• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng Kon Tum trở thành điểm du lịch quan trọng của tam giác Lào – Campuchia – Việt Nam

Du lịch 17/10/2018 10:42

(Tổ Quốc) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum trong thời gian tới.

Xây dựng Kon Tum trở thành điểm du lịch quan trọng của tam giác Lào – Campuchia – Việt Nam - Ảnh 1.

Thác Măng Bút , một địa chỉ du lịch hấp dẫn của Kon Tum - Ảnh báo Kom Tun

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Kinh tế - xã hội Kon Tum phát triển tương đối toàn diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, 6 tháng đầu năm tăng 7,9%, dự kiến cả năm 2018 tăng trên 9,25%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh...

Tuy nhiên, Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, còn khó khăn; quy mô kinh tế và thị trường còn nhỏ, nhiều tiềm năng lợi thế của tỉnh chưa được phát huy; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chưa bền vững, thiếu liên kết; các doanh nghiệp hầu hết là quy mô nhỏ, thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa cao, chỉ số PCI cấp tỉnh ở mức thấp, chất lượng nguồn lực còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển..Trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục khắc phục những hạn chế trên đồng thời tập trung quy hoạch lại kinh tế của các ngành, trong đó có nông nghiệp và du lịch…

Về du lịch, Thủ tướng yêu cầu Kon Tum cần đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc văn hóa các dân tộc; hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch và kết nối với các tuyến du lịch của địa phương khác; đẩy mạnh xúc tiến và khuyến khích người dân tham gia quảng bá du lịch; xây dựng Kon Tum trở thành điểm du lịch quan trọng của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Nằm trong khu vực Tây Nguyên, Kon Tum có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Kon Tum cũng như doanh thu du lịch ngày càng tăng trưởng.

Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp như Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 31 khu vực có tiềm năng phát triển Khu du lịch chuyên đề quốc gia. Vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý được ghi vào sách đỏ...

Xây dựng Kon Tum trở thành điểm du lịch quan trọng của tam giác Lào – Campuchia – Việt Nam - Ảnh 3.

Vẻ đẹp của những cánh đồng tại các buôn làng khi mùa lúa chín - Ảnh báo Kon Tum

Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 54%, có 7 dân tộc bản địa cư trú từ lâu đời như: Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, H’rê, Brâu và Rơ Măm và một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến, mỗi một dân tộc lại có những đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng, tạo nên các giá trị văn hoá vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bắc Tây Nguyên.

Kon Tum có rất nhiều làng, bản với những nếp nhà sàn nguyên sơ được gìn giữ qua nhiều thế hệ, cuộc sống quần cư thanh bình với các sinh hoạt văn hoá đặc sắc... thực sự là sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, một trong những nét văn hóa đặc sắc vô cùng nổi bật và không thể không nhắc đến đó là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, trong đó tỉnh Kon Tum vinh dự được đóng góp hai bộ chiêng Tha của người dân tộc Brâu. Các công trình, di tích kiến trúc văn hoá, nghệ thuật như: Nhà thờ gỗ, Chùa Bác Ái, Toà giám mục Kon Tum cũng thu hút một lượng du khách lớn khi đến Kon Tum.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ