• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam - Nhật Bản phối hợp ứng phó vi phạm bản quyền

Văn hoá 12/01/2017 14:14

(Tổ Quốc)- Xâm phạm bản quyền trên môi trường kỹ thuật số, Internet... ngày càng tinh vi, phức tạp và không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia riêng lẻ.

Sáng nay, 12/01, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Copyright Ofice of Viet Nam- COV), Cơ quan Văn hoá Nhật Bản (Agency for Cultural Affairs, Government of Japan) và Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (Content Overseas Distribution Asociation) phối hợp tổ chức Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến bảo hộ quyền tác giả giữa hai nước.

Trước nạn vi phạm bản quyền ngày càng phức tạp, hơn bao giờ hết, cần có sự phối hợp của các quốc gia với nhau

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục bản quyền Tác giả nhấn mạnh mục đích và ý nghĩa của Hội thảo và khẳng định Việt Nam đang từng bước thực thi các cam kết về các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đó là 3 Hiệp định song phương (Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ QTG 1997; Hiệp định Việt Nam - Thuỵ Sĩ về bảo hộ Sở hữu trí tuệ và hợp tác Sở hữu trí tuệ 1999; Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2000) và 5 Điều ước Quốc tế Đa phương (Công ước Berne 2004; Công ước Geneva 2005; Công ước Brussels; Công ước Rome 2007; Hiệp định TRIPs 2007). Hội thảo cùng chia sẻ và nhất trí cao với khái niệm chung “Bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan là một phần thiết yếu trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới ở con người". Hội thảo giới thiệu Hệ thống pháp luật - quản lý - thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi bổ sung năm 2009) và Bộ luật hình sự cùng các nghị định, thông tư quy định trách nhiệm, tăng cường quản lý và thực thi. ngoài ra, tại Việt Nam, các luật chuyên ngành như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Di dản văn hoá, Luật Điện ảnh, Luật Hải quan, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Thư viện và Bộ luật hình sự. Ông cũng nêu thực trạng vi phạm bản quyền trực tuyến đã và đang vượt qua biên giới các quốc gia và ngày càng trở nên phức tạp.

Ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác Quốc tế COV trình bày rõ các vấn đề về: hệ thống pháp luật; hệ thống quản lý; hệ thống thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay và kiến nghị: Về hệ thống pháp luật: bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới; Tiến trình theo xu hướng quốc tế (luật Bản quyền tác giả...); Tham gia tích cực các điều ước song phương, đa phương...; Về hệ thống quản lý: kiện toàn tổ chức quản lý; tăng cường giám sát quản lý; áp dụng Chính phủ điện tử...; Về hệ thống thực thi: Tăng cường năng lực; Mở rộng địa bàn; Phối hợp cơ quan quản lý chuyên môn...

Ông Noda Akihiko Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản (JCO) giới thiệu về hệ thống quyền tác giả tại Nhật. Ngay từ năm 1887 tại Nhật đã có Pháp lệnh về quyền tác giả. Tới năm 1899, có Luật quyền tác giả tiến tới việc gia nhập Công ước Berne. Năm 1939 luật kinh doanh môi giới liên quan đến quyền tác giả và năm 1970, có Luật quyền tác giả mới. Tới năm 2000, hoàn thiện Luật về Kinh doanh và quản lý quyền tác giả và các quyền liên quan. Với mục đích thúc đẩy văn hoá và thúc đẩy công nghiệp, tại Nhật Bản có nhiều cơ quan khác nhau bảo hộ quyền tác giả trong các lĩnh vực: văn học, khoa học, nghệ thuật do Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ; Bảo hộ bằng sáng chế các sản phẩm công nghiệp lại do Bộ kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Ngoài ra còn phải phối hợp Cục cảnh sát quốc gia, Hải quan, Bộ Tài chính và Toà án. Từ hệ thống tổ chức của Nhật và nhiều kinh nghiệm về quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền của các bạn Nhật Bản đã được trao đổi cởi mở nhằm tìm ta những tương đồng trong việc áp dụng việc thực thi bản quyền tác giả và các quyền liên quan tại mỗi nước và các nước cùng khu vực và toàn thế giới.

Ngày nay, trên môi trường kỹ thuật số, Internet, phát sóng truyền hình, mạng xã hội... việc vi phạm bản quyền ngày một diễn ra nhanh chóng và phổ biến, dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ truyền hình kỹ thuật số mặt đất, phim truyền hình, phim hoạt hình, điện ảnh, truyền hình kỹ thuật số vệ tinh thông tin, video clip, kiểu dáng công nghiệp, các sản phẩm cây trồng... bị ăn cắp bản quyền, sao chụp, sử dụng, phổ biến hình ảnh, thông tin nội dung không xin phép đã gây nên những tổn hại to lớn về tinh thần và vật chất, thậm chí còn là danh dự... của các cá nhân, thế nhân, pháp nhân có liên quan. Việc không xin phép tác giả đã trở thành thách thức không nhỏ với việc thực thi quyền tác giả và quyền liên quan. Việc xử lý vi phạm bản quyền càng khó khăn hơn bao giờ hết nếu không có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều tổ chức cùng quản lý và thực thi trong việc phát hiện, thực thi các biện pháp đối phó về xâm phạm bản quyền.

Hơn bao giờ hết, cần có sự phối hợp của các quốc gia với nhau từ hệ thống quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trước chính phủ mỗi nước, đến các cơ quan có liên quan về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Tanaka Koichi, Giám đốc sản xuất, Ban hợp đồng và bản quyền, Đài truyền hình Fuji trao đổi thẳng thắn về những xâm hại trực tuyến và các biện pháp đối phó với về xâm phạm bản quyền đối với các nội dung phát sóng truyền hình và đối sách của đài truyền hình tại Nhật Bản. Ông trưng ra hàng loạt các ấn phẩm bao bì và băng, đĩa DVD phim, ca nhạc bày bán công khai nhan nhản trên thị trường. Đây là thách thức với nhà sản xuất, với các tác giả và những nhà quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Tại Nhật, biện pháp đối phó là xử phạt là truy cứu trách nhiệm hình sự, điều tra khám xét và đưa ra toà án và phạt tù để đủ sức răn đe. Với vi phạm trên Internet, chủ thể của sở hữu tác quyền hoặc đại diện chủ thể tác quyền yêu cầu nhà mạng gỡ xuống những nội dung bị vi phạm. Và gửi email cho nhà cung cấp yêu cầu gỡ bỏ những thông tin đã đăng trái phép.

Ông Wataber Kiyotaka, Trưởng phòng Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) trình bày về những nỗ lực trong ứng phó với nạn vi phạm bản quyền và xúc tiến phân phối nội dung có bản quyền của CODA là: Dán nhãn bản quyền CJ; Liên kết thực hiện luật bản quyền; Tố cáo những cửa hàng buôn bán ấn phẩm lậu đặc biệt chuyên về các sản phẩm; Biện pháp chống phát tán bất hợp pháp. Ông cũng nêu rõ sự cần thiết của các biện pháp xử lý các vi phạm trên môi trường Internet: Lọc website vi phạm; Yêu cầu dừng hiển thị kết quả tìm kiếm trên Google; Yêu cầu dừng đăng quảng cáo; Kết nối kinh doanh; Hội thảo đào tạo; Liên kết với các cơ quan Chính phủ và cơ quan đoàn thể liên quan trong và ngoài nước; Tổ chức sự kiện hướng tới người tiêu dùng...

Hội thảo là cơ hội quý để các nhà quản lý, thực thi quyền tác giả và các quyền liên quan của Việt Nam - Nhật Bản trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích khi ứng phó với muôn vàn những vấn đề phát sinh không biên giới vô cùng phức tạp từ cộng đồng mạng và kỹ thuật số.

Đỗ Lệnh Hùng Tú

NỔI BẬT TRANG CHỦ