• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việc nêu gương của cán bộ: Nếu không có sự giám sát của nhân dân thì chỉ là khẩu hiệu suông

Thời sự 10/10/2018 09:52

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh như vậy trong trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên – một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội nghị Trung ương VIII.

Việc nêu gương của cán bộ: Nếu không có sự giám sát của nhân dân thì chỉ là khẩu hiệu suông - Ảnh 1.

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về nêu gương của cán bộ đảng viên. Ảnh: Nam Nguyễn


Ông chia sẻ như thế nào về sự cần thiết phải xây dựng “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” trong khi trước đó, vào năm 2012, Ban Bí thư đã có Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Điều lệ Đảng cũng đã có quy định về những điều Đảng viên không được làm...?


Nhà báo Nhị Lê:
Tôi nhớ hơn  sáu năm trước, Ban Bí thư khóa XI đã ra quy định về nêu gương của cán bộ đảng viên. Nhưng lần này, sau sáu năm thực hiện đã đặt ra cho chúng ta những vấn đề mới. Trước hết, trọng trách đặt ra trước Đảng, trước nhân dân chúng ta to lớn hơn, nặng nề hơn.

Đại hội lần thứ XI của chúng ta là tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện thì đến Đại hội lần thứ XII và vào tháng 1/2016, công cuộc đổi mới đã bước sang một giai đoạn mới, đó là công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Trọng trách đó đã đặt ra trước Đảng nói chung và trước mỗi cán bộ đảng viên của Đảng nói riêng những thách thức mới.

Cũng chưa bao giờ như bây giờ, để làm trong sạch bộ máy của Đảng, bộ máy Nhà nước, công cuộc chống tham nhũng của chúng ta đã tiến những bước rất quan trọng và qua đó kỳ vọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Vì thế, Quy định mới mà Hội nghị TƯ VIII đang thảo luận sẽ quyết sách và đáp ứng yêu cầu đó.

Quá trình thực hiện Quy định 101 đã để lại cho chúng ta những bài học lớn trong việc thực thi, giám sát cán bộ đảng viên thực thi quy định của Đảng trên cơ sở điều lệ của Đảng và các quy định khác trong Đảng đã đặt ra cho chúng ta cách nhìn về phương pháp về bước đi, về lộ trình trong việc quy định thực hiện chế độ nêu gương của cán bộ đảng viên của Đảng.

Điều đặc biệt nhấn mạnh là dự thảo lần này quy định rất rõ, tập trung vào đội ngũ cán bộ chiến lược mà “rường cột” là các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành TƯ, Ủy viên Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho thấy trọng tâm, trọng điểm và điều cuối cùng là tất cả những điều kiện cần và đủ về mặt thể chế, về mặt cơ chế vận hành của tất cả các cơ quan chuyên môn và chức năng, đặc biệt là vai trò của cấp ủy và cấp chính quyền trong việc giám sát, thực  thi việc cán bộ đảng viên thực hiện cơ chế nêu gương.

Đấy là những điều căn cốt nhất được đặt ra trong cuộc thảo luận xây dựng quy chế nêu gương tại Hội nghị TƯ VIII.

- Thời gian qua, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tuy từng bước được nâng lên nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Trong thực tế, cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật, tham nhũng vẫn xảy ra, thậm chí có cả một số lãnh đạo cấp cao. Phải chăng vì vậy mà phải nâng tầm từ Quy định của Ban Bí thư lên Quy định của Ban Chấp hành Trung ương, từ quy định là cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu thì nay chỉ rõ là “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”?

Nhà báo Nhị Lê: Nếu trước kia Quy định 101 chỉ dừng lại ở Ban Bí thư Ban chấp hành TƯ khóa XI thì lần này nâng tầm Quy định của Ban chấp hành, cho nên tầm mức của vấn đề, đối tượng nêu gương và kiểm soát nêu gương của vấn đề  đặt ra ở tầm mức cao hơn.

Ban chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị , bầu ra Ban Bí thư và các chức danh cao nhất  của hai tổ chức này. Cho nên Quy định lần này được đưa lên ở tầm mức mới.

-Thực tế đã chỉ ra, tham nhũng xảy ra ở nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên có chức quyền, do đó, vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên là vô cùng quan trọng, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương?

Nhà báo Nhị Lê: Tham nhũng thì thông thường xảy ra ở những người nắm giữ trọng trách. Cho nên lần này, Quy định nhằm vào những đối tượng rất cụ thể. Tức là khả năng định danh rất rõ và trách nhiệm cũng được chỉ định hết sức rõ ràng, minh bạch. Đây là điều rất mừng!

Hiếm thấy một quyết nghị nào của Trung ương trước Hội nghị TƯ IV khóa XII đặt ra như vậy, rất là mừng. Tôi thấy Quy định lần này được xây dựng theo hướng, theo tinh thần của quyết nghị Hội nghị lần thứ IV Trung ương khóa XII. Lần đầu tiên chúng ta chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Vấn đề định lượng trong việc nêu gương, giám sát việc nêu gương và đặc biệt là kỷ luật việc nêu gương cũng tương đối rõ ràng.

-Nhiều vụ việc cán bộ đảng viên ở cấp chính quyền cơ sở  thoái hóa, vi phạm pháp luật được phanh phui trên các phương tiện truyền thông. Vậy tại sao chúng ta chưa làm rốt ráo từ cấp cơ sở?

Nhà báo Nhị Lê: Cuộc đổi mới của chúng ta là cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Cho nên đặt vấn đề chống tham nhũng không phải chỉ dành cho đối tượng này hay đối  tượng kia mà chỗ nào, lĩnh vực nào dễ xảy ra tham nhũng  thì dành sự chú ý, tập trung.  Có thể, việc đất đai không chỉ ở Trung ương mà ở cơ sở. Lĩnh vực đất đai là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, cho nên không đặt ra là ở cấp Trung ương hay cấp cơ sở. Vấn đề là mức độ trầm trọng của nạn tham nhũng  diễn ra ở đâu thì ta tập trung ở đó.

Nhưng cũng cần phải nói rằng cần tập trung vào việc chống tham nhũng ở cơ quan công quyền giữ trọng trách lớn, những nhân vật giữ trọng trách lớn. Điều này không chỉ bảo đảm sự nghiêm minh mà đồng thời cũng làm gương cho cấp dưới.

Tôi thấy  hiện ở Trung ương và địa phương đều “nóng”. Phải xử lý thật mạnh mẽ ở những cấp cao, điều này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh ở pháp luật mà còn bảo đảm sự nêu gương, bảo đảm sự đi trước trong công cuộc rất nóng bỏng và nhạy cảm, có ý nghĩa sinh tử đối với Đảng, thể chế của chúng ta.

Việc nêu gương của cán bộ: Nếu không có sự giám sát của nhân dân thì chỉ là khẩu hiệu suông - Ảnh 3.

"Cần tập trung vào việc chống tham nhũng ở cơ quan công quyền giữ trọng trách lớn, những nhân vật giữ trọng trách lớn...". Ảnh: Nam Nguyễn


-Nếu được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa XII thông qua thì đây sẽ là Quy định có ý nghĩa trong chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng; lạm quyền… Quy định này  sẽ làm tăng thêm sức mạnh của Đảng và tăng niềm tin của người dân đối với Đảng?

Nhà báo Nhị Lê: Phải đặt Quy định này trong tổng thể các Quy định của Đảng. Chỉ có như thế thì việc thực thi Quy định này mới bảo đảm như chúng ta mong muốn. Chỉ một kỳ vọng: cấp càng cao càng phải nêu gương. Tương tự, cấp càng cao, vi phạm cùng loại kỷ luật thì phải bị xử lý nặng hơn. Và lúc này hơn lúc nào hết là một bước tiến trong hành động và có giá trị hơn hàng vạn tá cương lĩnh. Đó là kỳ vọng của tôi. Bắt đầu hành động ngay từ lúc này.

-Theo ông, cách nào để Quy định mới thực sự phát huy hiệu quả đối với tất cả cán bộ, kể cả ở vị trí lãnh đạo cao nhất?

Nhà báo Nhị Lê: Các công cụ bảo đảm thực hiện Quy định: Kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước,  sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân.

Nếu không có sự giám sát của nhân dân tôi dám chắc rằng công cuộc thực hiện nêu gương của chúng ta sẽ không đạt được như mong muốn bởi xét cho cùng, Đảng của chúng ta, Nhà nước của chúng ta đều thuộc về dân, chiến đấu đều vì dân. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì tất cả chỉ là khẩu hiệu suông.

-Xin cảm ơn ông!


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ