• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vĩnh biệt 'kiến trúc sư' công tác cán bộ

Thời sự 06/05/2020 08:38

TTO - Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, nguyên trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, một 'kiến trúc sư' trong công tác cán bộ - đã qua đời ở tuổi 90 vào chiều 3-5.

Vĩnh biệt kiến trúc sư công tác cán bộ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Hương - Ảnh: VIỆT DŨNG

Chạy chức, chạy quyền là vấn đề hết sức nan giải. Muốn chống được vấn nạn này thì trên phải nghiêm, phải trong sạch.

Ông Nguyễn Đình Hương trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ về vấn đề "chạy chức, chạy quyền", tháng 1-2018.

Nhận xét về ông Nguyễn Đình Hương, ông Lê Quang Thưởng - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương - nói ông Hương là người ngay thẳng, bộc trực và liêm khiết, đã làm công tác cán bộ hơn 50 năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo, trong đó từng làm việc trực tiếp dưới quyền ông Lê Đức Thọ - trưởng Ban Tổ chức trung ương.

"Có lẽ ảnh hưởng đức tính cũng như phong cách làm việc của ông Lê Đức Thọ, cho nên trong suốt quá trình công tác, ông Nguyễn Đình Hương luôn có trách nhiệm với công việc, luôn bình tĩnh, khách quan, thái độ thẳng thắn, cương trực.

Khi còn đương chức hay đã nghỉ hưu, ông đều góp tiếng nói về công tác lựa chọn nhân sự, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và các ý kiến này đều rất có trọng lượng" - ông Thưởng nói.

Rất thẳng thắn!

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - nhận xét ông Nguyễn Đình Hương là người "trung thành, tận tụy với Đảng, hiểu rất sâu sắc về công tác tổ chức cán bộ".

"Cả cuộc đời ông Hương luôn vì mục tiêu cao nhất đó là mục tiêu xây dựng Đảng. Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn theo sát công tác nhân sự của Đảng, luôn quan tâm, góp ý kiến với trung ương về những vấn đề về tổ chức cán bộ với quan điểm rất thẳng thắn" - ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, kể lại câu chuyện vào năm 1999, cuộc đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ gần như rơi vào bế tắc.

Khi đó lo lắng, băn khoăn nhất là vấn đề an ninh, hội nhập với Mỹ. Đây là những vấn đề rất mới, vô cùng phức tạp và không phải ai cũng hiểu hết ngọn ngành.

Vì thế, ông Hương đã gọi ông Nguyễn Đình Lương đến để trình bày và tiếp đó ông Hương giải thích rất cặn kẽ những vấn đề mọi người chưa hiểu.

Khi đó, với tư cách là trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, ông Hương triệu tập một cuộc họp gồm Ban Nội chính trung ương, lãnh đạo Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng), lãnh đạo Tổng cục 5 (Bộ Công an) và mời ông Lương lên báo cáo.

"Khi được phát biểu, tôi hỏi ông Hương: với thành phần quan trọng thế này ông bắt tôi nói "tròn mồm" hay cho "rộng miệng" (cho nói thoải mái). Ông Hương cười, "cậu cứ nói thoải mái, nói hết, nói đủ và để cho mọi người hỏi hết những điều chưa rõ!".

Được lời của ông Hương, tôi đã được nói tất tần tật những vấn đề an ninh ghi trong hiệp định. Những chỗ cần nói thêm, ông Hương đều tham gia nói lại rất rõ tinh thần hiệp định cũng như quan điểm của ông.

Thành ra cuộc họp đó đã "gỡ rối" được những thắc mắc, băn khoăn của mọi người. Xong buổi họp ông Hương vui lắm vì có lẽ ông nghĩ mình đã làm được một việc cần làm, ở một thời điểm cần thiết" - ông Lương nhớ lại.

"Kiến trúc sư", "từ điển sống" về công tác cán bộ

Nhà báo Lê Thọ Bình là người khá gần gũi với gia đình ông Nguyễn Đình Hương cho biết ông Hương và gia đình sống trong căn hộ tập thể cũ nằm sâu ở con ngõ nhỏ, ngách hẹp trên đường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội).

Ngôi nhà nhỏ của ông cũng là địa chỉ mà nhiều nhà báo tìm đến phỏng vấn mỗi khi muốn nghe quan điểm về công tác cán bộ.

Nhà báo Lê Thọ Bình cho biết khi còn sống, có lần ông Hương đã kể việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt cho ông biệt danh "kiến trúc sư" trong công tác cán bộ. Còn cố Tổng bí thư Đỗ Mười thì gọi ông là "cuốn từ điển" về công tác tổ chức.

"Có thể nói là người làm công tác tổ chức lâu năm của Đảng, ông luôn nghiêm khắc đến mức nghiệt ngã với chính mình. Không phải ông không có cơ hội có nhà cao cửa rộng" - ông Lê Thọ Bình tâm sự.

Theo ông Bình, những người từng làm việc và quen biết ông Hương lâu năm đều có chung nhận xét, ông "rất khó mua chuộc".

Có lần trong lúc "trà dư tửu hậu", ông bảo không phải ít lần có tổ chức, cả những cá nhân gợi ý bố trí biệt thự cho ông ở Hà Nội, TP.HCM, thậm chí cả Vũng Tàu, nhưng ông đều từ chối.

Ông Nguyễn Đình Hương đã từng nói rất thẳng thắn về chạy chức, chạy quyền trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ như sau: "Chạy chức, chạy quyền bây giờ phổ biến, rầm rộ, trắng trợn, táo tợn, cấp nào cũng có, ngành nào cũng có...

Chạy chức, chạy quyền giờ không chỉ phổ biến ở trước các kỳ đại hội, mà sau đại hội cũng vẫn diễn ra gần như công khai, trắng trợn. Chạy không còn là vấn nạn nữa mà đang thực sự trở thành phổ biến đối với đất nước và Đảng ta...".

Lễ truy điệu ngày 8-5

Ông Nguyễn Đình Hương, sinh năm 1930, quê quán Nghệ An. Ông tham gia cách mạng, gia nhập ngành quân giới Quân khu Bình - Trị - Thiên. Năm 1952, ông được điều ra công tác ở Tuyên Quang. Năm 1956, ông được điều về Ban Tổ chức trung ương và làm việc tại đây cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu.

Ông là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa VI và VII, gần trọn đời ông gắn với công tác tổ chức của Đảng (từ năm 1956 đến khi nghỉ hưu, trên cương vị phó trưởng Ban Tổ chức trung ương).

Ngày 11-5-2018, ông Nguyễn Đình Hương cùng vợ là bà Trương Thị Xin (cũng sinh năm 1930), nguyên giám đốc Xí nghiệp may Chiến Thắng, được trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Do mắc bệnh hiểm nghèo, ông qua đời chiều 3-5. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức sáng 8-5 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), chiều cùng ngày an táng tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội).

Theo TTO

NỔI BẬT TRANG CHỦ