• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao "Luận ngữ chú giải" được coi là sách kinh điển cho mọi nhà?

Văn hoá 19/09/2019 16:39

Nhà xuất bản Văn học vừa phát hành cuốn sách "Luận ngữ chú giải" do Dương Bá Tuấn chú giải và Ngô Trần Trung Nghĩa dịch. Tác phẩm này được coi là sách kinh điển cho mọi nhà và là một trong những tác phẩm chú thích "luận ngữ" xuất sắc nhất mọi thời đại.

Cuốn sách với hơn 460 trang được chia thành các thiên với 20 thiên. Mỗi thiên lại chia thành nhiều chương. Giá trị lớn lao của "Luận ngữ" là ở sự giản dị. Năm khái niệm cơ bản của nó rất gần gũi và dễ hiểu đối với mỗi người: 1.Trí; 2. Nhân; 3. Tín; 4. Lễ; 5. Dũng. Dựa trên năm đức tính đó Khổng Tử xây dựng một hệ thống tư tưởng lôgíc, độc đáo, nhằm thiết lập trật tự trong xã hội, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của cả quốc gia.

"Luận ngữ" ra đời vào thời Chiến Quốc (khoảng năm 476 - 221 trước Công Nguyên), ghi chép lại ngôn hành của Khổng Tử, đồng thời cũng ghi chép cả ngôn hành của một số đệ tử Khổng môn.

Cốt lõi của học thuyết Khổng Tử là những nguyên tắc đạo đức. Nó được trình bày trong "Luận ngữ", dưới dạng tập hợp những lời nói vắn tắt và những cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và học trò. Tất cả gồm 20 chương nhỏ, mỗi chương gồm những đoạn ngắn gắn với một lời nói của thầy.

Theo nhận định của dịch giả Ngô Trần Trung Nghĩa thì "Luận ngữ" không phải tác phẩm xa lạ với mọi người, sách chú giải "Luận ngữ" thì xưa nay nhiều vô kể nhưng "Luận ngữ chú giải" của Dương Bá Tuấn lại là một hiện tượng độc đáo.

Lấy dẫn chứng từ câu thơ: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng, dịch giả này cho rằng "Những ai yêu thích Hán học dễ dàng nhận ra ngay tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã mượn ý từ trong sách Luận ngữ: “Tử viết: …Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã” (Khổng Tử nói: …Mắt thấy chuyện phải ra tay can thiệp mà chỉ biết đứng nhìn, như thế là hèn nhát).

Trong đời sống hằng ngày, không ít lần ta nghe thấy mấy câu đại loại như hậu sinh khả úy, dục tốc bất đạt, danh chính ngôn thuận, tứ hải giai huynh đệ,… Tất cả đều xuất xứ từ "Luận ngữ".

Có thể thấy sức ảnh hưởng của "Luận ngữ" vô cùng sâu rộng, hơn nữa còn được nhân dân ta chắt lọc và tiếp thu để làm phong phú vốn ngôn ngữ của mình.

Vì sao "Luận ngữ chú giải" được coi là sách kinh điển cho mọi nhà? - Ảnh 1.

Tuy nhiên trên thực tế, "Luận ngữ" không đơn thuần chỉ là sách luân lý của Nho gia, đây là một tác phẩm có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Bước vào thời đại 4.0, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm với người khác) vẫn là nguyên tắc ứng xử cao đẹp mà mọi người nên lựa chọn. Trong quá trình học tập và làm việc giữa guồng máy công nghệ, “bất sỉ hạ vấn” (không xấu hổ khi học hỏi người dưới) vẫn là thái độ đúng đắn giúp bản thân tiến bộ hơn - dịch giả Ngô Trần Trung Nghĩa cho biết.

Được biết, "Luận ngữ chú giải" của Dương Bá Tuấn ra mắt lần đầu tiên vào năm 1958, đến năm 1982, với 160.000 bản, so với thời đó và cả tận bây giờ thì con số đó là hiện tượng hiếm có đối với một tác phẩm nghiên cứu.

Dương Bá Tuấn (1909 - 1992) tên thật là Dương Đức Sùng, người Hồ Nam, Trung Quốc. Ông là nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn tự và ngôn ngữ, chủ yếu là nghiên cứu ngữ pháp và hư từ văn ngôn cũng như chỉnh lý và chú giải thư tịch cổ.

Dịch giả Ngô Trần Trung Nghĩa nhận định: Tuy không phải người đầu tiên chú thích sách "Luận ngữ" nhưng "Luận ngữ chú giải" của Dương Bá Tuấn lại được đông đảo độc giả đón nhận, nguyên nhân chủ yếu là do cách giải thích chính xác và dễ hiểu, ngay cả độc giả phổ thông cũng dễ dàng tiếp thu. Những khúc mắc về phương diện ngôn ngữ đều được ông tháo gỡ, người đọc có thể thấu hiểu và lĩnh hội những giá trị nhân đạo của Nho gia. Qua đó, hình ảnh vị “vạn thế sư biểu” đáng kính dần hiện lên một cách chân thật nhất. Bởi thế nên công trình nghiên cứu này được vinh danh là “sách kinh điển cho mọi nhà”.


PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ