Vươn mình sau đại dịch, TLD bứt phá tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ

(Tổ Quốc) - Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong 9 tháng đầu năm 2020 bị tác động mạnh bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, trong đó ngành chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam cũng chịu nhiều biến động.

Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2020 khi dịch bệnh dần được khống chế, thương mại sản xuất bắt đầu được phục hồi và hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại tại các quốc gia, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đã tăng trở lại, ước đạt gần 9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ và xây dựng các công trình hạ tầng dân dụng công nghiệp, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long (Mã chứng khoán: TLD) cũng đã có những sự chuẩn bị kịp thời để ứng phó với những thay đổi trên thị trường và đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đi vào ổn định, tăng trưởng ngay khi nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý 3/2020 của TLD, doanh thu thuần đạt 79.5 tỷ VNĐ. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của TLD đạt 8.56 tỷ VNĐ, cao gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 9 tháng doanh thu đạt 215 tỷ đồng, tăng thêm 10% so với cùng kỳ nhưng biên lợi nhuận nhảy vọt lên 12% từ mức 3,9% của cùng kỳ, điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng gấp gần 8 lần so với cùng kì 9 tháng năm 2019. Đây là minh chứng rõ nét cho sự lột xác của công ty, một sự thay đổi về bản chất sau một quá trình tích lũy kinh nghiệm và nội lực lâu dài.

Vươn mình sau đại dịch, TLD bứt phá tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ   - Ảnh 1.
Vươn mình sau đại dịch, TLD bứt phá tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ   - Ảnh 2.

Trong quý 3/2020, TLD đã hoàn thành việc phát hành tăng vốn điều lệ và cũng trong thời điểm này nhà máy tại khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Quảng Bình đã chính thức đi vào hoạt động trên quy mô diện tích gần 50.000m2 với công suất hoạt động lên tới 60.000m3 ván ép/năm. Sở hữu 06 nhà máy trên các tỉnh thành Việt Nam, tổng công suất sản xuất ván ép của TLD đạt trên 100.000 m3/năm, trung bình mang lại cho công ty trên 300 tỷ VNĐ doanh thu hàng năm.

Bên cạnh đó, các sản phẩm gỗ ván ép (được sản xuất tại Nhà máy Quảng Bình) của TLD đã được cấp giấy chứng nhận CARB P2 – chứng nhận ván công nghiệp không độc hại cho sức khỏe con người, có tính an toàn và thân thiện với môi trường. Tiêu chuẩn CARB P2 được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới và là tiêu chuẩn bắt buộc để các sản phẩm ván ép được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp gia tăng uy tín, thương hiệu ván ép của TLD tại thị trường trong và ngoài nước, đồng thời mở rộng thị trường đầu ra, đảm bảo doanh thu ổn định.

Với kết quả kinh doanh của công ty mẹ đạt được trong 9 tháng đầu năm, TLD kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2020 trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam hứa hẹn sẽ đón nhận một "đợt sóng đầu tư" mạnh từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Đài Loan, Châu Âu,… khi các nước đều muốn giảm thiểu sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Đây là dấu hiệu khả quan cho thấy sự ổn định và tiềm năng phát triển của ngành gỗ Việt Nam khi đứng trước các thách thức và cơ hội mới trong tương lai.

Trong quý 4/2020, công ty sẽ bắt đầu thực hiện thành lập và xây dựng 02 khu cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội với quy mô 11,2ha và Cụm công nghiệp Song Phượng với quy mô 5,8ha cũng sẽ đem lại cho công ty những kỳ vọng lớn trong ngành bất động sản công nghiệp. Và đặc biệt sẽ giúp công ty mở rộng thêm quy mô sản xuất ván ép và đồ gỗ tại 02 cụm công nghiệp này.

Ánh Dương

Tin mới