Vinaconex chốt thoái vốn tại An Khánh JVC, nhóm BĐS Cường Vũ và Star Invest có thể đã bán ra toàn bộ 127,46 triệu cổ phiếu

Châu Cao | 14-08-2020 - 11:46 AM

(Tổ Quốc) - Với giá thỏa thuận bằng với giá sàn 23.800 đồng/cp, giá trị chuyển nhượng cổ phiếu VCG tính riêng sáng nay lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Biến động bất thường ở cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam trong hai phiên gần đây dấy lên nghi vấn có thể nút thắt về tranh chấp lợi ích giữa các cổ đông lớn trong hai năm qua đã được tháo bỏ.

Cụ thể, trong 2 phiên gần đây cổ phiếu VCG bất ngờ xuất hiện thỏa thuận 127,46 triệu cổ phiếu (tương đương 28,85% vốn điều lệ), ngày hôm qua (13/8) thỏa thuận 21,9 triệu cổ phiếu và 105.565.000 cổ phiếu được trao tay sáng nay, chủ yếu giữa các nhà đầu tư nội.

Với giá thỏa thuận bằng với giá sàn 23.800 đồng/cp, giá trị chuyển nhượng cổ phiếu VCG tính riêng sáng nay lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Vinaconex chốt thoái vốn tại An Khánh JVC, nhóm BĐS Cường Vũ và Star Invest có thể đã bán ra toàn bộ 127,46 triệu cổ phiếu  - Ảnh 1.

Giao dịch thỏa thuận sáng nay trên sàn Hà Nội

Vinaconex chốt thoái vốn tại An Khánh JVC, nhóm BĐS Cường Vũ và Star Invest có thể đã bán ra toàn bộ 127,46 triệu cổ phiếu  - Ảnh 2.

Một điểm đáng lưu ý ở đây, là lượng giao dịch thỏa thuận này chỉ có thể xuất phát từ hai nhóm cổ đông lớn là An Quý Hưng (nắm giữ 57,71%, tương đương 254,9 triệu cổ phiếu) hoặc nhóm Bất động sản Cường Vũ nắm giữ 94 triệu cổ phiếu hoặc Đầu tư Star Invest nắm giữ 33,45 triệu cổ phiếu (tương đương 28,98% cổ phần).

Bởi các nhóm cổ đông còn lại, bao gồm các tổ chức và cổ đông nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 13,3% công ty, số lượng giao dịch 127,456 triệu cổ phần khớp từng cổ phiếu lẻ với lượng cổ phiếu mà nhóm BĐS Cường Vũ và Star Invest nắm giữ, do đó khả năng rất cao lượng giao dịch thỏa thuận 2 phiên gần đây đến từ nhóm này. Tuy nhiên chưa hề có bất kỳ thông tin nào cho thấy nhóm BĐS Cường Vũ đã nhượng bộ, hoặc cũng có thể là một động thái chuyển sang một pháp nhân khác.

Vinaconex chốt thoái vốn tại An Khánh JVC, nhóm BĐS Cường Vũ và Star Invest có thể đã bán ra toàn bộ 127,46 triệu cổ phiếu  - Ảnh 3.

Trong khi đó, không có một thông báo nào được gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đăng ký về giao dịch bán ra của các nhóm cổ đông lớn của VCG.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông gần nhất, ĐHCĐ đã thông qua tờ trình chuyển niêm yết cổ phiếu VCG sang sàn HOSE đồng thời tái cấu trúc Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh) để tìm tiếng nói thống nhất trong việc triển khai dự án. Cơ cấu vốn góp 50/50 của 2 thành viên trong An Khánh JVC gây bất lợi về mặt thời gian trong việc triển khai dự án do các vấn đề trọng yếu phải được sự đồng thuận của 2 thành viên, đó là lí do khiến dự án đình trệ thời gian gần đây. Trong bối cảnh đó, An Khánh JVC đang nợ 3.406 tỷ đồng phát sinh chi phí tài chính lớn.

Trong suốt 2 năm qua, kể từ khi SCIC và Viettel thoái vốn tại Vinaconex, tranh chấp giữa hai nhóm cổ đông lớn đã kìm hãm đà tăng trưởng của Vinaconex. 

Nếu giao dịch thỏa thuận ngày hôm nay tháo được nút thắt giữa các nhóm lợi ích, Vinaconex sẽ quay trở lại đường đua, với định hướng phát triển dựa trên kiềng ba chân là "xây dựng – bất động sản – đầu tư tài chính".

Năm 2020, Vinaconex đạt mục tiêu tổng doanh thu 9.530 tỷ đồng, bằng 96% thực hiện 2019, lợi nhuận sau thuế 820 tỷ, tăng 4% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức 12%, gấp đôi năm trước (6% bằng tiền mặt).

Sáng 14/8, trên website của mình, Vinaconex cho biết ngày 13/8/2020, Hội đồng quản trị Tổng công ty đã ban hành Quyết định số 413/2020/QĐ-HĐQT về việc tái cấu trúc phần vốn của Tổng công ty tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC). Theo đó, VINACONEX sẽ thực hiện thoái toàn bộ phần góp vốn điều lệ của VINACONEX tại An Khánh JVC.

Như vậy những mâu thuẫn giữa 2 nhóm cổ đông dường như đã khép lại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM