Vũ khí bí mật của PlayStation: Một nhà máy sản xuất gần như tự động hoàn toàn

Nguyễn Hải | 04-07-2020 - 15:06 PM

(Tổ Quốc) - Hầu như mọi công đoạn của nhà máy sản xuất PlayStation này đều được tự động hóa, con người chỉ can thiệp vào 2 công đoạn, đưa bản mạch vào và đóng gói sản phẩm cuối.

Kể từ khi ra mắt vào năm 1994, máy chơi game PlayStation của Sony đã bán được hàng trăm triệu chiếc trên toàn cầu. Nhưng chỉ một vài người biết được thành công này có được sự đóng góp như thế nào từ một nhà máy của họ trong vùng vịnh của Tokyo.

Tại vùng ngoại vi Kisarazu, khu nhà văn phòng với tòa tháp cao lớn nổi bật giữa cảnh quan của vùng ngoại ô. Nhưng khi vào bên trong, du khách sẽ được chào đón bởi tiếng rít từ động cơ của hàng chục con robot khác nhau đang lắp ráp nên những chiếc máy chơi game PlayStation 4.

Vũ khí bí mật của PlayStation: Một nhà máy sản xuất gần như tự động hoàn toàn - Ảnh 1.

Nhà máy tại Kisarazu là nhà máy sản xuất chiếc PlayStation từ phiên bản đầu tiên vào năm 1994 cho đến nay.

Cả nhà máy này chỉ có sự hiện diện của một vài người trong đó để làm một số việc không mấy quan trọng – hai người để đặt các bản mạch vào dây chuyền sản xuất và hai người khác để đóng gói máy chơi game hoàn thiện.

Nhưng mọi công đoạn còn lại trong nhà máy lắp ráp này được thực hiện bởi các robot do hãng Mitsubishi cung cấp. Được hoàn thiện vào năm 2018, giờ đây dây chuyền sản xuất dài 31,4 mét này có thể lắp ráp được một chiếc máy PlayStation 4 sau mỗi 30 giây.

Nhà máy Kisarazu này được vận hành bởi Sony Global Manufacturing $ Operations, hay SGMO, bộ phận phụ trách sản xuất của tập đoàn Sony. Bộ phận này hợp tác với bộ phận phát triển trò chơi Sony Interactive Entertainment để đưa các công nghệ tiên tiến nhất vào cơ sở sản xuất này.

Vũ khí bí mật của PlayStation: Một nhà máy sản xuất gần như tự động hoàn toàn - Ảnh 2.

8 chip nhớ xung quanh con chip xử lý chính trên PlayStation 4.

Một trong những thành tự nổi bật của nhà máy này là việc sử dụng các robot để gắn các sợi dây, dải băng và các linh kiện dẻo khác vào máy chơi game. Có đến 26 trong tổng số 32 robot tại nhà máy Kisarazu được dành riêng cho nhiệm vụ này, một công việc đòi hỏi các kỹ năng khéo léo mà hầu hết robot sẽ thấy quá khó khăn để có thể làm được.

Ví dụ, để gắn một sợi cáp phẳng và dẻo, giống như một tấm băng dính, vào bản mạch máy chơi game, sẽ cần đến một cánh tay robot để giữ sợi cáp và một cánh tay robot khác để xoắn nó lại. Sợi cáp sau đó sẽ cần được gắn theo một hướng nhất định với một lực vừa phải – một điều đơn giản với con người nhưng lại cực kỳ phức tạp đối với robot.

Vũ khí bí mật của PlayStation: Một nhà máy sản xuất gần như tự động hoàn toàn - Ảnh 3.

Các ngón tay robot khéo léo gắn những sợi dây vào các linh kiện dẻo khác.

"Có lẽ không có nhà máy nào khác có thể điều khiển bằng robot theo cách tương tự," một kỹ sư cho biết. Mọi công đoạn – trừ công đoạn đưa bản mạch vào và đóng gói thành phẩm – đều được tự động hóa. Sự pha trộn giữa con người và máy móc được tối ưu hóa một cách tỉ mỉ với ưu tiên sớm hoàn vốn đầu tư cho công ty.

"Tôi đã tạo ra một dây chuyền sản xuất mang lại lợi nhuận." Tổng kiến trúc sư của SGMO, ông Hiroyuki Kusakabe cho biết.

Vũ khí bí mật của PlayStation: Một nhà máy sản xuất gần như tự động hoàn toàn - Ảnh 4.

Một cánh tay robot gắp lấy một chiếc PS4 từ dây chuyền sản xuất để đưa sang khu vực kiểm tra.

Nguồn gốc của việc hình thành nên hoạt động sản xuất được tự động hóa cao độ này bắt nguồn từ việc ra mắt chiếc PlayStation đầu tiên vào năm 1994. Ông Teiyu Goto, người thiết kế nên chiếc máy console đầu tiên này, luôn tập trung vào việc tạo nên một máy chơi game có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt.

Vì vậy, ông Goto luôn thúc giục các kỹ sư tại nhà máy Kisarazu cải thiện năng suất. Công nghệ sản xuất luôn được tinh chỉnh để sau đó chuyển giao cho các nhà thầu sản xuất khác.

Khi một chiếc console gần hết vòng đời của mình trên thị trường, phiên bản thiết bị này sẽ trở thành nạn nhân của việc sụt giảm doanh số và gặp phải cạnh tranh trên thị trường. Chình vì vậy, việc dây chuyền sản xuất có thể tiếp tục mang lại lợi nhuận là nhờ vào các cải tiến liên tục trong hoạt động sản xuất.

Vũ khí bí mật của PlayStation: Một nhà máy sản xuất gần như tự động hoàn toàn - Ảnh 5.

Cứ sau mỗi 30 giây, lại có một chiếc PS4 được lắp ráp hoàn chỉnh ra đời.

Chiếc PlayStation 4, ra mắt vào tháng 11 năm 2013, đã bán được hơn 100 triệu chiếc trong suốt vòng đời của mình. Mạng lưới những người trả tiền thuê bao lên tới hơn 41,5 triệu người.

Trong những năm đó, chiếc máy console này đã mang về khoản doanh số 10.000 tỷ Yên (khoảng 93 tỷ USD) và 1.000 tỷ Yên (9,3 tỷ USD) lợi nhuận. Các con số này đã củng cố cho cuộc cải cách cơ cấu Sony do ông Kazuo Hirai khởi xướng – người đã làm chủ tịch và CEO của tập đoàn từ 2012 đến 2018. Chiếc console này giờ đóng vai trò trung tâm của một Sony mới, cùng với mảng phim ảnh, âm nhạc và các nội dung khác.

Mặc dù vậy, không có gì đảm bảo cho thành công của những chiếc console trong tương lai. Trước đây, dù chiếc PS2 đã tạo thành một cú hit trên thị trường khi ra mắt vào năm 2000, nhưng khi chiếc PS3 ra mắt, nó lại bị đối thủ Microsoft Xbox giành mất thị phần.

Hơn nữa, hiện tại áp lực đặt lên các máy chơi game này cũng lớn hơn trước. Không giống như trong quá khứ, thập kỷ tiếp theo của Sony Group sẽ phụ thuộc vào việc chiếc PS5 sẽ được thị trường đón nhận như thế nào khi nó ra mắt trong đợt nghỉ lễ tới đây.

Tham khảo Nikkei Asian Review

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM