• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Vàng tặc” xẻ thịt núi rừng "Phủ Quỳ"

Thời sự 16/10/2010 11:29

(Toquoc)- Hàng chục km sông, suối qua khu vực ở huyện Quỳ Châu đang bị băm nát, hầm hố nham nhở.

(Toquoc)- Hàng chục km sông, suối qua khu vực các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm… huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đang bị băm nát, hầm hố nham nhở. Cây cối đổ ngổn ngang. Nước sông đỏ quạch... Đây chính là "lãnh địa" của những người khai thác vàng trái phép.

Từ đầu năm 2010 đến nay, tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép lại diễn ra ồ ạt tại các huyện miền Tây Nghệ An. Trong đó, thời gian gần đây tình trạng này lại rộ lên dọc các sông suối của nhiều xã thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An). “Vàng tặc” đang đưa hàng chục máy ủi, tàu cuốc, máy nổ vào hoạt động cả ngày lẫn đêm, gây náo loạn vùng sơn cước vốn bình yên thủa nào.

Mỗi khúc sông, suối bị đào bới thường với tên tuổi của nhiều “đầu nậu” khét tiếng như: Long “đen”, Ngọc “nam”, Hà Thọ… Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Bản Lìm, thuộc xã Châu Phong có dòng Nậm Lìm đang “được” một “nậu” tên Ngọc khai thác từ mấy tháng nay ngay dưới chân cầu đi vào trung tâm của bản. Tại bản Lầu, cũng thuộc xã Châu Phong là địa bàn hoạt động của “Đại ca” Hà Thọ…

"Vàng tặc" đào bới nham nhở

Khe Cọ và Nậm Canh là khu vực mà “vàng tặc” hoạt động mạnh nhất. Khi chúng tôi tiếp cận khu vực này cũng là lúc mới có đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đến làm việc nên các “nậu” đã tậu tán hết các phương tiện khai thác. Tuy nhiên, tại hiện trường vẫn còn có một máy xúc, một máy đông phong và một giàn chớp bằng sắt mà các “vàng tặc” chưa kịp tẩu tán. Tại khu vực này có chỗ bị đào bới nát bươm tới cả mấy hécta, còn dọc hai bên bờ sông cũng nham nhở những bãi “chiến trường” do “vàng tặc” để lại. Những nơi tàu cuốc đi qua đều để lại phía sau những đống đất đá như những đập chắn nước khổng lồ.

Chị Vi Thị Gang, trú tại Bản Lìm, xã Châu Phong, ngao ngán cho biết: “Mấy năm trước, làng tui sống nhờ vào dòng sông ni. Cá, tôm nhiều lắm, không phải lo cái ăn vì nhờ vào sông vào suối cho tôm cá. Còn giờ ni, cả làng tui không có cả nước uống. Sông suối thì chẳng ai dám xuống bởi nước bị ô nhiễm nặng do hoá chất, cá tôm cũng chẳng còn…”.

Hiện tượng khai thác vàng trái phép không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy của dòng sông, suối, gây sạt lở ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân mà nguy hiểm hơn là việc sử dụng máy móc trong khai thác đã thải một lượng không nhỏ dầu mỡ ra sông, suối. Đặc biệt là việc sử dụng thuỷ ngân để “cô” vàng rồi đổ trực tiếp ra môi trường gây nguy hiểm đến sức khoẻ cũng như tính mạng của người dân đang sinh sống bám theo các sông suối..

Ngồi trên xe máy với chiếc can đựng nước to tướng, anh Lương Văn Thanh, trú tại bản Lìm bức xúc: “Bản chúng tôi có gần trăm hộ dân, từ bao đời nay chỉ sử dụng nước suối. Tuy nhiên, do khai thác vàng mà mấy tháng nay có ai dám động đến nước suối mô, tắm rửa còn không dám nói chi đến đưa về uống…tui đang phải đi xuống bản dưới xin nước đây”.

“Căn cứ” của “vàng tặc” trên sông

Theo ông Lang Văn Chiến, chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu thì hiện nay trên toàn địa bàn huyện chỉ có một doanh nghiệp duy nhất được tỉnh cấp phép khai thác vàng là Công ty TNHH Lạng Sơn. Tuy nhiên, hiện nay quy mô khai thác đã giảm, chỉ còn lại bốn máy khai thác nhỏ giọt trên dòng sông Hiếu. Tuy nhiên, thời gian gần đây có tới hàng chục điểm khai thác không được cấp phép khác nằm rải rác khắp nơi, nhất là các xã vùng sâu.

Dọc theo con đường nối giữa hai xã Châu Phong và Châu Hoàn, nhiều khu vực đã được các "nậu"  đem máy móc vào lắp đặt và ngày đêm khai thác ầm ầm cả núi rừng. Được biết, hầu hết "phu" đào vàng ở đây đều là người dân địa phương.

Anh Lý Văn Cà, "phu" đào vàng người địa phương cho biết: Hầu hết anh em địa  phương vào đây là để đào vàng thuê cho các "nậu" từ Bắc vào hoặc người dưới xuôi lên. Để lấy được vàng, các "phu" phải đào bới cùng máy xúc hoặc nếu gặp đá to thì cho nổ mìn, sau đó mới dùng hệ thống máy móc khai thác vàng. Tiền công được trả theo ngày công, dao động từ 100 – 150 nghìn đồng tuỳ ngày “hên, xui”.

Giáp với Châu Phong và Châu Hoàn là địa phận xã Diên Lãm, nơi nạn khai thác vàng trái phép cũng diễn ra không kém phần náo nhiệt. Tại xã này đếm sơ sơ cũng phải có 4 – 5 địa điểm mà các “nậu” đã “quy hoạch” và đang khai thác dần, nhất là tại khu vực bản Cướm.

Trước tình trạng trên, mãi đến ngày 21/5/2010, UBND huyện Quỳ Châu mới ra quyết định số 70/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để truy quét, đẩy đuổi các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện, do bà Lang Thị Hồng, phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn.

Ngày 31/5/2010, đoàn đã kiểm tra tại hai xã Châu Phong và Diên Lãm. Tuy nhiên, tại xã Diên Lãm đoàn đã không phát hiện bất cứ một “nậu” khai thác vàng nào. Còn tại xã Châu Phong đoàn đã tiến hành lập biên bản xử phạt 12 triệu đồng đối với ông Nguyễn Như Long vì không có bất cứ một giấy tờ nào liên quan đến công tác thăm dò khoáng sản nhưng đã tiến hành khai thác từ nhiều tháng nay. Đồng thời tiến hành đình chỉ tất cả các mỏ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hồng - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Sau khi kiểm tra tại xã Châu Phong chúng tôi phát hiện có ba địa điểm khai thác là bản Lìm, bản Lầu và khu vực Khe Cọ - Nậm Canh, đoàn đã lập biên bản đình chỉ và tháo dỡ lán trại, hiện nay không còn khai thác nữa…”.

Cơ quan chức năng nhận định là như vậy, tuy nhiên, trên thực tế lại khác. Khi lực lượng chức năng rút về thì máy móc, hoạt động của “vàng tặc” lại được bố trí đâu vào đấy. Núi rừng “Phủ Quỳ” vẫn đang “rên rỉ” cầu cứu vì bị vàng tặc “xẻ thịt”./.

Bài và ảnh: Vi Lang

NỔI BẬT TRANG CHỦ