Vntrip và những cú "twist" bất ngờ: Đi B2C vì muốn thành ‘Agoda Việt Nam’, chuyển sang B2B để sinh tồn, giờ làm cả B2C với dịch vụ đặt phòng theo giờ

Quỳnh Như | 03-12-2020 - 10:59 AM

(Tổ Quốc) - Sau thời gian cảm thấy không thể đấu lại được cùng những đối thủ trong mảng OTA B2C đến từ nước ngoài, VNTrip đã chuyển hướng qua mảng B2B, thông qua việc giúp các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số. Tuy nhiên, startup này chưa bao giờ quên mảnh đất màu mỡ B2C, khi mới mua lại Quickstay – nền tảng đặt phòng theo giờ.

Vntrip - startup du lịch Việt Nam vừa gọi thành công 7 triệu USD trong vòng huy động vốn mở rộng Series B. Như vậy, kể từ năm 2014 đến nay, Vntrip đã huy động được tổng cộng 20 triệu USD. Các nhà đầu tư vòng trước đó bao gồm: John Wu, cựu giám đốc công nghệ của Alibaba Group, Hendale Capital có trụ sở tại Hong Kong; công ty đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding và những nhà đầu tư khác. Vntrip hiện được định giá 45 triệu USD.

Trước khi đại dịch xảy ra, Vntrip đã nhận được một số đề nghị mua lại nhưng founder của startup này khẳng định công ty đang hướng đến mục tiêu đạt lợi nhuận vào năm 2021 và có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Để đi được đến như ngày hôm nay, startup này đã trải qua rất nhiêu thăng trầm trong suốt 6 năm hành thành và phát triển, thậm chí còn phải thay đổi mô hình kinh doanh, từ B2C sang B2B để tiếp tục sinh tồn.

"Ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên của Vntrip chính là muốn hoạt động trong mảng đặt phòng khách sạn online (OTA) B2C và trở thành ‘Agoda của Việt Nam’, có dịch vụ tốt hơn các công ty Việt Nam thời điểm đó.

Khi Vntrip đang chập chững những bước đầu tiên trên hành trình của mình, rất nhiều đơn vị OTA ở nước ngoài ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Rõ ràng họ giỏi hơn và nhiều tiền hơn chúng tôi, có nhiều đổi mới sáng tạo hơn. Thế nên, chúng tôi buộc phải tìm con đường khác.

Trong quá trình làm việc với các đối tác trong ngành du lịch, chúng tôi nhận thấy nhu cầu chuyển đổi số của họ rất cao. Vì vậy, chúng tôi chuyển sang B2B, giúp họ đổi mới sáng tạo hay nôm na là chuyển đổi số. Ví dụ: chúng tôi có thể giúp các công ty bán vé máy bay hoạt động với chi phí rẻ hơn và hiệu quả hơn.

Và vì sản phẩm của chúng tôi tốt ,nên nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch khi đi tìm nhà cung cấp giải pháp, đã tìm đến với chúng tôi. Nhà đầu tư tin chúng tôi làm được, nên họ đã rót tiền đầu tư vào Vntrip với suy nghĩ ‘nếu đã làm B2B tốt thì làm thôi’. Trong Covid-19, vì muốn tiết kiệm chi phí, khả năng các doanh nghiệp du lịch Việt ký với chúng tôi càng cao hơn", founder và CEO Vntrip Lê Đắc Lâm tiết lộ về quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh của họ.

Vntrip và những cú twist bất ngờ: Đi B2C vì muốn thành ‘Agoda Việt Nam’, chuyển sang B2B để sinh tồn, giờ làm cả B2C với dịch vụ đặt phòng theo giờ - Ảnh 1.

Founder và CEO Vntrip - Lê Đắc Lâm

Có thể nói, chính mảng B2B này đã giúp Vntrip thành công kêu gọi vốn ở mùa đại dịch, trong khi những doanh nghiệp OTA tại Việt Nam và cả thế giới đang lao đao lận đận. Theo nhiều nguồn tin, mảng OTA của startup này vẫn đang lỗ. 

Trước đây, lúc mới khởi nghiệp, Vntrip chỉ quan tâm đến đối thủ cạnh tranh – đó có thể là lý do khiến họ tổ chức sự kiện tố cáo ‘Agoda trốn thuế tại Việt Nam’. Bây giờ, startup này lại quan tâm đến khách hàng hơn cả.

Theo ông Lê Đắc Lâm, trước đây, mục tiêu của Vntrip là tốt hơn đối thủ, bây giờ mục tiêu của họ là ngày càng làm khách hàng hài lòng hơn. Cụ thể: họ luôn chú tâm xây dựng sản phẩm để giúp hành trình trải nghiệm khách hàng của đối tác tốt hơn; xây dựng cả sản phẩm lai giữa online lẫn offline vì nhiều khách hàng muốn thế, nên Vntrip phải tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

"Nếu chúng ta chỉ tập trung vào đối thủ cạnh tranh, rồi khi đoạt được ngôi vị số 1 thì sao? Lúc đó chúng ta sẽ không còn cột mốc nào để hướng đến nữa?! Còn nếu chúng ta theo khách hàng, hành trình tiến bộ của chúng ta sẽ không bao giờ ngừng.

Thế nên, một trong những văn hóa của Vntrip là phải luôn lắng nghe khách hàng, nhằm hiểu rõ những ‘nỗi đau’ của họ. Chỉ khi nhân viên yêu khách hàng, chăm sóc khách hàng cẩn thận thì họ mới có những thứ hay ho và chính xác để báo cáo với tôi. Tư duy xuyên suốt của các nhân viên Vntrip là phải chăm sóc khách hàng ngày một tốt hơn; bởi ngược lại, khách hàng sẽ bỏ đi", CEO Vntrip chia sẻ tiếp.

Dù đã phải xoay chuyển rất nhiều để tồn tại đến ngày hôm nay, song ông Lê Đắc Lâm cho biết, ông không cảm thấy hối hận vì đã khởi nghiệp từ ý tưởng xưa cũ kiểu muốn trở thành ‘Agoda Việt Nam’ như thế. Bởi nếu không xông vào ngành du lịch, hẳn Vntrip không trở thành một nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín trong ngành du lịch như hiện tại và sống tốt bất chấp đại dịch.

"Cách đây 6 năm, lúc gặp anh Minh Beta (founder và CEO Beta Group), khi nghe tôi trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình, anh Minh đã nhận định rằng: đây là mảng rất khó để khởi nghiệp vì một người bạn của anh đã làm và thất bại. Tuy nhiên, tôi vẫn không nghe và đâm đầu vào làm, rồi thất bại và chuyển sang mảng chuyển đổi số như chia sẻ ở trên. Theo tôi, lúc đó lời khuyên của anh Minh đúng và bây giờ vẫn đúng. Nhưng nếu tôi không làm thì đã không có Vntrip như bây giờ", anh Lê Đắc Lâm khẳng định.

Thực tế, vị founder này chưa bao giờ thật sự từ bỏ phân khúc B2C của mảng OTA. Thế nên, mới đây Vntrip đã mua lại ứng dụng QuickStay. Ông Lâm tin rằng QuickStay sẽ làm nên chuyện vì chưa ai làm ngách này tại Việt Nam. QuickStay sẽ là 'màn phục thù' của Vntrip ở mảng OTA?

QuickStay lấy cảm hứng từ mô hình đặt phòng Yanojla của Hàn Quốc. Công ty được định giá đến một tỷ USD trong năm 2019. Tại Việt Nam, startup QuickStay cho phép người dùng tự động hóa toàn bộ quá trình đặt phòng theo giờ. Hiện trong hệ thống của Quickstay đã có 1.000 nhà nghỉ và khách sạn, gần 130.000 lượt tải ứng dụng, hơn 70.000 người dùng đăng ký và sử dụng ứng dụng để đặt phòng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM