• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

VFS: Nếu không cổ phần hóa sẽ phá sản

Giải trí 05/05/2016 19:15

(Tổ Quốc)- Chỉ có con đường cổ phần hóa mới cứu được thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam và người lao động.

(Tổ Quốc)- Chỉ có con đường cổ phần hóa mới cứu được thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam và người lao động.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái trong buổi gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chiều 5/5.

Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, trong thời gian qua, báo chí có nhiều thông tin về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTTDL rất hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều báo đưa tin chưa chính xác, đặt vấn đề thế này, thế kia. Vì vậy, Bộ VHTTDL có buổi gặp báo chí để cũng cấp chuẩn xác thông tin về việc này.



Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tại buổi gặp mặt báo chí chiều nay (ảnh Dạ Minh)

Cổ phần VFS đúng quy định của pháp luật

Khẳng định, cổ phần hóa là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước để huy động nguồn lực lớn, làm sao phát triển được doanh nghiệp với phương thức huy động vốn, phương thức tiếp cận thị trường… Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ có 5 doanh nghiệp điện ảnh: Hãng phim khoa học tài liệu trung ương được Chính phủ đồng ý không cổ phần hóa vì đặc thù, chuyển thành công ty. Ngoài ra, là quá trình cổ phần hóa lần lượt các đơn vị: Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim hoạt hình và Hãng phim truyện Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, quá trình cổ phần hóa các đơn vị này rất khó khăn, khó bán cổ phần. Trong khi đó, theo Quy định 37 của Thủ tướng Chính phủ, Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước thì loại hình Điện ảnh là nhà nước không nắm cổ phần. Với Hãng phim truyện Việt Nam, có lịch sử 56 năm, là “cây đại thụ” của điện ảnh Việt Nam nên Bộ VHTTDL đã đắn đo và quyết định giữ 20% cổ phần, trong khi đáng ra không giữ. Thứ trưởng khẳng định: “Bộ VHTTDL rất thận trọng trong quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Từ lâu đã kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào đây, thậm chí kêu gọi các nhân viên, cán bộ của hãng ai tìm được nhà đầu tư chiến lược thì kêu gọi”.



Hãng phim truyện Việt Nam (ảnh Đăng Huy)

Thứ trưởng cũng chia sẻ: Phương án cổ phần hóa VFS được thực hiện thận trọng, chi tiết, nhà đầu tư chiến phải cam kết 10 điểm với Bộ VHTTDL:

1.             Không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.

2.             Cam kết với đơn vị bằng văn bản trong việc hỗ trợ, thực hiện làm phim.

3.             Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động.

4.             Cam kết 90% doanh thu của đơn vị phải từ hoạt động điện ảnh.

5.             Trả các khoản nợ tiền thuê đất mà VFS đang nợ

6.             Đầu tư cơ sở vật chất để làm phim.

7.             Tuân thủ phương án sử dụng đất để phục vụ sản xuất, phát triển điện ảnh.

8.             Sử dụng toàn bộ nhân viên của Hãng.

9.             Sử dụng toàn bộ tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư sản xuất phim.

10.          Cử 3 người của nhà nước tham gia vào Hội đồng quản trị- Ban tổng giám đốc- Ban kiểm soát.

Đặc biệt, Công ty vận tải thủy- nhà đầu tư chiến lược đã chấp thuận tất cả các tiêu chí gắt gao trên.

“Mục tiêu của cổ phần hóa là làm sao để vực dậy được hãng phim. Trong cam kết này nếu Công ty Vận tải thủy không thực hiện phải bồi thường thiệt hại; nếu sử dụng đất không đúng mục đích sẽ đề nghị Hà Nội thu hồi”- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.

Đặc biệt, không để mất thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Tên mới của VFS sau khi cổ phần sẽ là “Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam”. Tuy nhiên, thương hiệu này không tính được bằng tiền trong cổ phần hóa vì theo quy định, nếu tính thương hiệu phải tính từ quảng cáo và lãi. Hiện, ngoài 20% cổ phiếu của nhà nước giữ thì người lao động trong VFS cũng kiểm soát 5% cổ phiếu, ngoài ra, 10.5% cổ phiếu sẽ được bán ra ngoài thị trường.



Những cánh cửa đóng im lìm (ảnh Đăng Huy)

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định: Con số nợ của VFS hiện là hơn 90 tỉ, vốn thực xác định còn 19.7 tỉ. Khi cổ phần hóa không tính giá trị đất, vì theo luật đây là đất thuê của nhà nước nên khi chuyển cổ phần không được tính giá trị đất. Điều này cũng được áp dụng với tất cả các mảnh đất hiện VFS quản lý.

Các tài sản khác vẫn thuộc nhà nước

Với 325 phim của Hãng trong lịch sử 56 năm đều là những tài sản quý của nhà nước. Nhiều lo ngại khi cổ phần hóa sẽ thuộc về đơn vị mới. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, những phim này, bản gốc đều đang được lưu giữ ở Viện phim Việt Nam và thuộc bản quyền của nhà nước, vì kinh phí đều do nhà nước đầu tư, đặt hàng. Nếu đơn vị mới, đang giữ bản sao các bộ phim, có nhu cầu khai thác đều phải xin phép Bộ VHTTDL.

Với câu hỏi: Kho đạo cụ được đánh giá rất có giá trị gồm súng từ thời giải phóng Điện Biên, giải phóng Sài Gòn được tính ra sao? Ông Trần Hoàng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Uỷ viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã liệt kê, kho đạo cụ có súng từ thời tiếp quản Thủ đô… rất có giá trị về tinh thần và vật chất nhưng không xác định được giá trị do không có đơn giá. Chúng tôi sẽ xin ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng… để xác định giá trị cũng như xác định đơn vị sử dụng. Sau khi xác định giá trị lần 2, tài sản đó sẽ được tính vào vốn của nhà nước”.



Một góc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (ảnh Đăng Huy)

Ông Vương Đức- Giám đốc VFS khi chưa cổ phần hóa chia sẻ: “Kho súng này với chúng tôi rất có giá trị lịch sử. Khi cổ phần hóa VFS, tôi với tư cách là giám đốc hết sức chua xót và tủi thân. Là đơn vị được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, là cái nôi của Điện ảnh cả nước, thành tựu nhiều….Tuy nhiên, cổ phần vẫn hơn là chết. Ước mơ, khát vọng của người nghệ sĩ vẫn là mong muốn làm phim. Tôi nhất trí 100% với phương án cổ phần mà Bộ đưa ra. Còn chọn công ty Vận tải thủy thì 100% cán bộ nhân viên tại Đại hội cơ quan đã đồng thuận”.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhận định: “Chỉ còn con đường cổ phần hóa mới không mất thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam, nếu không thì Hãng sẽ phá sản”./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ