Vay bố mẹ vợ 5 triệu mà chồng định "ém" luôn, được nhắc thì ném cục tiền đầy khinh bỉ, tôi nói 1 câu khiến anh phải sượng mặt

(Tổ Quốc) - Chứng kiến hành động thô lỗ và thiếu tôn trọng của chồng, tôi lạnh lùng nói một câu khiến anh phải cúi đầu nhận lỗi.

Trọng là con cả trong gia đình có 3 người con. Bố mẹ đều có tuổi, chỉ trông vào mấy sào ruộng để nuôi 2 em đang học đại học nên rất khó khăn. Tôi hiểu anh nặng gánh, chính vì thế mỗi tháng đồng ý gửi thêm cho bố mẹ chồng 2-3 triệu để đỡ đần.

Tuy nhiên, Trọng lại chỉ nghĩ tới gia đình mình mà không hề quan tâm nhà vợ. Bố mẹ tôi cũng chẳng giàu có gì nhưng anh lại mặc định là không cần hỗ trợ. Cả năm chắc anh chỉ biếu tiền vào dịp Tết âm là hết.

Mỗi lần mẹ tôi phải vào viện, tôi bàn với Trọng biếu ông bà 1 vài triệu thì anh gạt đi: "Mẹ em 1 năm vào viện mấy lần, nào cũng cho thì tiền đâu. Em nhìn lại tổng thu nhập của 2 vợ chồng đi. Mà bố mẹ cũng có lương, có bảo hiểm, lo gì".

Tôi chạnh lòng và thương bố mẹ chứ. Mặc dù bố mẹ tôi đều làm công chức, nghỉ hưu thì có lương nhưng sức khỏe của họ lại yếu. Có tiền sử bệnh tim mạch nên mẹ tôi rất hay phải nằm viện, mỗi lần thế tốn kém không ít. Trọng không chịu hiểu điều đó, lúc nào cũng mặc nhiên là bên ngoại dư dả hơn và không cần biếu xén gì.

Đợt vừa rồi, em chồng ra trường nên mua xe máy, vợ chồng tôi cho vay 15 triệu tới khi nào em có thì mới trả. Thế nhưng, ít ngày sau thì con gái lại bị ốm, tôi không còn khoản nào dự phòng nên phải vay mẹ đẻ 5 triệu.

Tháng sau, khi Trọng vừa lấy lương, anh cũng không hề có ý định trả nợ. Phải cả tuần sau, tôi nhắc bỏ ra 1 khoản trả ông bà ngoại thì anh gắt gỏng: 

- Có mấy đồng bạc mà em cứ nhặng xị lên. Tháng này có khoản chi hết rồi, tháng sau thì trả.

Vay bố mẹ vợ 5 triệu mà chồng định

(Ảnh minh họa)

Nhưng tháng sau, tôi nhắc thì Trọng lại tiếp tục bài ca ấy. Anh nói phải gửi bố mẹ ở quê vì năm nay mưa gió, rau cỏ mất mùa, không có đồng nào để tiêu. Tôi cũng thương chồng nặng gánh nhưng cách anh hành xử khiến tôi rất khó chịu. Vậy nên tôi quyết định không nhường nhịn lần này nữa, thẳng thắn bảo:

- Ông bà ngoại cũng có tiền đâu. Anh liệu mà gửi lại sớm cho bà mua thuốc chứ.

- Ông bà có lương cơ mà. 

- Nhưng mẹ em bệnh, tháng nào cũng tốn kha khá tiền mua thuốc. Sức khỏe thì yếu không làm được gì thêm. Tháng này anh xem có khoản gì cắt được thì cắt, gửi bố mẹ trước đi.

Thấy tôi kiên quyết như thế, Trọng tỏ ra tức giận. Anh lấy ví, rút ra 5 triệu rồi ném thẳng xuống đất, quát lên với tôi:

- Cô chỉ sợ bố mẹ mình chịu thiệt thôi. Có vài đồng bạc mà nào cũng đòi. Cháu ngoại ốm không cho được vài triệu à?

Tới nước này, tôi cũng lạnh lùng đáp:

- Thế 3 năm qua bố mẹ chồng cho cháu được đồng nào chưa? Tháng nào 2 vợ chồng cũng gửi tiền chu cấp cho ông bà nội, còn ông bà ngoại được cái gì? Em nghĩ vợ đồng ý với điều đó anh phải tỏ ra biết ơn, nhưng anh lại hành xử như thế thì em không còn gì để nói. Tốt nhất từ giờ cho nội bao nhiêu thì cho ngoại bấy nhiêu, còn không thì cắt hết.

Nghe tôi nói, Trọng hơi ngẩn người 1 chút. Tôi bế con vào nhà, mặc những đồng tiền rơi rớt ở dưới sàn. Tối đó, Trọng xếp gọn tiền đưa cho tôi, nói gửi trả ông bà ngoại và còn cúi đầu nhận lỗi.

M52

Tin mới