• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì đâu hoa ngày 30 Tết, kẻ bán người mua muôn nỗi niềm?

Thời sự 04/02/2019 14:29

(Tổ Quốc) - Lâu nay, người trồng hoa, bán hoa được ví như chơi một canh bạc vì ngoài việc phải chống chọi với thời tiết, sâu bệnh, trộm cắp thì còn phụ thuộc vào thị trường, người mua… Có người sau vụ bán hoa Tết được một cái Tết đầy đủ, và ấm no hơn. Ngược lại cũng có những người "trắng tay" hay "méo mặt" vì hoa Tết.

Chơi hoa luôn là một thú chơi tao nhã và ngày càng được nhiều người hưởng ứng. Tùy vào sở thích, điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi người chơi hoa lại có những cách khác nhau. 

Thế nhưng, với ngày Tết Nguyên đán, không chỉ người chơi hoa mới tìm đến hoa, mà dường như mọi nhà dù giàu hay nghèo, có điều kiện hay không thì cũng đều muốn được tô điểm ngôi nhà bằng hương sắc tự nhiên của các loài hoa.

Vì đâu hoa ngày 30 Tết, kẻ bán người mua muôn nỗi niềm? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Bảo Trung

Hoa ngày 30 Tết có lẽ là cụm từ có những hàm ý trái ngược nhau. Hoặc là hoa "cháy hàng", khan hiếm hàng và có giá đắt như trên trời. Ngược lại, nếu ế hàng thì giá hoa sẽ rẻ bèo. Thậm chí có những trường hợp "cho còn không đắt", cộng với tâm lý người bán ngại mang hoa ế về, rồi vội vàng với những công việc cuối cùng của năm cũ để về cho nhà cho kịp năm mới… họ đã vứt hoa lại. Việc vứt hoa lại cũng là cơ hội cho những người nghèo, những người lam lũ vất vả, những người quá bận rộn còn ngược xuôi khi năm mới cận kề lượn lặt mang về đón xuân. Những bông hoa ế cuối chiều 30 Tết vì thế cũng không phải chịu cảnh hẩm hiu ở bãi rác.

Mỗi dịp Tết, thị trường hoa lại sôi động về số lượng và cả chất lượng hơn ngày thường rất nhiều. Hoa cũng có rất nhiều loại, từ giá bình dân vài chục nghìn cho đến hàng tỷ đồng có thể đáp ứng được nhu cầu cũng như túi tiền của mọi người.

Những chậu hoa Tết với hình dáng cầu kỳ, bắt mắt, lạ lẫm có thể lên đến tiền triệu, trăm triệu và cả vài ba tỷ đồng. Không rõ thực hư những chậu "kỳ hoa dị thảo" có thực sự bán được với mức giá hàng tỷ đồng hay không, cũng như chính xác có bao nhiêu người mua những loại cây "bạc tỉ" này, nhưng rõ ràng đó là một sự xa xỉ, cho thấy cuộc sống của con người đã khá hơn rất nhiều. Bởi thế không ít người cho rằng việc đi mua hoa "ngày 30 Tết" có lẽ chỉ dành cho người nghèo hoặc quá bận rộn không có thời gian rảnh rang để đi ngắm và lựa chọn hoa sớm hơn.  

Vì đâu hoa ngày 30 Tết, kẻ bán người mua muôn nỗi niềm? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/ Bảo Trung

Thế nhưng 30 Tết năm 2018, nhiều người phải chứng kiến một clip "không bình thường" khi người bán hoa "ngày 30 Tết" quyết đập bỏ hàng loạt chậu hoa trước khi về nhà ăn Tết. Hình ảnh người bán hoa đập bỏ không thương tiếc những chậu hoa vào chiều 30 Tết khi mà bao ngày trước đã lao tâm khổ tứ chăm sóc, nâng niu để giữ cho hoa tươi nhất, đẹp nhất và cũng gửi gắm biết bao kỳ vọng để đổi lấy một cái Tết đủ đầy hơn khiến nhiều người tự hỏi đằng sau nó là gì?. Phải chăng họ không cần tiền, không cần cứu vớt những đồng vốn theo cách "được đồng nào hay đồng đấy", "bán rẻ còn hơn cho không", hoặc nhất quyết không dành cho người nghèo?.

Lâu nay, người trồng hoa, bán hoa được ví như chơi một canh bạc vì ngoài việc phải chống chọi với thời tiết, sâu bệnh, trộm cắp thì còn phụ thuộc vào thị trường, người mua… Có người sau vụ bán hoa Tết được một cái Tết đầy đủ, và ấm no hơn. Ngược lại cũng có những người "trắng tay" hay "méo mặt" vì hoa Tết.  

Tuy nhiên, việc đối xử "không bình thường" những chậu hoa chiều 30 Tết đặt ra nhiều dấu chấm hỏi cho cả người bán và người mua. Liệu có phải vì người bán hoa đã "thổi giá" quá cao so với bình thường trong những ngày bán đầu tiên. Và với giá cao này, vượt tầm chi trả của người mua, hoặc vượt tầm giá trị của chính sản phẩm. Do đó người mua có tâm lý chờ đợi giá hoa về đúng giá trị thật, thậm chí rẻ hơn.

Còn với người bán, phải chăng vì quyết không bán rẻ, không phá giá như thông thường để người mua ồ ạt kéo nhau đến. Đáng chú ý, tâm lý "dìm hàng", không mua hoa sớm dần dần trở thành thói quen của cả những người không hề nghèo khổ, gây khó khăn cho người bán nói chung. Nhất quyết không mua hoa sớm mà chỉ nhăm nhăm đợi hoa ế, đợi người bán ế hoa chiều 30 mới mua thấy có những ý nghĩ  thật tàn nhẫn của con người với nhau khi cùng phải bươn chải mưu sinh vì miếng cơm manh áo.

Vì đâu hoa ngày 30 Tết, kẻ bán người mua muôn nỗi niềm? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, không phải tự nhiên người mua có tâm lý đó mà xuất phát từ người bán, từ thị trường thiếu ổn định dịp Tết. Giá cả tăng vô tội vạ, bất chấp quy luật cung cầu cũng như giá trị thật của mặt hàng. Trong cái sự tăng giảm khó lường ấy, người bán hay người mua có thể đôi lần được lợi nhưng sự thiếu bền vững sẽ dẫn đến những hậu quả khác mà chính bản thân họ không lường được trước. Nếu người bán và người mua chỉ vì sự ích kỷ của mình, chỉ cốt cho túi tiền của mình bằng mọi giá có lợi nhất thì e rằng những câu chuyện tương tự như đập bỏ hoa còn diễn ra.

Nhiều người mệt mỏi, bơ phờ vì Tết, vì những điều "nhốn nháo" - tăng giá vô tội vạ, hàng thật giả lẫn lộn, buôn gian bán lận... cứ diễn ra dịp Tết. Nếu từng người trong chúng ta không tự thay đổi để tạo thị trường ổn định, thiếu chuyên nghiệp và thừa cảm tính thì sự mệt mỏi còn đeo bám, sự "hên xui" với kẻ cười người khóc còn diễn ra.

Ai cũng muốn có một cái Tết trọn vẹn và đầy đủ nhất có thể. Trong mỗi gia đình, công sở đều trở nên đẹp hơn, rực rỡ hơn, tươi sáng hơn… bởi sự tô điểm của những bông hoa. Và mỗi lần ngắm hoa, được hít vào lồng ngực mùi hương của hoa bỗng thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, trồng hoa, bán hoa và chơi hoa cũng cần đẹp với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.


Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ