• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ bị cáo tự tử sau khi tòa tuyên án: Nhiều tình tiết được chuyên gia pháp luật "mổ xẻ"

Thời sự 02/06/2020 16:53

(Tổ Quốc) - Nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng nhận định trên Thanh niên online, tội phạm trong vụ án liên quan ông Lương Hữu Phước được hình thành bởi lỗi hỗn hợp.

"Điểm đụng" giữa xe Lâm Tươi và xe bị cáo Lương Hữu Phước

Ông Lê Văn Uy (Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước) cho VOV biết, sau vụ việc ông Lương Hữu Phước (ở phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài) nhảy từ lầu 2 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tự tử sau khi tòa tuyên án 3 năm tù, các ngành chức năng của tỉnh đang làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh. Tỉnh Bình Phước sẽ thông tin cho báo chí khi có kết quả.

TAND Tối cao cũng đã yêu cầu TAND tỉnh Bình Phước báo cáo và rút hồ sơ để xem xét. "Sau khi ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong tại TAND tỉnh Bình Phước và dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án này, lãnh đạo TAND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước báo cáo toàn bộ vụ án để xem xét toàn diện, khách quan vụ việc", lãnh đạo TAND Tối cao thông tin với báo Người lao động.

Nhiều tình tiết của vụ tai nạn giữa ông Phước và Lâm Tươi được chuyên gia pháp luật "mổ xẻ".

Trao đổi với Tuổi trẻ online, một thẩm phán đang công tác tại TP.HCM cho rằng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định điểm va chạm đầu tiên là điểm đầu của vết cà, cách lề chuẩn khoảng 2,2m. Đường này có mặt rộng 7m thì một chiều đường rộng 3,5m, khi xảy ra tai nạn, đầu xe ông Phước đã sang làn đường bên kia, cách tim đường khoảng 1,3m. Điểm đụng của xe Lâm Tươi được xác định là vào phần bugi xe ông Phước.

Vị thẩm phán này nói cần phải xem xét rất kỹ lời khai của Lâm Tươi để xác định nguyên nhân vụ tai nạn.

"Bởi nếu Tươi đã phát hiện xe của ông Phước từ cách đó 50m thì phải giảm tốc độ, quan sát mặt đường dù Tươi đang lưu thông trên chiều ưu tiên để xem xét có lỗi hay không của cả hai người. Tuy nhiên các bản án đều không đề cập đến lời khai này của Tươi", Tuổi trẻ online dẫn lời vị thẩm phán.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện KSND TP.HCM) phân tích trên Thanh niên online, cần xác định chính xác lỗi từng người (bị cáo Phước và Lâm Tươi) để đưa ra hướng xử lý phù hợp.

"Nguyên tắc khi lưu thông phải ưu tiên cho người đi đúng phần đường của họ. Sơ đồ hiện trường thể hiện vị trí tai nạn là 2m cách lề phải, tức phần lỗi thuộc về bị cáo. Nhưng đối với Lâm Tươi, HĐXX cũng cần phải làm rõ người này đi với tốc độ như thế nào, có đi đúng phần đường hay không, niềng xe của Lâm Tươi cong vòng thì phải làm rõ, do tốc độ hay chất lượng niềng xe", Bà Nhuệ phân tích với PV Thanh niên.

Cũng theo bà Nhuệ, theo lời khai của bị cáo Phước, Lâm Tươi, nhân chứng thì ông Phước sang đường chậm. Do vậy, cần đặt vấn đề nếu Lâm Tươi đi đúng tốc độ cho phép và quan sát, thì khi phát hiện xe ông Phước sẽ tránh kịp thời. Bà nói cần đánh giá cả lỗi của người bị hại (nạn nhân Trần Hữu Quý - PV) trong vụ án này.

Vụ bị cáo tự tử sau khi tòa tuyên án: Nhiều tình tiết được chuyên gia pháp luật mổ xẻ - Ảnh 1.

Xe Lâm Tươi (bên trái) sau va chạm với xe ông Phước. (Ảnh: VOV)

Nguyên thẩm phán TAND tối cao nhận định: Tội phạm trong vụ án này được hình thành bởi lỗi hỗn hợp

Cũng theo Thanh niên online, nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng cho rằng, tội phạm trong vụ án này được hình thành bởi lỗi hỗn hợp. Cụ thể, bị cáo Phước và Lâm Tươi đều có nồng độ cồn khi điều khiển xe, ông Phước có thêm lỗi “không quan sát” còn Lâm Tươi không có giấy phép lái xe. Bị hại cũng có lỗi là đưa tay lên tay và vai của ông Phước khi ông này đang điều khiển xe máy sang đường.

Nguyên thẩm phán TAND tối cao nhận định, cấp sơ thẩm lần 2 và kể cả cấp phúc thẩm lần 2 không đánh giá hỗn hợp lỗi của Lâm Tươi và lỗi của bị hại để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phước là không khách quan.

"Hơn nữa, chủ tọa khẳng định ông Phước sang đường không quan sát, vì nếu quan sát thì Tươi không thể đâm xe vào xe của ông Phước là rất phiến diện, suy diễn. Nếu có xảy ra trường hợp này, HĐXX cần đánh giá dựa trên chứng cứ chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng", báo Thanh niên ghi lại lời ông Phạm Công Hùng.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích trên Zing.vn, khi xử lý hình sự vụ án về tai nạn giao thông, cơ quan tố tụng phải làm rõ lỗi "cứng" và lỗi "mềm". Ở đây lỗi "cứng" của ông Phước và Lâm Tươi là có nồng độ cồn, riêng Tươi còn không có giấy phép lái xe; Lỗi "mềm" vẫn còn tranh cãi vì không xác định được tốc độ xe của Lâm Tươi.

"Khi có người chết và khởi tố vụ án thì những người điều khiển giao thông va vào nhau có lỗi đều phải bị khởi tố. Trong vụ án này, cơ quan điều tra không khởi tố bị can với Lâm Tươi là bỏ lọt tội phạm", luật sư Dũng nói với Zing.vn.

Dựa vào lời khai của Lâm Tươi tại tòa là khi cách 50 m có nhìn thấy ông Phước qua đường, "lúc chạy gần tới nơi cách 5 m thì ông Phước qua đường gấp nên tôi không xử lý kịp", luật sư Dũng nhận định, Lâm Tươi đã không tập trung quan sát về phía trước.

Cùng phân tích về vụ án, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói với PV Zing.vn, nếu nhận định rằng ông Phước không quan sát dẫn tới va chạm thì chưa đầy đủ, thuyết phục. Vì kể cả ông Phước có quan sát cũng không xử lý kịp được tình huống người lái xe tốc độ cao lao tới mình, gây tai nạn.

"Điểm chưa được làm rõ trong vụ án là tại sao người có nồng độ cồn cao, không có giấy phép lái xe nếu có quan sát lại có thể va chạm xe ông Phước đang chở người bạn dẫn tới một người tử vong? Theo hiện trường cơ quan điều tra thu thập thể hiện điểm va chạm của xe Lâm Tươi vào phần đầu bugi máy xe ông Phước, tức là xe anh Tươi đâm gần ngang xe ông Phước. Đây là điểm mấu chốt cần thực nghiệm điều tra làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án", nguồn trên dẫn phân tích của luật sư Nguyễn Văn Quynh.

(Tổng hợp)

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ