VDSC: Áp lực bán ròng của khối ngoại trong tháng 4 có thể "hạ nhiệt"

(Tổ Quốc) - Tâm lý nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng từ biến động của các thị trường lớn, trong khi sự lây lan của dịch bệnh vẫn còn là ẩn số. Do đó, VDSC dự báo vùng điểm dao động của VN-Index trong tháng 4 được kỳ vọng ở mức 630-750 điểm.

Theo báo cáo triển vọng TTCK tháng 4 mới được công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng rủi ro của thị trường phần nào đã giảm bớt khi mà các chỉ số VIX và chỉ số 5 năm CDS của Việt Nam đã lao dốc 38% và 12% so với mức đỉnh trong tháng Ba.

Cùng thời điểm đó, mức độ bán ròng của khối ngoại cũng đang có xu hướng chậm lại, thậm chí có phiên chuyển sang trạng thái mua ròng trên sàn HOSE. VDSC không kỳ vọng khối ngoại có thể chuyển sang mua ròng ngay trong tháng 4 khi mà các chỉ số rủi ro còn đang ở mức cao, tuy nhiên mức độ bán ròng tháng 4 có thể bớt rát hơn so với tháng 3.

Ở khía cạnh cơ bản, theo thống kê của Bloomberg, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) vẫn tăng trưởng 5% trong năm 2020. Mặc dù vậy P/E dự phóng của 2020 hiện nay đã giảm hơn 25% so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán. Nguyên nhân có thể từ việc thị trường đang cho rằng tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài trong khi đa phần các công ty chứng khoán cho rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý II. Với kịch bản cơ sở hiện nay của VDSC rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý II, dự phóng LNST 2020 cho danh mục 57 cổ phiếu mà Rồng Việt theo dõi sẽ tăng trưởng 11%, so với mức 22% trong lần cập nhật đầu năm.

VDSC: Áp lực bán ròng của khối ngoại trong tháng 4 có thể hạ nhiệt - Ảnh 1.

Mặc dù rủi ro thị trường đã phần nào giảm xuống và thị trường đã phản ánh một trường hợp tiêu cực, VDSC cho rằng rủi ro giảm điểm vẫn còn cao.

Thứ nhất, VDSC cho rằng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đồng điệu với thị trường thế giới khi mà khối ngoại đang chiếm hơn 20% giá trị vố hóa sàn HOSE và giao dịch của khối ngoại luôn có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý NĐT trong nước. Trong bối cảnh đó, thị trường Mỹ có xác suất cao sẽ giảm trở lại mặc dù đã hồi phục mạnh trong thời gian qua. Theo thống kê từ Bloomberg và Barclays Research, thị trường Mỹ thường xuyên hồi phục trước khi chạm đáy trong thị trường gấu.

VDSC: Áp lực bán ròng của khối ngoại trong tháng 4 có thể hạ nhiệt - Ảnh 2.

Thứ hai, mặc dù cho rằng dịch bệnh sẽ được khống chế trong quý II, tuy nhiên mức độ lây lan và khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam và thế giới là một ẩn số khó lường. Việt Nam và một số nước đã ban hành lệnh giãn cách xã hội hay phong tỏa toàn quốc đến giữa và cuối tháng 4 để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Trong trường hợp Việt Nam và các nước lớn như Mỹ và các nước châu Âu kéo dài thời hạn, "cú shock cầu" có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn dự báo. Rủi ro thị trường tiếp tục biến động mạnh ở vùng điểm thấp vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ.

Tựu chung, VDSC cho rằng rủi ro thị trường đã phần nào giảm xuống so với tháng 3 khi mà các chỉ số rủi ro đã lao dốc từ đỉnh trước đó và khối ngoại bán ròng chậm lại. Ngoài ra, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý II số liệu dự báo trên 57 doanh nghiệp mà Rồng Việt theo dõi cho thấy lợi nhuận 2020 vẫn sẽ tăng trưởng.

Tuy nhiên, hiện nay tâm lý thị trường đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến động của các thị trường lớn, nhất là trong bối cảnh sự hồi phục của TTCK Mỹ là chưa bền vững. Hơn hết, sự lây lan của dịch bệnh vẫn còn là một ẩn số, do đó, kịch bản thị trường dao động mạnh ở vùng điểm thấp vẫn được bảo lưu. VDSC dự báo vùng điểm dao động của VN-Index trong tháng 4 được kỳ vọng ở mức 630-750 điểm.

Long Nhật

Tin mới