định đã được thay đổi tích cực. Có thể kể đến Nghị định về khí gas trong đó bãi bỏ các điều kiện quy định về số lượng bình, quy định về thành lập mạng lưới phân phối cũng đơn giản hơn; Nghị định về xuất khẩu gạo cũng được nới ra rất nhiều; rồi Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về an toàn thực phẩm….

Theo thống kê của VCCI thì hầu hết các bộ ngành đều hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao về cắt giảm các điều kiện kinh doanh hiện có. Tuy nhiên, khảo sát của VCCI qua nhiều năm cũng cho thấy, cấp phép kinh doanh vẫn là vấn đề lớn, khó khăn đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Về chương trình cắt giảm vừa rồi, theo đánh giá của VCCI thì vẫn nặng về đơn giản hóa chứ còn chưa mạnh dạn cắt bỏ. Ngoài ra, có tình trạng cắt giảm chưa thực chất, chẳng hạn như việc gộp 2,3 điều kiện lại thành cắt giảm…Chính vì vậy, phải nói rằng, một số ngành chưa thay đổi thực chất.

Văn hoá quản lý của chúng ta là vẫn thích ngồi một chỗ để cấp phép  - Ảnh 2.

-Cắt bỏ giấy phép con chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các bộ ngành. Ông có thể chia sẻ về "phản ứng" của các bộ ngành không?

+Trên thực tế, trong giai đoạn rà soát, sự cởi mở của các cơ quan rà soát đối với cộng đồng là rất khác nhau. Có những Bộ rất thiện chí, công khai các phương án, phối hợp với đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và có những giải trình rất minh bạch về việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến góp ý như: Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Tuy nhiên, có một số phương án rà soát rất khó để tiếp cận hoặc chỉ tiếp cận được thông qua các kênh trung gian, ví như thông qua Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

-Ông từng chia sẻ với báo chí rằng: "Nếu như quản lý không đúng thì sẽ có nguy cơ tạo ra nền kinh tế ngầm. Khi giấy phép nhiều thì tưởng như kinh doanh được bảo vệ nhưng thực ra thì hàng rào càng cao mức độ tuân thủ càng thấp". Vậy tình trạng này ở nước ta hiện nay cụ thể thế nào, thưa ông?

+Thống kê của ngân hàng thế giới ở nhiều nước đã chứng minh rằng, nếu đặt ra "hàng rào" quá cao thì doanh nghiệp không thể tuân thủ. Từ đó người ta có xu hướng chuyển sang hoạt động ngầm.

Ví như về an toàn thực phẩm, nếu đặt ra quá nhiều quy định và không khả thi thì doanh nghiệp phải cố gắng hoàn thiện quy trình của họ bằng cách làm chui, làm không phù hợp bởi người ta không có khả năng để tuân thủ.

Chính vì vậy, khi đưa ra các quy định cần phải có căn cứ thực hiện chứ không phải đề ra một tiêu chuẩn quá cao, quá khắt khe, kỹ lưỡng thì sẽ đẩy các hoạt động kinh doanh vào mảng tối ngầm. Đây cũng là tổng kết ở nhiều nước chứ không chỉ ở Việt Nam.

Văn hoá quản lý của chúng ta là vẫn thích ngồi một chỗ để cấp phép  - Ảnh 3.

-Tình trạng giấy phép con ở nước ta so với các nước có nền kinh tế tương đồng, các nước khu vực Đông Nam Á như thế nào, thưa ông?

+ Thực ra cũng tùy từng quốc gia, tùy từng điều kiện kinh doanh, tùy lĩnh vực… Nhưng cũng phải thừa nhận những quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam đang là gánh nặng tương đối lớn so với các nước. Và vấn đề muốn nói ở đây là chi phí quản lý quá cao.

Nhiều lúc cơ quan quản lý cần phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là đạt được cái gì? Hiện nay chúng ta đưa ra quy định nhưng không tính đến chi phí tuân thủ.

Ví như, về quản hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm dệt may. Có thể nói rằng chi phí doanh nghiệp để đáp ứng quy định này rất cao, trong khi hàng chục ngàn mẫu mới có nguy cơ vài mẫu. Nếu tính toán chi phí lợi ích ở đây sẽ thấy rằng, chi phí lợi ích xã hội doanh nghiệp phải bỏ ra là quá lớn so với mục tiêu của cơ quan quản lý nhà nước đạt được là rất nhỏ.

Cho nên, khi đặt ra giấy phép, điều kiện kinh doanh người ta phải nhắc đến các yếu tố như "có giải pháp nào thay thế không?" Việc đặt ra giấy phép về điều kiện kinh doanh phải là giải pháp cuối cùng. Bởi khi đã đặt ra giấy phép về điều kiện kinh doanh nghĩa là chúng ta đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đã tạo ra chi phí tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là hệ quả đặt ra điều kiện kinh doanh thường là tạo ra sự độc quyền.

Chẳng hạn nếu đặt ra điều kiện kinh doanh thì các hãng taxi mới sẽ khó bước vào thị trường, từ đó sẽ không có cạnh tranh trong môi trường taxi nhằm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng.

-Cũng dễ hiểu rằng, sự chặt chẽ quá mức về điều kiện kinh doanh sẽ khiến doanh nghiệp phải "đi đêm" với các cơ quan chức năng?

+Thực ra điều này đã được chứng minh trên thực tiễn. Nếu điều kiện quá khắt khe, phiền phức thì đương nhiên doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí để thuê dịch vụ.

Chúng ta đã thấy, trước khi có Nghị định 15/2018 của Chính phủ ban hành về an toàn thực phẩm thì có tình trạng doanh nghiệp phản ánh rằng để xin cấp giấy chứng nhận phù hợp điều kiện an toàn thực phẩm phải mất hàng tháng trời. Tiêu chuẩn rất cao, rủi ro và phí cũng rất cao. Khi đó, doanh nghiệp có thể thuê các công ty tư nhân bên ngoài xử lý và trả mười mấy triệu là xong. Dù vậy, rất tốn kém cho doanh nghiệp.

Chúng ta đều thấy rằng, việc cấp chứng minh thư, hộ chiếu một cách đơn giản, thuận tiện như hiện nay đã làm cho tình trạng trung gian, cò mồi ngay lập tức giảm hẳn.

Văn hoá quản lý của chúng ta là vẫn thích ngồi một chỗ để cấp phép  - Ảnh 4.

-Như vậy là đồng nghĩa với việc có tình trạng cơ quan chức năng lợi dụng giấy phép con để gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, thưa ông?

+Cái này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là văn hóa quản lý của mình là một số cơ quan nhà nước vẫn thích ngồi một chỗ để cấp phép. Có những thay đổi cách thức quản lý có thể hiệu quả hơn.

Ví như trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, là Nghị định 15 ban hành năm 2018 vừa qua. Trước đây, cơ quan quản lý ngồi một chỗ, doanh nghiệp mang mẫu thực phẩm đến và cơ quan quản lý xét trên hồ sơ và xác nhận. Nhưng phương pháp làm việc này không giải quyết được vấn đề, đó là những gì mà doanh nghiệp nộp lên và sản xuất thực tế là khác nhau.

Có một cách quản lý khác là đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn rất rõ ràng và thanh tra giám sát, nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì sẽ phạt nặng, thậm chí là xử lý hình sự nếu vi phạm nặng …

Tuy nhiên, cách quản lý thứ hai thực chất hơn, tốt hơn thì người ta lại không có động lực vì nó vất vả so với cách quản lý cũ là ngồi một chỗ và cấp phép.

Thứ nữa là vấn đề lợi ích. Nếu đơn giản hóa các quy định thì lại mất đi nguồn thu cho một nhóm nào đấy.

Cũng phải thừa nhận rằng, cách ban hành văn bản pháp luật Việt Nam cho thấy động lực cắt giảm rất ít vì chính cơ quan cấp phép lại là những cơ quan chủ trì về soạn thảo phương án cắt giảm.

-Vụ Pháp chế (VCCI) thường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các vụ, cục trong các bộ để tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Là người hiểu rõ "đường đi nước bước" của các giấy phép con, ông có bao giờ đề đạt những quan ngại lên Chính phủ?

+VCCI là đơn vị đi đầu về việc này. Chương trình cắt giảm giấy phép kinh doanh của Chính phủ cũng là bắt đầu từ báo cáo của VCCI và Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Lần đầu tiên một báo cáo về thực trạng giấy phép kinh doanh của VCCI được thảo luận tại phiên họp của Chính phủ.

Văn hoá quản lý của chúng ta là vẫn thích ngồi một chỗ để cấp phép  - Ảnh 5.

Trong quá trình này, VCCI rất chủ động trong rà soát, đánh giá thống kê, và VCCI cũng tham gia vào quá trình cắt giảm, tư vấn và khuyến nghị Chính phủ, các bộ ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh từ những năm 2000 đến nay. Những hoạt động này liên tục chứ không phải chỉ một vài năm.

-Ông có thể cho biết, tại sao Chính phủ đã rất nỗ lực, VCCI cũng nỗ lực nhưng giấy phép con vẫn "hành" doanh nghiệp?

+ Tình trạng này không thể giải quyết ngày một ngày hai. Với quy trình xây dựng văn bản pháp luật và kiểm soát việc xây dựng văn bản pháp luật như hiện nay tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp tục.

Theo tôi, gốc rễ ở đây vẫn là văn hóa quản lý, vẫn là quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Môt khi chất lượng văn bản tốt hơn thì khó khăn trong cấp phép sẽ giảm đi.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu tiếp xúc giữa cơ quan cấp phép và doanh nghiệp cũng là giải pháp quan trọng.

Ở Singapore có những cổng thông tin mà tất cả các thủ tục hành chính được niêm yết trên đó. Và tất nhiên doanh nghiệp không phải đi xin phép cục A này, cục B kia mà chỉ tương tác trên mạng. Tôi cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ làm cho mọi thủ tục hành chính trở nên công khai, minh bạch.

Tôi cho rằng, phải làm thế nào để quá trình ban hành văn bản pháp luật được tách bạch với cơ quan cấp phép và cơ quan soạn thảo. Hiện nay, một số cơ quan đang cấp phép nhưng lại đồng thời giữ vai trò chủ trì soạn thảo nên cách này cách khác họ vẫn cài cắm vào.

Ngoài ra, cần phải minh định rõ thế nào là điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn quy định kinh doanh. Theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp thì chỉ những ngành nghề ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng hay những vấn đề lớn thì mới được đặt ra điều kiện kinh doanh. Quốc hội giao cho Chính phủ đưa ra Nghị định về tiêu chuẩn kiểm soát điều kiện kinh doanh nhưng đến nay chưa được ban hành. Làm sao để các bộ ngành khi đặt ra điều kiện kinh doanh phải soi chiếu về nhiều góc độ và về lợi ích của quốc gia có ảnh hưởng không? Như vậy mới đáp ứng được. Hiện nay bộ ngành trình lên một quy trình mà sự giám sát, phản biện rất lỏng lẻo nên mới xảy ra tình trạng "đẻ" thêm điều kiện kinh doanh.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, trong quy trình văn bản pháp luật phải có sự tham vấn của doanh nghiệp, người dân. Phải thảo luận công khai chứ hiện nay vẫn ban hành theo quy trình tắt, "né" việc lấy ý kiến. Chính vì vậy, những gì không công khai minh bạch thì sẽ rất dễ "cài cắm" và để lại hậu quả.

Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu quy trình, thủ tục cấp phép được niêm yết trên internet để người dân, doanh nghiệp ai cũng nắm được thì sẽ giảm thiểu sự khó khăn.

-Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Bài: Hà Giang

Ảnh: Minh Khánh