• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ lăng mộ vợ vua bị san lấp: Nhiều điểm bất thường trong báo cáo, chưa thể thống nhất xây lại hay di dời

Thời sự 09/07/2017 09:19

(Tổ Quốc) - UBND TP. Huế vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về công tác giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục triển khai Dự án Bãi đỗ xe lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh. Tuy nhiên, theo những người liên quan, trong văn bản này lại có nhiều điểm bất thường.

Nhiều điểm bất thường trong báo cáo!?

Liên quan đến vụ việc lăng mộ vợ của vua Tự Đức bị san lấp trong quá trình triển khai dự án bãi đỗ xe, UBND TP. Huế vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về sự việc nói trên.

Theo đó, báo cáo cho biết sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo UBND TP. Huế đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với ông Đỗ Trọng Bướm, Tổ trưởng tổ dân phố 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân.

Báo cáo dẫn tường trình của ông Đỗ Trọng Bướm với tư cách là Tổ trưởng tổ dân phố, đồng thời là đại diện các hộ dân bị giải tỏa bởi dự án: “Cái lăng không có chủ, bỏ hoang đã lâu năm, thành không còn, cây mọc bao phủ, nấm mộ không còn hiện trạng. Ngay giữa ngôi mộ tàn phế có cây to gốc có đường kính khoảng 50cm. Nhìn bên ngoài cây cối bao phủ không thể phát hiện ra ngôi mộ bị tàn phế được”. 

 Ông Đỗ Trọng Bướm xác nhận với báo chí hoàn toàn khác với báo cáo.

Tuy nhiên qua trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Trọng Bướm lại xác nhận hoàn toàn khác. Ông Bướm khẳng định trước lúc bị san ủi, ngôi mộ của bà Tài nhân họ Lê có hình vuông, diện tích khoảng 40m2 vuông, tường thành xung quanh cao 70cm, tấm bia vẫn còn trên mặt đất, với khoảng cách từ 5-7m vẫn có thể nhìn thấy rõ ngôi mộ.

“Trước khi tiến hành dự án không thấy có đoàn nào lên khảo sát cả, tại vị trí bị san ủi có ngôi mộ cổ, lẽ ra trong lúc san ủi nếu thấy tấm bia thì phải dừng lại để di dời chứ không phải san ủi luôn, hôm đó tôi đi làm đồng nếu không tôi dứt khoát giữ lại tấm bia”, ông Bướm khẳng định.

Bà Trần Thị Sưa, (75 tuổi, tổ dân phố 11, phường Thủy Xuân - người có đất được đền bù nằm sát lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê bị san phẳng làm bãi đỗ xe) cũng khẳng định với phóng viên, lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê có hình thù giống như lăng bà Học Phi, nhưng có hình dạng nhỏ hơn. 

“Bốn bức tường xung quanh ngôi mộ vẫn còn nguyên hình thù, một số nơi có bị đổ vỡ nhưng vẫn còn nhìn thấy rõ. Chiếc cổng vòm vẫn còn khá nguyên vẹn, khi mưa tôi còn lên đó trú mưa. Ngày họ san ủi tôi có biết, cứ tưởng họ sẽ trừa lại hoặc đền bù rồi nhưng đến sáng hôm sau thì họ đã san phẳng rồi”, bà Sưa nói.

 Bà Trần Thị Sưa trao đổi với phóng viên về lăng mộ vợ vua Tự Đức.

Trao đổi với phóng viên, ông Tôn Thất Giáp - đại diện Hội đồng trị sự dòng tộc Nguyễn Phước cho rằng, vì bức xúc trước báo cáo không đúng thực tế của UBND TP. Huế nên Hội đồng dòng tộc sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều tra làm rõ hành vi xâm phạm mồ mả của các cá nhân, đơn vị liên quan.

“Trước đây, chúng tôi định không làm việc này vì nghĩ rằng họ có thiện chí”, ông Giáp cho biết.

Dòng tộc muốn giữ, chính quyền muốn dời

Trong một diễn biến liên quan, UBND phường Thủy Xuân (TP. Huế) đã có buổi làm việc với đại diện dòng tộc Nguyễn Phước, trung tâm Phát triển quỹ đất, trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Chuỗi Giá Trị để bàn phương án giải quyết vụ việc lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi lấy mặt bằng làm bãi đỗ xe.

 Dòng tộc Nguyễn Phước mong muốn giữ vị trí mộ vợ vua Tự Đức tại vị trí cũ.

Theo đó, UBND TP. Huế đề xuất phương án di dời lăng mộ của bà tài nhân họ Lê về gần vị trí lăng mộ bà Học Phi (vợ khác của vua Tự Đức). Tuy nhiên theo đại diện dòng họ Nguyễn Phước tộc, căn cứ vào bản vẽ mặt bằng tổng thể thì quỹ đất khu vực này không còn và ngay cả đường vào lăng bà Học Phi hiện cũng không có.

Và nếu có quyết định di dời lăng bà Tài nhân xuống gần lăng bà Học Phi cũng phải có thông báo cho con cháu trong dòng tộc. Dòng họ Nguyễn Phước tộc vẫn muốn giữ lăng mộ này tại vị trí cũ.

“Trước mắt, nguyện vọng của dòng tộc Nguyễn Phước là xây dựng nấm mộ tạm thời bằng xi măng để bảo vệ và có chỗ hương khói cho bà”, ông Tôn Thất Giáp chia sẻ.

 Hiện tại các bên liên quan vẫn chưa thống nhất được phương án dời hay xây lại lăng mộ tại vị trí cũ.

Các ý kiến tại cuộc họp cũng thống nhất yêu cầu chủ đầu tư dựng khung nhà bằng sắt, lợp tôn với diện tích 40m2 trên phạm vi của khu mộ. Phía trên khu huyệt đắp bằng đất sạch, thành bao xung quanh bằng lưới B40. Đồng thời, trong thời gian chờ ý kiến của UBND tỉnh, công ty TNHH TMDV Chuỗi giá Trị có trách nhiệm thuê người bảo vệ khu lăng mộ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa – Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, phường không có thẩm quyền trong việc quyết định di dời hay giữ lại vị trí cũ ngôi mộ.

“Việc di dời hay xây dựng lại ngôi mộ ở vị trí cũ là thuộc thẩm quyền của lãnh đạo TP và UBND tỉnh. Phường chỉ thực hiện chỉ đạo của thành phố, phối hợp với dòng tộc Nguyễn Phước và các cơ quan liên quan để lên phương án giải quyết vụ việc”, ông Hòa nói.

Thế Trung

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ