• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vén màn "tình huynh đệ" TT Trump- TT Erdogan: Đủ để níu kéo quan hệ bên bờ vực đổ vỡ Mỹ, Thổ?

Thế giới 12/11/2019 15:49

(Tổ Quốc) - Mối quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nhiều sóng gió vì một loạt các bất đồng trong nhiều vấn đề quan trọng.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần công khai khen ngợi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Không chỉ gọi ông Erdogan là "một người bạn", ông Trump còn tỏ ý tán thưởng phong cách lãnh đạo quốc gia của Tổng thống Thổ.

Theo Reuters, trước thềm chuyến công du tới Washington của ông Erdogan, nhiều chuyên gia đánh giá, chính thái độ tích cực của Tổng thống Trump đối với nhà lãnh đạo Thổ là lý do duy nhất khiến mối quan hệ giữa Washington và Ankara chưa sụp đổ hoàn toàn bất chấp những bất đồng trên một loạt các vấn đề lớn.

Vén màn "tình huynh đệ" Trump-Erdogan: đủ để níu kéo quan hệ bên bờ vực đổ vỡ Mỹ, Thổ? - Ảnh 1.

Tổng thống Erdogan và Trump (phải) gặp gỡ bên lề thượng đỉnh G20 Osaka tháng 6/2019 (ảnh: Reuters)

"Là hai Tổng thống mạnh bạo, hai nhà lãnh đạo có cảm tình với nhau", ông Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách cận đông Washington, cho hay. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về tình trạng xung đột sâu sắc giữa hai đồng minh NATO. "Yếu tố Erdogan-Trump thực sự là thứ duy nhất trong quan hệ Mỹ-Thổ hiện còn đang tồn tại".

Theo ông Cagaptay, "niềm tin giữa chính phủ hai nước đã bị xói mòn; tại Thổ đang tồn tại thái độ không hài lòng đáng kể đối với Mỹ và ngược lại".

Tháng trước, quan hệ Washington và Ankara rơi vào một cuộc khủng hoảng mới liên quan tới Syria, sau khi chính quyền Erdogan phát động chiến dịch tấn công nhằm vào đồng minh người Kurds của mình tại miền bắc Syria. Nhiều tháng trước đó, Mỹ từng cực lực phản đối quyết định của Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.

Hồi tháng 7, Thổ làm ngơ các đe dọa trừng phạt của Mỹ và bắt đầu tiếp nhận chuyến giao hàng S-400 đầu tiên. Đáp trả, Washington loại bỏ Thổ khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 – dự án mà Ankara từng đóng vai trò cả bên mua và bên sản xuất. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa áp đặt bất kỳ trừng phạt nào lên Thổ. Điều này khiến Quốc hội Mỹ không hài lòng. Bất mãn với Thổ ngày càng gia tăng sau chiến dịch tấn công vào người Kurds – đối tác chủ chốt của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố IS nhưng lại bị Ankara coi là khủng bố. Trong tháng 10, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói trừng phạt Thổ vì chiến dịch tại Syria, trong khi các thành viên quan trọng tại Thượng viện – bao gồm cả đồng minh Lindsey Graham của Tổng thống Trump, đã thề sẽ có biện pháp mạnh nếu Ankara gây tổn hại tới người Kurds.

Việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết công nhận sự kiện 1,5 triệu người Armenia bị thiệt mạng 100 năm trước là một tội ác diệt chủng, cũng khiến Ankara tức giận. Hôm thứ hai (11/11), một số nhà lập pháp thậm chí còn viết thư yêu cầu Tổng thống Trump rút lại lời mời đối với ông Erdogan.

Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn hôm chủ nhật (10/10) rằng, đe dọa trừng phạt là có thực. "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ S-400, gần như chắc chắn sẽ có trừng phạt… Thổ sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của những lệnh trừng phạt này", ông O'Brien tuyên bố.

Các bất đồng giữa Mỹ và Thổ không chỉ dừng lại ở Syria và Nga. Một mặt Mỹ hầu như giữ im lặng trước các chính sách ngày càng thắt chặt của chính quyền Erdogan, mặt khác, Washington muốn Ankara bỏ qua các cáo buộc dành cho các nhân viên Mỹ bị kết án tại Thổ.

Về phần Ankara, yêu cầu dẫn độ vẫn chưa được Mỹ thực hiện đối với ông Fethullah Gulen – người bị cho là đứng sau cuộc đảo chính thất bại năm 2016; và những buộc tội của Mỹ dành cho ngân hàng nhà nước Thổ Halkbank liên quan tới Iran, cũng là hai vấn đề nóng khiến Thổ "không vui".

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, trong cuộc gặp gỡ hôm thứ tư, mục tiêu chính của Tổng thống Trump là ép Thổ từ bỏ kế hoạch sử dụng tên lửa S-400 và đồng ý với một lệnh ngừng bắn tại Syria. "Chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn", người này nói với Reuters.

Hai quan chức khác tiết lộ, nếu Thổ bằng lòng, Washington thậm chí có thể để Ankara quay trở lại chương trình F-35 và đề nghị ký kết một hiệp định thương mại trị giá 100 tỷ USD. Tuy nhiên, cho tới nay Ankara vẫn chưa hề có bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng đổi ý.

"Những thứ như Thổ Nhĩ Kỳ đảo ngược lại việc mua S-400 không có trong chương trình nghị sự", một quan chức cấp cao của Thổ khẳng định.

Sau khi công bố quyết định rút toàn bộ quân đội khỏi Syria vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Trump đã thay đổi một phần kế hoạch và giữ lại một lực lượng nhỏ ở đông bắc Syria. Washington cũng tỏ ý tiếp tục hợp tác với các tay súng người Kurds trong khu vực nhằm gây sức ép lên IS. Động thái này tất nhiên khiến Ankara không hài lòng.

"Việc binh lính Mỹ ở lại các mỏ dầu tại Syria chống lại tinh thần của những gì đang được làm tại Syria", một quan chức Thổ nói. "Sự ủng hộ mà Mỹ giành cho YPG là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho mối quan hệ giữa hai nước [Mỹ và Thổ] trong thời gian tới. Điều này sẽ được nhấn mạnh trong chuyến thăm". YPG là tên viết tắt của lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân, chủ yếu bao gồm các tay súng người Kurds tại Syria.

Bất chấp những khác biệt, Ankara vẫn duy trì hy vọng, đặc biệt sau cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống Trump và Erdogan hồi tuần trước. "Với sự ủng hộ cá nhân của ông Trump, tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần giải quyết các vấn đề sắp tới. Cuộc điện đàm đưa ra những tín hiệu nghiêm túc về điều đó", quan chức Thổ cho hay.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ