• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vodka, tắm hơi và không chịu phong toả: Hệ quả gì cho những nước "một mình một kiểu" trong cuộc chiến với COVID-19?

Thế giới 08/04/2020 14:02

(Tổ Quốc) - Nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia chọn đi theo con đường khác biệt so với số đông.

Vodka và tắm hơi

Tổng thống Belarus đã khuyến khích người dân uống rượu vodka và thường xuyên tắm hơi để phòng chống COVID-19. Ông Alexander Lukashenko thậm chí còn gọi nỗ sợ hãi trước virus là "tâm thần".

Vị tổng thống 65 tuổi từ chối phong tỏa đất nước và quyết định để cuộc sống diễn ra như thường nhật. Bản thân ông còn tham gia một cuộc đấu khúc côn cầu trên băng vào cuối tháng 3.

Giải ngoại hạng Belarus là giải bóng đá duy nhất tại châu Âu còn hoạt động, do đó đã nhận được sự quan tâm lớn từ Anh và các nước khác trong thời gian gần đây. Theo thống kê chính thức, Belarus có 13 trường hợp tử vong, tuy nhiên, con số này đang vấp phải nhiều nghi ngờ từ chính người dân địa phương. Hơn 150.000 người Belarus đã cùng ký vào lá đơn kêu gọi tiến hành các biện pháp cách li và giới hạn di chuyển trên toàn quốc.

"Chúng tôi cần khẩn cấp cách li. Chúng tôi đòi hỏi được cách li. Chúng tôi muốn sống", lá đơn kêu gọi viết.

Vodka, tắm hơi và không chịu phong toả: Hệ quả gì cho những nước "một mình một kiểu" trong cuộc chiến với COVID-19? - Ảnh 1.

Người dân Belarus vẫn có thể tới SVĐ xem bóng đá (ảnh: getty)

Phản đối phong toả

Thuỵ Điển là thành viên duy nhất thuộc EU vẫn chưa thực hiện phong tỏa đất nước. Quốc gia Bắc Âu thi hành một chiến lược nới lỏng hơn khi đối phó với COVID-19. Thay vì đóng cửa, các quán bar, cafe và nhà hàng tại Thụy Điển vẫn hoạt động.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven kêu gọi mọi người dân nâng cao trách nhiệm và chỉ người cao tuổi hay dễ tổn thương được yêu cầu tự cách li và ở nhà. Gần đây Thụy Điển cũng áp dụng một số biện pháp hạn chế như cấm tụ tập hơn 50 người (lệnh cấm trước đó là hơn 500 người) và chỉ quán ăn được phép phục vụ khách tại chỗ.

Tuy nhiên, số người thiệt mạng do COVID-19 tại Thụy Điển đã tăng từ 239 người vào ngày ¼ lên 591 người vào ngày 7/4. Thái độ của Thủ tướng Lofven đã thay đổi vào cuối tuần trước khi ông cảnh báo, đất nước sẽ đối mặt với "hàng ngàn" trường hợp tử vong. Chính quyền cũng được giao thêm thẩm quyền để đóng cửa sân bay, nhà ga, cửa hàng và doanh nghiệp mà không cần tới sự thông qua từ Quốc hội.

Quay trở lại cuộc sống bình thường

Đối lập với Thụy Điển, Đan Mạch đang lên kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa với tốc độ từ từ. Ngày 6/4, Thủ tướng Mette Frederiksen cho hay, các trường học sẽ được tái mở cửa từ ngày 15/4 nếu số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 giữ được ở mức ổn định.

Đan Mạch là nước thứ hai ở châu Âu – chỉ sau Italy, áp dụng lệnh phong toả. Trường học, nhà hàng, quán ăn và quán cafe bị đóng cửa từ giữa tháng 3. Mặc dù các hạn chế không nghiêm ngặt như ở Anh (nơi người dân chỉ được phép rời nhà 1 lần trong ngày để tập thể dục hoặc mua sắm nhu yếu phẩm), số người phải nhập viện vì COVID-10 đã giảm vào tuần trước và số người chết không tăng cao.

Quyết định dỡ phong tỏa được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế khởi động lại. Bà Frederiksen cho hay, động thái này là "một lựa chọn mang tính chính trị".

Cũng trong tháng 4, Áo sẽ giảm bớt một số biện pháp phong tỏa khi cho phép các cửa hàng nhỏ được mở cửa từ ngày 14/4 và tất cả cửa hàng được tái hoạt động từ ngày 1/5.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ