• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Vén màn" lý do Trung Quốc bất ngờ "đảo ngoặt" thái độ trước hợp đồng của TikTok

Thế giới 24/09/2020 15:15

(Tổ Quốc) - Bloomberg đăng tải, chỉ vài ngày trước, thỏa thuận TikTok còn được xem là một thắng lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện truyền thông chính thống nước này lại đang chỉ trích đó là "một cái bẫy của Mỹ".

Việc Trung Quốc "đảo ngoặt" thái độ cho thấy tính phức tạp trong việc đạt được sự thống nhất giữa các bên liên quan đến ứng dụng video đang "làm mưa làm gió" trên toàn cầu. Nó cũng hé lộ cách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xử lý các nguy cơ an ninh liên quan tới vấn đề công nghệ mới.

Đối với Trung Quốc, yếu tố chính trị trong vụ việc trên tương tự như cuộc đàm phán thương mại kéo dài Trung-Mỹ và tạm kết thúc bằng một thỏa thuận giai đoạn 1 hồi tháng Một. Bất kỳ hiệp định nào mà lợi thế nghiêng về chính quyền Tổng thống Donald Trump đều sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình.

"Bắc Kinh về cơ bản không muốn đặt ra một tiền lệ khi Mỹ được phép tỏ ra linh hoạt một cách đơn phương như vậy", bà Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu số tại công ty tư vấn Trivium, Bắc Kinh nhận định. "Có được vai trò nào đó trong việc đưa ra quyết định sẽ khiến mọi thứ cân bằng hơn một chút", bà nói thêm. 

Cuối tuần qua, Oracle Corp. và Walmart Inc. đã đồng ý nhận 20% cổ phần của TikTok toàn cầu, thỏa thuận được cho là có giá trị lên tới 60 tỷ USD. Công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc là ByteDance Ltd. dường như đã đạt được phần lớn những gì họ mong muốn, bao gồm cả giữ lại các thuật toán thông minh nhân tạo đáng giá cho ứng dụng của mình.

Tình hình trên có vẻ đã làm hài lòng Tổng thống Trump và truyền thông Trung Quốc. Người đứng đầu nước Mỹ gọi đó là một chiến thắng và tạm dừng lệnh cấm đối với TikTok. Còn Tổng biên tập tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến miêu tả, thỏa thuận "vẫn không công bằng nhưng đã tránh được kết quả tồi tệ nhất".

"Vén màn" lý do Trung Quốc bất ngờ đảo ngoặt thái độ, trước hợp đồng của TikTok - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: Bloomberg)

Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu xuất hiện từ hôm thứ Hai (21/9). ByteDance cho biết, họ sẽ duy trì kiểm soát với TikTok Global. Tuyên bố này đi ngược lại những phát biểu trước đó của Tổng thống Trump về việc người Mỹ sẽ lãnh đạo công ty mới. Oracle cũng đưa ra một thông cáo củng cố lập trường của ông Trump trong khi nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo, ông vẫn có thể phá bỏ hợp đồng nếu các bên của Mỹ không nắm quyền đa số.

"Họ không có liên quan gì [TikTok Global] và nếu có thì chúng ta sẽ không thực hiện hợp đồng. [TikTok Global] sẽ được kiểm soát hoàn toàn bởi Oracle và tôi đoán, họ sẽ công khai mua phần còn lại … Trường hợp chúng tôi nhận thấy họ không nắm quyền kiểm soát hoàn toàn, chúng tôi sẽ không thông qua thỏa thuận", ông Trump đề cập tới ByteDance.

Hôm thứ Tư (23/9), hai tờ báo hàng đầu của Trung Quốc đã lên tiếng công kích thỏa thuận.

"Những gì nước Mỹ làm với TikTok gần giống như một tay găng-tơ đang ép một công ty hợp pháp phải thực hiện một hợp đồng phi lý và không công bằng", tờ China-Daily viết. Trong khi đó, ông Hồ Tích Tiến viết trên Twitter, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ không chấp nhận thỏa thuận hiện tại bởi vì nó gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.

Theo nhà ngoại giao từng làm phiên dịch cho cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là Gao Zhikai, vụ việc đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc "hoàn toàn không tin nổi". "Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng, các quyền hợp pháp của những công ty Trung Quốc không thể bị vi phạm mà không gây ra hậu quả gì", giáo sư tại Đại học Soocho nói.

Cũng trong ngày 23/9, ByteDance đã đề nghị một thẩm phán liên bang tại Mỹ ngăn cản chính quyền Trump thực thi lệnh cấm TikTok dự kiến có hiệu lực vào cuối tuần này.

Trước đó, ngày 22/9, trong một lưu ý gửi tới khách hàng, công ty Trivium đánh giá, mặc dù ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và thỏa thuận vẫn còn tồn tại, nhưng Bắc Kinh sẽ can thiệp nếu cảm thấy ByteDance có nguy cơ phải từ bỏ quá nhiều.

Chính xác việc đó sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn là một câu hỏi. Bộ Thương mại hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc sẽ "ra mặt" nếu xuất hiện các quan ngại về chuyển giao công nghệ. Các cơ quan khác cũng có thể tham gia trong các vấn đề còn chưa rõ ràng.

"Quyết định có thể sẽ vuột ra ngoài tầm xử lý của Bộ Thương mại Trung Quốc và được đưa ra bởi giới lãnh đạo của cả hai phía", giáo sư luật Xu Ke tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế nói. "Trường hợp TikTok cần phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn của cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ".

Bloomberg cho hay, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchi tin tưởng ông Trump sẽ thông qua thỏa thuận, nhiều quan chức an ninh quốc gia nước này lại tỏ ra lo ngại về khả năng dữ liệu của công dân Mỹ sử dụng TikTok sẽ vẫn bị một công ty Trung Quốc giữ lại. Ngoài ra, các thuật toán của TikTok cũng có thể bị sử dụng để gây ảnh hưởng tới ý kiến công chúng – đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 sắp tới.

Bắc Kinh đã sẵn sàng để "phản đòn". Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố, họ có thể hạn chế thương mại, đầu tư và visa cho các công ty nằm trong "một danh sách các thực thể không đáng tin cậy".

Tuy nhiên, khả năng hoàn tất hợp đồng không phải đã hoàn toàn chấm dứt. ByteDance từng nêu rõ, phía Trung Quốc sẽ vẫn sở hữu công nghệ AI trong khi dữ liệu của hơn 100 người dùng Mỹ sẽ được lưu giữ tại các server của Oracle tại Mỹ. Giờ đây, vấn đề dường như nằm trong mối quan hệ chính trị giữa ông Trump và ông Tập.

Theo doanh nhân Ding Chenling, các nhà lãnh đạo Trung Quốc "không muốn làm việc có lợi cho ông Trump mà không nhận được gì". "Điều đó cũng sẽ khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc tức giận", ông Ding nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ