• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện là một yêu cầu cấp thiết

Văn hoá 10/10/2018 15:29

Hiện nay, việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện đang được tập trung tối đa nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà.

Việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện là một yêu cầu cấp thiết - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Thư viện.

PV: Vụ trưởng có thể cho biết về sự cần thiết của việc ban hành Luật Thư viện?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Pháp lệnh thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2001 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho sự nghiệp thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 18 năm thi hành, Pháp lệnh thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ bất cập với hệ thống pháp luật và thực tiễn đời sống xã hội. Với sự phát triển và tác động của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động thư viện và phương thức đọc, sử dụng thông tin của người đọc đã có nhiều thay đổi.

Trong thời gian vừa qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã không ngừng được hoàn thiện. Trong Hiến pháp năm 2013, một số quy định về quyền con người đã được bổ sung: quyền tiếp cận thông tin, quyền và nghĩa vụ được học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; các quy định cấm cần được quy định cụ thể trong Luật Thư viện. Mặt khác, một số luật liên quan đến hoạt động thư viện và quyền hưởng thụ của nhân dân (Luật giáo dục đại học, Luật xuất bản; Luật khoa học công nghệ, Luật công nghệ thông tin, Luật điện ảnh, Luật di sản văn hóa, Luật sở hữu trí tuệ; Luật ngân sách nhà nước, Luật tiếp cận thông tin…) được sửa đổi, ban hành. Những quy định trong Pháp lệnh thư viện và các văn bản quy phạm hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Một số nội dung quan trọng liên quan đến chính sách đầu tư, vấn đề quản lý, tổ chức hoạt động thư viện…quy định tản mạn ở nhiều văn bản dẫn tới hiệu lực thi hành không cao. Nhiều quy định trong Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn không còn phù hợp với thực tiễn: vấn đề xếp hạng thư viện chỉ áp dụng đối với hệ thống thư viện công cộng và dựa trên tiêu chí hành chính đã triệt tiêu động lực phấn đấu, kìm hãm sự phát triển của thư viện; chính sách của Nhà nước đối với thư viện thiếu quy định cụ thể nên chưa đi vào thực tiễn; chính sách đối với người làm công tác thư viện còn nhiều bất cập.

Thư viện với vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận với các giá trị văn hóa, nâng cao tri thức của người dân từng bước góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển con người Việt Nam toàn diện phục vụ phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, hoạt động thư viện cần được cụ thể hóa và quy định ổn định lâu dài trong Luật.

Với những lý do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện là một yêu cầu cấp thiết đặt ra.

PV: Để khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh Thư viện trong những năm qua, Luật Thư viện đặt ra những nội dung, quy định như thế nào thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Luật Thư viện khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh Thư viện trong những năm qua. Luật Thư viện đã xác định 6 chính sách lớn sau:

Chính sách 1. Đa dạng hóa các loại hình thư viện nhằm đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực, vốn tài liệu tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức.

Chính sách 2. Phát triển loại hình thư viện số tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Chính sách 3. Đảm bảo tính minh bạch, cơ chế xử lý toàn diện đối với thư viện và bảo vệ vốn tài liệu thư viện thông qua các điều kiện thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động của thư viện.

Chính sách 4. Mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện nhằm tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công của thư viện.

Chính sách 5. Kiện toàn hệ thống thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã trên cơ sở sắp xếp bố trí các mô hình phòng đọc sách, tủ sách cơ sở để phát huy hiệu quả.

Chính sách 6. Đổi mới quy định về phân hạng và đánh giá tác động của thư viện góp phần tăng cường công tác quản lý đối với thư viện và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện.

Việc xây dựng và ban hành Luật Thư viện là một yêu cầu cấp thiết - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa/Nguồn: medium.com)

PV: Theo Vụ trưởng, sự ra đời của Luật Thư viện sẽ tác động như thế nào đến hoạt động thư viện nói chung và việc phát triển văn hóa đọc nói riêng?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học, văn hóa cho công dân, truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Việc xây dựng Luật Thư viện nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành.

PV: Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng Luật Thư viện vào thời điểm hiện nay là gì thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Những thuận lợi cơ bản trong xây dựng Luật Thư viện phải kể đến:

Thứ nhất là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển hoạt động thư viện nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân học tập suốt đời. Danh mục các dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện đã được ban hành trong Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch (Quyết định số 1992/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2017).

Thứ hai: Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là Bộ trưởng luôn có chỉ đạo sâu sát đến việc xây dựng luật với yêu cầu đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Thứ ba: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các Bộ ngành có liên quan.

Thứ tư: Nhận thức của xã hội đối với hoạt động thư viện đã có sự thay đổi, đặc biệt là gần đây, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án về đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo luật, nhiều bạn đọc đã tích cực hưởng ứng và tham gia ý kiến.

Thứ năm: Ngành thư viện ở Việt Nam đã thực sự quan tâm đến việc xây dựng Luật thư viện và có những tham góp tích cực để hoàn thiện dự thảo luật.

Thứ sáu: Trong quá trình biên soạn dự thảo luật có thể học hỏi từ một số luật thư viện của nước ngoài và các văn bản của các tổ chức quốc tế có liên quan đến hoạt động thư viện, bao gồm cả những vấn đề quan trọng và vấn đề mới như: thư viện số/thư viện điện tử; vấn đề quản lý và thiết lập mạng lưới thư viện; trách nhiệm Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, các bộ ngành...

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Thư viện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn:

Khó khăn lớn nhất là những quy định hiện hành của một số luật chưa thực sự hỗ trợ cho hoạt động thư viện. Tiêu biểu như quy định về bản quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại ở Việt Nam, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa có quy định ngoại lệ nào cho thư viện. Bên cạnh đó những quy định về nộp lưu chiểu trong Luật Xuất bản và những văn bản có liên quan chưa thực sự hỗ trợ cho các thư viện cấp tỉnh trong việc tiếp nhận các xuất bản phẩm địa phương.

Khó khăn thứ hai phải kể đến là những chính sách ưu đãi dành cho thư viện không được quy định trong luật thư viện trong khi những quy định liên quan đến thư viện trong các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể cho các nội dung này.

Khó khăn thứ ba là sự câu thúc về thời gian. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập và sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan và các chuyên gia, dự án Luật Thư viện sẽ cố gắng triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng.

PV: Xin cám ơn những chia sẻ của Vụ trưởng!


Hằng Đinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ