• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục

Giáo dục 04/03/2019 16:39

(Tổ Quốc)- Đây là một trong những mục tiêu của đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 223/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" ngày 22/02/2019.


Mục tiêu của Đề án nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án, phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện vận động viên tài năng, đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên tài năng của các môn thể thao, cụ thể:

- Tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia; trong đó khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế;

- Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó 60 huấn luyện viên cao cấp.

Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao:

- Tuyển chọn và đào tạo khoảng: 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ;

- Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người.

Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2019-2025, Bộ VHTTDL hướng dẫn triển khai, tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính: Lựa chọn các cơ sở tham gia tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhân lực thể thao thành tích cao theo Đề án. Xây dựng hệ thống tiêu chí và kế hoạch tuyển chọn, đào tạo tài năng; Xây dựng chương trinh, biên soạn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn.

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ huấn luyện viên, cán bộ quản lý và nhân lực có liên quan tham gia đề án. Đầu tư, tăng cường nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm chuẩn quốc tế...; giám định khoa học huấn luyện thể thao, đào tạo vận động viên, hoạt động tác nghiệp huấn luyện viên và nhà khoa học thể thao.

Liên kết, hợp tác đào tạo với các trung tâm huấn luyện và các CSĐT ở nước ngoài để cử tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao đi đào tạo, huấn luyện, tập huấn dài hạn và ngắn hạn ở nước ngoài theo nội dung Đề án.

Triển khai tuyển chọn, đào tạo tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao ở trong nước và nước ngoài theo nội dung Đề án. Cử vận động viên xuất sắc tham gia các giải thể thao quốc tế; tổ chức các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao hữu, thi đấu các giải thể thao chính thức trong hệ thống quốc gia và quốc tế ở trong nước.

Tiếp đó, trong giai đoạn 2026-2035, tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ chính của giai đoạn 2019-2025; xem xét, điều chỉnh những chỉ tiêu cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn. Cử vận động viên xuất sắc tham gia các giải thể thao quốc tế; tổ chức các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao hữu, thi đấu các giải thể thao chính thức trong hệ thống quốc gia và quốc tế ở trong nước. Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện triển khai Đề án.

Cũng theo Quyết định, Bộ VHTTDL là cơ quan đầu mối tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch tổng thể và hằng năm triển khai Đề án. Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo tài năng; hằng năm chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan thực hiện rà soát, đánh giá các cơ sở được lựa chọn đào tạo tài năng để điều chỉnh, bổ sung.

Bộ VHTTDL có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo... triển khai các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện Đề án.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ