• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xã hội hóa truyền tải điện (P2): Vướng mắc gì trong việc bàn giao "0 đồng" đường dây tư nhân làm cho EVNNPT?

Kinh tế 04/12/2020 12:08

(Tổ Quốc) - Hiện tại, một số chủ đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo có văn bản đề nghị bàn giao lại đường dây truyền tải phục vụ đấu nối nguồn của các chủ đầu tư cho EVN/EVNNPT. Tuy nhiên, EVNNPT kiến nghị không thực hiện việc bàn giao các tài sản này, mà đề xuất ký hợp đồng quản lý vận hành thuê cho các chủ đầu tư.

Trình bày tại Hội thảo Khoa học "Những vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam", đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT trích dẫn Điều 27, Thông tư 5/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công thương ban hành "Quy định hệ thống điện truyền tải" quy định: Tài sản thuộc sở hữu của bên nào thì bên đó có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành theo các tiêu chuẩn và quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đại diện EVNNPT cũng nêu ra một số vướng mắc còn tồn tại trong việc đầu tư và quản lý vận hành lưới điện truyền tải đấu nối các nhà máy điện năng lượng tái tạo như sau.

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý và quy định pháp luật, hiện nay theo Nghị quyết 55/NQ-TW, Bộ Chính trị đã có chủ trương tương đối rõ về việc định hướng và xã hội hóa trong việc đầu tư và khai thác sử dụng lưới điện truyền tải, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. 

Tuy nhiên, mặc dù đã có chủ trương, định hướng nhưng các hệ thống văn bản Luật pháp của Nhà nước chưa có sự điều chỉnh phù hợp nên các chủ đầu tư bên ngoài EVNNPT đang thực hiện việc đầu tư và quản lý vận hành các công trình lưới điện truyền tải chưa thực sự đầy đủ về cơ sở pháp lý và cần phải sớm điều chỉnh lại quy định của Luật điện lực cùng các văn bản pháp luật có liên quan.

Xã hội hóa truyền tải điện (P2): Vướng mắc gì trong việc bàn giao 0 đồng đường dây tư nhân làm cho EVNNPT? - Ảnh 1.

Thứ hai, về công tác quy hoạch, phía EVNNPT cho biết, các công trình nguồn điện năng lượng tái tạo tăng lên rất lớn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lưới truyền tải phục vụ đấu nối và giải tỏa công suất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện chưa có một quy hoạch tổng thể về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và lưới truyền tải điện giải tỏa công suất đồng bộ, nên công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn cục bộ và thiếu tính tổng thể.

Điều đó khiến EVNNPT rất bị động trong quá trình triển khai công trình lưới điện truyền tải do quá trình triển khai một công trình lưới điện truyền tải mất tới 2-3 năm đối với đường dây 220kV và tới 5 năm đối với các công trình 500kV - lâu hơn nhiều so với thời gian đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời.

Việc quy hoạch cũng còn bất cập như việc còn nhiều đường dây đấu nối năng lượng tái tạo đấu nối thẳng lên các đường dây truyền tải điện trục chính (đặc biệt là các đường dây 500kV), gây ra khó khăn trong vận hành và không đảm bảo an toàn vận hành lưới điện khi các đường dây đấu nối có sự cố.

Thứ ba, về vấn đề thủ tục, EVNNPT cho biết còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư do trình tự thủ tục đầu tư hết sức phức tạp, thời gian kéo dài.

Thứ tư, liên quan đến việc quản lý tài sản và vận hành lưới điện truyền tải do các chủ đầu tư năng lượng tái tạo đầu tư, EVNNPT cho hay, hiện tại đã có một số chủ đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo có văn bản đề nghị bàn giao lại tài sản cho EVN/EVNNPT các công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nguồn của các chủ đầu tư sau khi đầu tư đưa vào vận hành.

Xã hội hóa truyền tải điện (P2): Vướng mắc gì trong việc bàn giao 0 đồng đường dây tư nhân làm cho EVNNPT? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, EVNNPT đã có các văn bản số 1182/EVNNPT-KH ngày 10/4/2019 và số 599/EVNNPT-KH ngày 27/2/2020 gửi Bộ Công thương, nêu rõ quan điểm: Đối với các công trình lưới truyền tải điện phục vụ đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống truyền tải điện quốc gia do chủ đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư xây dựng, chủ đầu tư sẽ sở hữu, không bàn giao lại tài sản cho EVNNPT. Quan điểm này xuất phát từ 3 khó khăn.

Đầu tiên, do không kiểm soát được quá trình đầu tư của các chủ đầu tư nên EVNNPT không thể kiểm soát chất lượng, chi phí đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án này, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro sự cố, hư hỏng thiết bị, tổn thất điện năng...

Tiếp theo, trong trường hợp không phải hoàn trả chi phí đầu tư, EVN/EVNNPT sẽ không thể thực hiện được vì không kiểm soát được các chi phí và thủ tục do các chủ đầu tư bên ngoài thực hiện trong toàn bộ quá trình đầu tư dự án, nên không thể đảm bảo tất cả các chi phí và thủ tục này có đúng các yêu cầu, quy định của nhà nước hay không để nhận bàn giao tài sản và hoàn trả chi phí.

Cuối cùng, trường hợp bàn giao tài sản với giá trị 0 đồng cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc theo luật hiện hành như giá trị tài sản đánh giá lại, thuế thu nhập bất thường (nếu bàn giao 0 đồng), chi phí quản lý vận hành tăng thêm, chưa có quy định về doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận tài sản từ chủ đầu tư tư nhân thành tài sản công...

Ông Nguyễn Ngọc Tân, thành viên HĐTV, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phân tích rõ, giá truyền tải của EVNNPT là 84,9 đồng/kWh, tương đương doanh thu khoảng 17 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 65-75% là chi phí khấu hao, còn lại là chi phí quản lý vận hành và chi phí khác cộng lại chiếm từ 20-30%. So với tài sản EVNNPT hiện nay khoảng 82 nghìn tỷ đồng, thì chi phí vận hành (OM) chiếm 6-7%. Nếu phân tích hiệu quả để đánh giá đưa vào quyết định đầu tư thì chi phí OM thường chiếm 10%. Như vậy, chủ đầu tư có bàn giao 0 đồng thì EVNNPT vẫn phải bỏ ra chi phí OM, nhà đầu tư có lợi còn EVNNPT thì mất thêm chi phí này.

Vì những vướng mắc trên, EVNNPT kiến nghị không thực hiện việc bàn giao tài sản các công trình lưới điện truyền tải do các chủ đầu tư xã hội hóa đầu tư cho EVNNPT. Trường hợp bàn giao cần được Chính phủ xem xét chỉ đạo vì liên quan đến các vướng mắc theo luật hiện hành và cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các Bộ ngành và cơ quan quản lý có liên quan.

Tuy nhiên, EVNNPT cũng kiến nghị có thể ký hợp đồng quản lý vận hành thuê cho các chủ đầu tư sau khi hoàn thành đầu tư các công trình điện.

Thái Quỳnh

NỔI BẬT TRANG CHỦ