• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang và nỗi nhớ không nguôi về Xô Viết

Thể thao 18/02/2018 11:32

(Tổ Quốc) -Không chỉ là một trong những lãnh đạo chủ chốt của  Ủy ban Olympic châu Á, Ủy ban Olympic Việt Nam, võ sư Hoàng Vĩnh Giang còn được biết đến là một võ sư danh tiếng được bạn bè, môn sinh ở cả Liên Xô cũ và Việt Nam tôn sùng.

Kỉ niệm về một thời huy hoàng

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang là con trai của cố GS Hoàng Minh Giám, người đã từng được giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước ta ngay từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ông không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần và trí tuệ mà người cha đã để lại mà ngay từ bé đã bộc lộ rất rõ năng khiếu thể thao.

“Tôi được học võ từ nhỏ nhưng tập rất là nhiều môn võ một lúc. Khởi đầu bằng quyền anh boxing tiếp đó thì tập một số võ cổ truyền Việt Nam. Sau đấy thì thông qua một số tư liệu, tài liệu từ miền Nam đưa ra miền Bắc thì nghiên cứu thêm về các thuyết âm dương, rồi thì tập một số phương pháp luyện tập nội công. Với những tài liệu ấy quả thực là quý giá vô cùng vì lúc đó ngoài Bắc rất là hiếm những sách như vậy. Sau đó tôi có cơ duyên được gặp hai thầy môn phái Vịnh Xuân là thầy Nguyễn Xuân Thi và thầy Trần Thúc Tiển được chính tôn sư Tế Công chỉ dạy. Hai thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều để có thể trở thành như bây giờ. Từ những năm 1954, thầy tôi đã đi trong Nam ngoài Bắc để tìm hiểu về nhiều loại võ học. Không chỉ là một người giỏi võ, người thầy đáng kính của tôi còn chữa bệnh giúp cho những con người ốm đau trở lại khỏe mạnh. Tôi hết sức khâm phục thầy và luôn coi thầy là tấm gương để mình học tập và noi theo"- Võ sư Hoàng Vĩnh Giang chia sẻ.

Tuy nhiên, theo võ sư Hoàng Vĩnh Giang, võ học là một biển cả mênh mông nên ông đến với đất nước Liên Xô để học tập và rèn luyện với tư cách là một nghiên cứu sinh môn điền kinh.

"Tôi vẫn nhớ mãi cột mốc ấy đó là năm 1978. Quả thực sang xứ người nhưng tôi cảm thấy như được ở nhà vậy. Con người Liên Xô hiền hậu, chu đáo, ân cần và rất là mến khách. Bản thân tôi nghĩ trong tâm mình là phải truyền dạy một cái gì đó để đáp lại tình cảm của con người nơi đây. Vì vậy tôi đã quyết định mở một lớp võ ở đây để lưu lại những kỉ niệm đẹp này. Ban đầu tôi mở lớp dậy võ không phải để kiếm tiền, mà chỉ là đam mê và muốn vừa tìm người cùng tập để tự nâng cao phản xạ sự biến hóa về đòn thế vừa có thể truyền lại cho mọi người ở bên đó Vịnh Xuân quyền Việt Nam.  Chuyện dạy võ của tôi sau đó lan truyền rất nhanh. Có những học trò đến từ Leningrad ở lại cả tuần lễ, thuê phòng trọ bên ngoài hoặc phòng ở ký túc Học viện Thể dục thể thao Kiev để theo học. ” – ông Hoàng Vĩnh Giang kể lại.

Người thầy đáng kính

Năm 1981 tại Liên Xô, ông Giang tốt nghiệp nghiên cứu sinh Học viện Thể dục thể thao Kiev với tấm bằng đỏ. Trong thời gian 3 năm học tại Liên Xô, võ sư Hoàng Vĩnh Giang đã tiết kiệm được khoảng 15 cây vàng nhờ vào việc đi dạy võ. Ngay sau khi về Việt Nam, ông đã quyên góp hết từng ấy cây vàng mà mình có cho ngành thể dục thể thao nước nhà để mua thêm trang thiết bị cho các VĐV.

Ông Hoàng Vĩnh Giang và các môn đồ

Không những thế, võ sư Hoàng Vĩnh Giang còn mang theo môn đấu kiếm ở nước bạn về truyền dạy ở Việt Nam.

“Tôi rất biết ơn người thầy đáng kính của tôi bên đất nước Liên Xô năm ấy. Thầy tên là Volađimia Nhikolaievich Platonnov, Hiệu trưởng của Học viện Thể dục thể thao Kiev. Chính thầy là người  chủ lực nói với các ban, các khoa trong trường Kiev dồn các trang thiết bị dụng cụ dạy, tập luyện thể thao cho tôi mang về Việt Nam. Tôi trở lại Việt Nam mở một lớp học hoàn toàn bằng những trang thiết bị, dụng cụ mang về từ Liên Xô và có khoảng 200 học sinh theo học đều nhờ vào công ơn của người thầy đáng kính ấy. Quả thực tôi nhớ và biết ơn những con người Xô Viết ấy nhiều lắm…” – ông Giang cho biết.

Có thể thấy võ sư Hoàng Vĩnh Giang vô cùng trân trọng những con người Liên Xô ấy. Chính họ đã phần nào đó làm con người ông Giang trở lên kiệt xuất như bây giờ. Thể thao Việt Nam sẽ mãi biết ơn ông Giang cũng như Học viện Thể dục thể thao Kiev đã đào tạo được một học viên ưu tú đến như vậy.

Ông Hoàng Vĩnh Giang là một nhà hoạt động thể thao nổi tiếng tại Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam. Thời trẻ, ông Hoàng Vĩnh Giang là nhà vô địch nhảy cao với thành tích 1m96. Khi sang Liên Xô (cũ) học ở Học viện Thể dục thể thao Kiev, cùng đợt với cựu danh thủ Trần Duy Long, ông Hoàng Vĩnh Giang mạnh dạn sử dụng kỹ thuật mới để vượt qua mức xà 2m01, cao hơn đầu mình đến 32cm. Thể thao Hà Nội dưới sự dẫn dắt của ông Hoàng Vĩnh Giang đã đạt được những thành tích đáng trân trọng tại SEA Games 22, SEA Games 23 ở các môn mũi nhọn như thể dục dụng cụ , wushu, điền kinh, taekwondo, judo, vật, boxing, đấu kiếm...

 

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ