• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việc “tự” sử dụng danh xưng “quốc tế” của trường Tiểu học Gateway có vi phạm pháp luật?

Pháp luật 08/08/2019 11:53

(Tổ Quốc)- Việc sử dụng danh xưng trường quốc tế của Gateway là sai với đăng ký hoạt động kinh doanh , vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, dùng tất cả chữ nghĩa, tiếng Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc một học sinh lớp 1 của trường tiểu học Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe bus đưa đón hôm 6/8, ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội)- cho biết, trong quyết định thành lập trường Gateway, không hề ghi là trường quốc tế. Tên chính thức của trường trong quyết định thành lập là Trường Tiểu học Gateway.

"Trong quy định thì không có trường nào là trường quốc tế. Chữ quốc tế là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh". Trong địa bàn quận chỉ có những trường có yếu tố nước ngoài và chúng tôi cũng đã báo cáo những điều này lên trên", ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy thông tin. 

Anh-Chup-Man-Hinh-20-01

Việc "tự" sử dụng danh xưng "quốc tế" của trường Tiểu học Gateway có vi phạm pháp luật?

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thủy- Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thủy phân tích, việc sử dụng danh xưng trường quốc tế của Gateway là sai với đăng ký hoạt động kinh doanh, vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, dùng tất cả chữ nghĩa, tiếng Việt Nam.

Việc sử dụng danh xưng trường quốc tế là nhằm đánh vào tâm lý "sính ngoại"của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam.

Ngoài ra việc sử dụng danh xưng quốc tế của Gateway trong việc giới thiệu, quảng bá của trường này cũng còn vi phạm luật quảng cáo. Cụ thể căn cứ theo quy định tai Điểm Khoản 5 và Điểm a,c Khoản 7 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì việc quảng cáo sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với các hành vi quảng cảo sai sự thật,  không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa phương, phương thức phục vụ, thời gian sử dụng…

Về biện pháp khắc phục hậu quả. Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với những hành vi quy định tại các khoản 1,2,3,4,5 và 6 Điều này. Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm Khoản 5 Điều này.

Còn Luật sư Trần Viết Hưng (VP Luật sư Công Lý) cho rằng "trong vụ việc này nếu thu thập được những tài liệu, tờ rơi của Gateway gửi các phụ huynh hay phát tán ra ngoài có sử dụng danh xưng quốc tế thì có thể xem xét trách nhiệm của Gateway có yếu tố lừa gạt khách hàng, giống như vụ việc Mường Thanh. Vì anh dãn mác quốc tế nhưng chất lượng lại ko tương xứng thì đó là lừa gạt khách hàng. Khách hàng ở đây là các phụ huynh"

Cũng theo vị Luật sư này, cần xem xét trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân liên quan đến vụ việc này. Giấy đăng ký không có yếu tố nước ngoài hay quốc tế nhưng lại tự xưng và hoạt động rồi để xẩy ra vụ việc. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi để trường tự xưng như vậy.

Vụ việc này là hồi chuông cảnh báo bởi thực tế không chỉ trường này mà còn nhiều trường khác cũng đang hoạt động dựa trên danh xưng quốc tế. Trong khi khách hàng (phụ huynh) lại không biết liệu nó có phải là quốc tế thật sự hay không, được đánh giá, quản lý dựa vào những tiêu chuẩn nào?

Các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự công khai minh bạch về bộ tiêu chuẩn thế nào là quốc tế hay thế nào là có yếu tố nước ngoài để người dân nắm rõ và giám sát.

"Sau vụ việc này tôi cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành  thanh kiểm tra để rà soát và phân loại. Không thể để tình trạng mập mờ như hiện nay", Luật sư Trần Viết Hưng nhấn mạnh.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ