• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì đâu mà Mỹ luôn đưa ra chính sách cứng rắn đối với Iran?

Thế giới 01/08/2018 18:04

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố cứng rắn đối với Iran về một chính sách Mỹ tiếp tục gây sức ép về kinh tế và ngoại giao.

Căng thẳng Mỹ-Iran

Các quan chức Mỹ nói trên Reuters  rằng, mục tiêu của Tổng thống Trump nhằm kiềm chế các động thái của Iran trong bối cảnh Mỹ, các đồng minh vùng Vịnh và Israel đều cho rằng chính Tehran đã gây ra bất ổn cho khu vực.

Căng thẳng Mỹ và Iran vẫn leo thang kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Trump cũng bày tỏ hi vọng cho một thỏa thuận mạnh mẽ với Iran nhằm ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ không đưa ra định nghĩa rõ ràng cho chính sách của Iran hay vạch ra đường lối cụ thể nhằm giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Điều này đã gia tăng các lo lắng về rủi ro xung đột. Đáng chú ý, Tổng thống Trump cũng không nói rõ về những gì ông sẽ làm nếu các chính sách được cho là tiêu cực cho Tehran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cảnh báo ngày 22/7 rằng, các chính sách của Mỹ có thể gây ra “mẹ của các cuộc chiến tranh”.

Tổng thống Trump đã có phản ứng trên Twitter rằng Iran không bao giờ được đe dọa Mỹ hoặc Tehran sẽ phải chịu “hậu quả nặng nề giống như lịch sử đã từng chứng kiến trước đây”.

Tuy nhiên, vào ngày 30/6, ông Trump lại giảm căng thẳng và bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Rouhani mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Theo danh sách dự kiến, hai nhà lãnh đạo Iran và Mỹ có thể gặp mặt tại phiên họp Liên Hợp Quốc thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng Chín tới.

Áp đặt các trừng phạt “NATO Ả rập”

Iran cho rằng Mỹ đã có cách cư xử tồi tệ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 mà trước đó đã cố gắng để có được. Tehran một thời gian dài cũng cho rằng chính Washington đang gây ra bất ổn tại Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết, đề nghị của Tổng thống Trump về quá trình đàm phán với Tehran hoàn toàn mâu thuẫn với các động thái gần đây của ông.

“Các trừng phạt và áp lực là hoàn toàn mâu thuẫn với ngỏ ý đàm phán của Tổng thống Trump”, hãng tin Fars trích dẫn nguồn tin của ông  Bahram Qasemi.

Các quan chức cho biết, chính sách của Tổng thống Trump nhằm gây sức ép vào nền kinh tế Iran mặc dù tình báo Mỹ cho rằng Iran có thể huy động sức mạnh đối phó với Mỹ bất kỳ lúc nào.

Đồng rial của Iran liên tục lao dốc so với đồng đô la Mỹ sau các trừng phạt liên tục của Washington vào nước này kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm khoảng 2/3 do các biện pháp trừng phạt, làm căng thẳng thị trường dầu mỏ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ủng hộ mạnh mẽ các động thái của Tổng thống Trump. Bộ trưởng Năng lượng Israel cho biết ông tin rằng các biện pháp trừng phạt có thể khiến Iran có chút thay đổi trong vòng vài tháng.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng thúc đẩy nỗ lực tạo liên minh an ninh và chính trị với 6 quốc gia vùng Vịnh Ả rập cùng với Ai Cập và Jordan. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn ảnh hưởng mở rộng của Iran.

Các quan chức Mỹ và các quốc gia đồng minh thuộc dòng Hồi giáo Sunni tại Trung Đông đã vạch ra một kế hoạch “NATO Ả rập” trong bối cảnh mối đe dọa từ phía Iran.

Chính quyền Tổng thống Trump muốn tiến tới thành lập Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA), dự kiến được tuyên bố tại một hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 12-13/102018 tại Washington.

Liên minh Chiến lược Trung Đông sẽ do Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh là Ả-rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất làm nòng cốt với mục đích là tăng cường khả năng trong đối đầu với Iran.

"MESA sẽ là một bức tường chống lại sự xâm lược của Iran, khủng bố, cực đoan, và sẽ mang lại sự ổn định cho Trung Đông", một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết.

Washington, Riyadh và Abu Dhabi đã cáo buộc Iran gây mất ổn định khu vực, gây bất ổn ở một số quốc gia Ả Rập thông qua các lực lượng uỷ nhiệm và ngày càng đe dọa tới Israel.

Chưa rõ liên minh ngay lập tức chống lại Tehran ra sao, nhưng chính quyền Trump và các đồng minh Hồi giáo Sunni này có lợi ích chung trong các cuộc xung đột ở Yemen và Syria cũng như bảo vệ các tuyến giao thương hàng hải tại vùng Vịnh. Liên minh này sẽ đặt trọng tâm vào những người khổng lồ vùng Vịnh là Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) – hiện đang hợp tác gần gũi hơn với chính quyền TT Trump để đối phó Iran.

Một số nhà quan sát cho rằng, các biểu hiện cứng rắn của Mỹ đối với Iran gia tăng nhiều nghi ngờ về việc Tổng thống Trump đang tìm cách nhằm thay đổi chính quyền Iran.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, chính quyền Tổng thống Trump không hề đưa ra một chính sách thay đổi hay cố gắng làm sụp đổ Iran.

“Chúng tôi cần họ [Iran] thay đổi hành vi về hoạt động quân sự nhằm gia tăng thách thức đối với thế giới”, ông Mattis nói./.

 

 

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ