• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ máy bay rơi tại Syria: Trả giá nào cho Israel khi nội bộ Nga “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược“?

Thế giới 19/09/2018 11:35

(Tổ Quốc) - Tại sao Israel chấp nhận đẩy máy bay Nga đối mặt với tên lửa Syria và thái độ trái ngược giữa Tổng thống Putin và Bộ Quốc phòng Nga.

Cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai (17/9) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dẫn tới một lệnh ngừng bắn vào khu phi quân sự tại tỉnh Idlib – thành lũy cuối cùng của lực lượng đối lập và các nhóm vũ trang có liên hệ với khủng bố al-Qaeda tại Syria.

Cùng ngày, trong khi nhằm vào các phi cơ chiến đấu Israel và tên lửa Pháp, quân đội Syria đã vô tình bắn rơi một máy bay Il-20 của Nga,  khiến 15 người trên máy bay bị thiệt mạng.

Theo chuyên gia phân tích các vấn đề và an ninh quốc tế Mark Sleboda, những gì Bộ Quốc phòng Nga và Tổng thống Putin nói về vụ việc trên có những điểm đối lập trực diện. Cơ quan quốc phòng Nga miêu tả các máy bay Israel “đã cố tình tạo ra một tình huống nguy hiểm” khi sử dụng Il-20 làm lá chắn trước các tên lửa S-200 của Syria. Trong khi đó, ông Putin gọi đó là “một loạt các sự kiện bi thảm” và “một chuỗi các tình huống”.

“Khi con người qua đời, đặc biệt là trong những tình huống bi thảm như vậy, đó luôn là một thảm kịch, một thảm kịch cho tất cả chúng ta, cho toàn bộ đất nước và cho gia đình của những người bạn đã ra đi của chúng ta. Tôi xin bày tỏ sự thương tiếc tới gia đình của những người bị thiệt mạng trong vụ máy bay rơi”, Tổng thống Putin phát biểu hôm thứ Ba (18/9). “Chắc chắn chúng ta phải xử lý sự việc này một cách nghiêm túc nhất. Và thái độ của chúng tôi với thảm kịch đã được nêu rõ trong thông cáo của Bộ Quốc phòng”.

“Ông Putin rõ ràng đang cố gắng làm dịu vấn đề về mặt ngoại giao, theo một cách bạn có thể nói là giảm nhẹ những tuyên bố cứng rắn hơn rất nhiều phát đi từ Bộ Quốc phòng Nga”, chuyên gia Sleboda đánh giá.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Anh tại Syria, Peter Ford lại nhận định, “không thể hiểu được Israel đang nghĩ gì”. “Toàn bộ vụ việc có thể được coi là một tai nạn thảm khốc. Thật khó để tin rằng người Israel lại có thể để máy bay của mình đối mặt với một nguy cơ nào. Nếu tên lửa Syria bắn trúng một máy bay Israel, đó cũng đủ là một sự kiện lớn. Việc Israel chịu chấp nhận nguy cơ đó đã là một điều bất thường, chưa nói đến một máy bay Nga bị bắn trúng. Do vậy, động cơ phía sau rất khó nói”, ông Ford nói.

Theo cựu Đại sứ, nhiều người có xu thế làm giảm tính nghiêm trọng của vụ việc với lý do, “điều này thường xảy ra trong chiến tranh”. “Tuy nhiên, ông Putin muốn duy trì một trạng thái hòa hoãn ít nhất là về bề ngoài trong quan hệ giữa Nga và Israel. Nhiều lợi ích đã được đem lại nhất là trong thời gian gần đây, như việc Israel giảm thái độ phán đối trước sự xuất hiện của quân đội Syria hướng về cao nguyên Golan. Người Nga cho phép Israel tỏ ra chiếm ưu thế, từ đó trở nên dễ thỏa hiệp hơn. Tôi cho rằng, ông Putin đã nghĩ như vậy khi đưa ra phát biểu mang tính hàn gắn như vậy”.

Tuy nhiên, ông Ford cũng khẳng định,” Israel sẽ phải trả giá theo các luật lệ mới của Nga” tại Syria.

Ý định Nga, Thổ sau thỏa thuận ngừng bắn Idlib

Chuyên gia Sleboda chỉ ra, Tổng thống Putin đang nghiêng về phương thức ngoại giao khi đồng ý thỏa thuận ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm nổi dậy Syria tại tỉnh Idlib. Tuy nhiên, nhận định này vấp phải sự phản đối từ cựu Đại sứ Ford. Ông phân tích, trong hiệp định, Nga và quân đội Syria nắm quyền kiểm soát khoảng 10% lãnh thổ, bao gồm nhiều vùng chiến lược chính tại Idlib. Như vậy có nghĩa là, thỏa thuận đã đặt họ vào một vị thế ưu thế, chứ không phải là yếu thế hơn khi lực lượng nổi dậy “lùi bước”.

“Chiến dịch Idlib sẽ luôn đi theo từng giai đoạn, và chúng ta vừa chứng kiến Giai đoạn 1, và chính phủ Syria đã giành lại một phần lãnh thổ mà không phải nổ súng”, ông Ford nói.

Sleboda cũng đề cập tới việc sau hội nghị thượng đỉnh giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Tehran hôm 7/9, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu điều số lượng lớn “vũ khí, xe tăng... để tăng cường hỗ trợ cho các nhóm mà Ankara chống lưng tại Idlib; cũng như trực tiếp ra chiến trường đối mặt với quân đội Syria”. Theo ông, đây là một cách tuyên bố hiệu quả rằng, “nếu anh tấn công Idlib, đó sẽ là chiến tranh”. Chính điều này đã góp phần khiến người Nga “có bước lùi trong kế hoạch tổng tấn công giải phóng Idlib trước đó”.

“Kịch bản tốt nhất mà mọi người đang hy vọng từ thỏa thuận ngừng bắn gần đây đó là các tay súng cực đoan Syria mặc lên người bộ đồng phục của lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ… và tiếp tục ở lại Idlib nhưng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tổng thống Erdogan”, Sleboda cho biết.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, “đó không phải là một giải pháp, và nó sẽ không có kết cục tốt”. Sleboda chỉ ra, Ankara đang mở rộng cửa hợp tác với Hayat Tahrir Ash-Sham (HTS) - nhóm hiện có tiếng nói lớn nhất tại Idlib và từng quan hệ trực tiếp với al-Qaeda. Nếu HTS trở thành lực lượng thân cận với Thổ Nhĩ, thì đây sẽ là một “thế mạnh” cho Ankara mà nhiều nước trong khu vực không muốn chứng kiến.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Ford phân tích, chính quyền Erdogan đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn bởi vì họ hiểu được, chiến dịch tấn công tổng lực sẽ khiến hơn 1 triệu người tị nạn Syria tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên gia Sleboda đồng tình nhưng cũng cho biết thêm, mục tiêu của ông Erdogan có thể là di tản dân thường từ thành thị Idlib về vùng nông thôn hoặc đâu đó; rồi thành lập một quốc gia thân Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc Syria, tương tự như trường hợp của Bắc Cyprus.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ