• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam đứng đâu trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu?

Kinh tế 17/10/2018 09:01

Vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới của Thụy Sỹ trong chuỗi 9 năm liên tiếp đã chính thức bị soán ngôi bởi sự vượt lên của Mỹ. Việt Nam xếp thứ 77 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng.

Việt Nam xếp thứ 77/140 trong xếp hạng cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay, tụt 3 bậc so với vị trí 74/135 trong xếp hạng năm ngoái. 

Đây là kết quả được đưa ra trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) thường niên 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố.

Điểm số của Việt Nam đạt được năm nay là 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017. Trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột "sức khỏe", với 81 điểm. Trong khi đó, ở trụ cột "năng lực sáng tạo", Việt Nam chỉ đạt 33 điểm.

Việt Nam đứng đâu trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu? - Ảnh 1.

Điểm số dành cho Việt Nam ở các hạng mục đánh giá. Từ trái qua: điểm năng lực cạnh tranh, thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh, và năng lực sáng tạo - Nguồn: WEF.

Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới với 85 điểm.

Một số cường quốc khác là Trung Quốc chỉ đứng ở vị trí 28 trong xếp hạng, Nga thứ 43 và Ấn Độ ở vị trí 58. So với năm ngoái, Ấn Độ tụt 18 bậc.

Xếp hạng các nước Đông Nam Á, Thái Lan xếp thứ 38, tăng 2 bậc so với năm 2017. Indonesia xếp 45, tăng 2 bậc. Malaysia đứng ở vị trí 25, tăng 1 bậc và Philippines xếp thứ 56, tăng 12 bậc...

Nhóm 30 nền kinh tế "đội sổ" của xếp hạng chủ yếu là các nước châu Phi. Trong đó, đứng cuối cùng là Haiti, Yemen và Chad, với điểm số 35,5 dành cho Chad.

WEF cho biết năm nay, phương pháp thực hiện xếp hạng đã có sự thay đổi toàn diện, theo hướng đề cao tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ. Do sự điều chỉnh phương pháp này mà Thụy Sỹ tụt xuống vị trí thứ tư, trong khi Singapore và Đức tiếp tục giữ vị trí tương ứng thứ hai và thứ ba.

Xếp hạng năm nay của WEF đưa ra đánh giá 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thang điểm từ 0-100, so với con số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng vào năm ngoái.



Phùng Nguyên (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ