• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụ người phụ nữ U60 rơi xuống vực Yên Tử: Dương xỉ và lạc tiên có tác dụng ra sao? Chuyên gia chỉ ra điểm mấu chốt để sinh tồn

(Tổ Quốc) - Ngoài cơm cháy, bà Nguyễn Thị Bích Liên đã ăn lá cây dương xỉ và củ lạc tiên, chắt lọc nước để sinh tồn trong suốt 7 ngày dưới vực sâu ở Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, may mắn sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực sâu ở Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh). Để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, bà cho biết đã chia nhỏ, ăn dần gói cơm cháy mang theo, nước thì bới trong bãi rác và những chai nước bị vứt xuống trước đó. Ngoài ra, bà còn hái thêm lá dương xỉ, củ lạc tiên để ăn và chữa vết thương. 

Trao đổi với chúng tôi ngày 4/5, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, hai loại cây dương xỉ và củ lạc tiên mà bà Liên sử dụng đều là những loài thực vật không độc, người dân có thể ăn bình thường. Đặc biệt, lạc tiên chứa chất an thần, giúp tinh thần đỡ bị hoảng loạn.

Vụ người phụ nữ U60 rơi xuống vực Yên Tử: Dương xỉ và lạc tiên có tác dụng ra sao? Chuyên gia chỉ ra điểm mấu chốt để sinh tồn - Ảnh 3.

Ngoài cơm cháy mang theo, bà Liên đã ăn lá cây dương xỉ và củ lạc tiên để sinh tồn

Theo lời bà Liên, để làm dịu các vết trầy xước, bà đã nhai lá dương xỉ rồi đắp lên các vết thương. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, dương xỉ vẫn được sử dụng làm thuốc trong Đông y.

"Tuy nhiên, để sống sót, quan trọng nhất vẫn là nguồn nước. Trên thực tế con người có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn uống quá 3-4 ngày. Người phụ nữ đã đào bới rác, biết cách tìm nước để duy trì sự sống", ông Vũ Quốc Trung nói.

Theo vị này, nếu không may rơi vào hoàn cảnh như bà Liên, đầu tiên người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, từ đó tìm hướng xử lý. Nếu ở trong rừng, những cây cỏ dại ven đường đều có thể là thực phẩm. 

Theo các nghiên cứu, dương xỉ thuộc nhóm thực vật không có hoa và hạt, sinh sản thông qua bào tử. Dương xỉ khá phong phú về giống loài, một số giống dương xỉ thực sự có thể ăn được và khá phổ biến ở châu Á. Do khả năng sinh sản thông qua bào tử, loài cây này yêu cầu môi trường sống ẩm ướt và nhiều cây gỗ, nơi cây có thể phát triển tối ưu. Tuy nhiên, cũng có một số giống dương xỉ có thể phát triển trong điều kiện sa mạc và thậm chí cả đá.

Còn về lạc tiên, theo Y học cổ truyền là loại cây có tác dụng an thần, giải nhiệt, mát gan, trị mất ngủ, ngủ hay mơ, suy nhược thần kinh, tim hồi hộp. Củ lạc tiên có hình tròn màu xanh, khi chín thì sẽ chuyển sang màu vàng. Vỏ củ rất mỏng, bên trong có nhiều hạt nhỏ và có dịch quả.

Vụ người phụ nữ U60 rơi xuống vực Yên Tử: Dương xỉ và lạc tiên có tác dụng ra sao? Chuyên gia chỉ ra điểm mấu chốt để sinh tồn - Ảnh 4.

Cây dương xỉ (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 27/4, bà Liên một mình bắt xe từ Hà Nội xuống Hạ Long để lấy thuốc, sau đó lên Yên Tử, lễ Phật tại chùa Đồng. Đây cũng là lần đầu bà đi Yên Tử. Khi đi xuống, bà bị tụt huyết áp nên ngồi nghỉ gần lan can chùa. Lúc đứng lên đi tiếp, bà bị choáng và ngã xuống vực sâu khoảng 30m.

Kêu cứu nhưng bất thành, bà Liên hai lần tìm cách leo lên nhưng lại bị rơi xuống dưới xa hơn 10m. Trong 7 ngày mắc kẹt dưới vực, bà sinh tồn bằng cách quấn nylon quanh người giữ ấm, chia nhỏ những bữa ăn, chắt lọc nước, liên tục dùng những vật dụng tạo âm thanh kêu cứu. 

Đến sáng 3/5, nghe thấy có tiếng người nói chuyện ở phía trên, bà Liên kêu cứu và được Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử phối hợp với các cơ quan chức năng cứu sống.

Người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử kể lại hành trình ăn rau rừng bới rác tìm nước để sống sót

Minh Nhân

NỔI BẬT TRANG CHỦ