• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông

Du lịch 28/11/2020 20:56

(Tổ Quốc) - Từ Lithuania cho tới Đài Loan, đừng bỏ qua những truyền thống kỳ lạ nhưng cũng không kém phần đặc sắc chỉ có trong mùa đông lạnh giá.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 1.

Cho động vật ăn vào mùa đông

Lithuania

Vào những ngày lạnh nhất trong năm, người dân Luthuania thường thực hiện một truyền thống lâu đời đó là đi ra ngoài thiên nhiên và cho động vật hoang dã như hươu, thỏ, chồn… ăn. Các thực phẩm bao gồm khoai tây, cỏ khô, rau củ quả. "Chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm đối với thiên nhiên", bà Renata Stanaityte – một nông dân Lithuania nói.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 2.

Tụ tập làm kim chi

Hàn Quốc

Hàng năm vào cuối tháng Mười một hoặc đầu tháng Mười hai, các gia đình, bạn bè và nhiều cộng đồng dân cư trên khắp Hàn Quốc thường tự tập cùng làm kim chi và coi đó là một nghi thức chào đón mùa đông quay trở lại. Là món ăn "quốc dân" của Hàn Quốc, quá trình làm kim chi là một công việc vất vả và đòi hỏi nhiều công sức tập thể. UNESCO từng tuyên bố, kim chi "tái khẳng định bản sắc của người dân hai miền Triều Tiên và là một cơ hội tuyệt vời để gia tăng tình cảm gia đình". Năm 2013, kim chi đã có tên trong danh sách Di sản Phi vật thể của UNESCO.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 3.

Lễ hội Þorrablót

Iceland

Þorrablót là một lễ hội diễn ra vào giữa mùa đông tại Iceland và có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước. Ngày nay, vào mùa lễ hội, người dân thường chuẩn bị các món ăn truyền thống như sviðakjammi (đầu cừu muối còn nguyên mắt), súr hvalur (mỡ cá voi) hay hákarl (cá mập Greenland lên men)…

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 4.

Tắm trong bồn tắm quýt

Nhật Bản

Người dân Nhật rất biết cách "chiều" bản thân vào mùa đông khi tắm trong bồn tắm có thả những trái quýt yuzu vàng óng. Quýt có thể để cả quả hoặc cắt nửa và đặt trong một túi vải để hương thơm và tinh chất lan tỏa ra từ từ. Hương và tinh dầu yuzu được cho là sẽ giúp xua tan sự lạnh lẽo và đem lại sự thư giãn cho cả cơ thể và tâm hồn. Bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 18, thói quen này còn giống như một nghi lễ đem lại may mắn cho năm mới.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 5.

El Caganer

Barcelona, Tây Ban Nha

Những du khách đến Barcelona có thể ngạc nhiên khi bắt gặp ở đâu đó một "nhân vật" đặc biệt đang tụt quần, thậm chí có đống phân phía sau. Đó chính là El Caganer – một "nhân vật đã xuất hiện tại thành phố từ đầu thế kỷ 18. Không ai biết được nguồn gốc thực sự của El Caganer. Có người tin rằng, mục đích của El Caganer tượng trưng cho mong muốn trái đất phì nhiêu, đất đai màu mỡ còn người khác lại coi đó là một biểu tượng của sự may mắn. Mặc dù El Caganer truyền thống được miêu tả là một người đàn ông (làm nghề nông hoặc chăn cừu) nhưng ngày càng có nhiều phiên bản khác nhau dựa trên những gương mặt nổi tiếng từ nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg cho tới anh hùng "bựa" Deadpool, thậm chí cả Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 6.

Lễ hội Đông chí

Đài Loan

Trung Quốc và các láng giềng Đông Á như Hàn Quốc và Nhật Bản đều có truyền thống tổ chức Lễ hội Đông chí khởi điểm từ hàng nghìn năm trước. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực có các tập tục Tết Đông chí khác nhau. Tại Đài Loan, trong bữa tối Tết Đông chí thường có món lẩu cừu hoặc vịt (nhằm xua đuổi đi không khí lạnh mùa đông) và chè bánh trôi nước ăn nóng. Lễ hội Đông chí được coi là một dịp quan trọng để gia đình tụ họp và cùng tưởng nhớ tới tổ tiên.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 7.

Cuộc thi mọc râu

Manitoba, Canada

Râu là một yếu tố quan trọng của Festival du Voyageur – một lễ hội kéo dài trong 10 ngày tại Winnipeg nhằm tôn vin các di sản Pháp và quá khứ buôn bán đồ lông trong khu vực. Cuộc thi mọc râu là sự kiện lâu đời và được yêu thích nhất của lễ hội. Râu – với mọi độ dài, hình dáng, phong cách đều được hoan nghênh tham dự cuộc thi, tuy nhiên phần lớn giải thưởng đều thuộc về những người sở hữu các bộ râu "điên rồ" và kỳ quặc nhất.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 8.

Đặt em bé ở bên ngoài

Phần Lan và các nước Bắc Âu

Các quốc gia Bắc Âu được biết đến với những ngày tối sớm và có nhiệt độ rất thấp trong mùa đông. Vì vậy người dân nơi đây đã "phát minh" ra những cách thú vị để thích ứng với cuộc sống bên ngoài cho dù thời tiết có lạnh tới đâu. Có thể kể ra một số ví dụ như bơi trong hồ nước đóng băng, trượt tuyết trong các công viên giữa thành phố và để trẻ em ngủ bên ngoài. Các bà mẹ tại Đan Mạch và Phần Lan tin rằng, không khí se se lạnh, thoáng đãng ngoài trời có thể giúp cho các em bé ngủ ngon hơn, chóng thèm ăn hơn, thậm chí là có nhu cầu vệ sinh cá nhân thường xuyên hơn. Một nghiên cứu của Phần Lan còn chỉ ra, nhiệt độ lý tưởng cho một giấc ngủ sâu là từ -26 tới 5 độ C.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 9.

Chơi Tombola

Miền nam Italy

Tại miền nam nước Ý, tombola đồng nghĩa với những buổi tối tụ họp gia đình tràn ngập tiếng cười và niềm vui trong các kỳ nghỉ. Trò chơi này rất phổ biển tại những vùng như Puglia, Basilicata và Campania trong khoảng thời gian từ Đêm Giáng sinh tới Lễ Hiển linh (6/1).

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 10.

Lễ hội Lohri

Bắc Ấn Độ

Xuất phát điểm là một lễ hội ăn mừng mùa gặt tại bang Punjab, giờ đây Lễ hội Lohri được tổ chức ở khắp miền bắc Ấn Độ và cả những nơi có cộng đồng người Punjab sinh sống. Thường diễn ra vào giữa tháng Một, các hoạt động chính của Lễ hội Lohri là hát và nhảy múa, ăn vận trang phục sặc sỡ và cũng thưởng thức những món ăn truyền thống.

Vòng quanh thế giới: Những truyền thống kì lạ nhất trong mùa đông - Ảnh 11.

Kukeri

Bulgaria

Kukeri là một truyền thống có lịch sử hàng nghìn năm của Bulgari. Các nhóm đàn ông và phụ nữ đeo mặt nạ có hình thù dữ tợn và mặc trang phục làm từ lông, da động vật – càng xấu, càng tốt – và cùng nhau nhảy múa để xua đuổi các linh hồn quỷ dữ. Trong quá khứ, những người này thường đến từng nhà múa, nhưng ngày nay điệu nhảy chủ yếu chỉ được trình diễn trên sâu khấu lễ hội hoặc tại một khu vực nhất định tại mỗi thành phố.

Minh Đức

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ