• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Như một cơn “đau đẻ” vĩ đại

Sức khỏe 18/07/2019 15:25

(Tổ Quốc) - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang đã ví von như vậy khi kể lại quá trình từ khi xây dựng cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cuộc "đấu tranh" quyết liệt

Theo ông Nguyễn Huy Quang, quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia như một cuộc "đấu tranh" quyết liệt, kiên trì, bền bỉ và tưởng có lúc thoái trào. Tại sao Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được đánh giá là quyết liệt nhất so với xây dựng các luật khác là vì nó xung đột kinh tế đến rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

IMG_0511

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Luật đầu tiên có tác động đến doanh nghiệp đó là liên quan đến sữa công thức dành cho trẻ nhỏ. Thời điểm đó, liên minh của những doanh nghiệp đó còn lỏng lẻo nên quá trình xây dựng Luật cũng không khó khăn nhiều.

Tuy nhiên, đến trước khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thì những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã rút được kinh nghiệm. Nhóm lợi ích đó có cách thức, bước đi bài bản, liên minh chặt chẽ, đặc biệt họ có nguồn kinh phí để bỏ ra để tác động mạnh đến quá trình xây dựng Luật.

Mặc dù xung đột lợi ích đó có những lúc lên đến đỉnh điểm, thậm chí là đối kháng nhưng cuối cùng thì Quốc hội cũng đã thông qua được Luật Phòng, chống tác hại về rượu bia.

"Tôi lấy hình ảnh của quá trình xây dựng Luật này giống như cơn "đau đẻ" vĩ đại. Cơn đau đẻ này có lúc tưởng chừng chết cả mẹ lẫn con. Cũng có lúc tưởng chừng như nó sẽ dẫn đến tai biến sản khoa, có thể đứa con cũng được chào đời nhưng sẽ không được tròn trịa. Thế nhưng, khi Quốc hội bấm nút thông qua thì tất cả những người tham gia xây dựng Luật đã vỡ òa trong hạnh phúc." – ông Quang dẫn giải.

Sẽ tăng giá bán rượu, bia thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, để hạn chế các tác hại của rượu bia, trên thế giới hiện nay đang áp dụng nhiều biện pháp giảm sự tiếp cận và sẵn có của mặt hàng này.

Cụ thể đó là các biện pháp như quy định về đối tượng, phương thức và địa điểm bán, kiểm soát chặt chẽ về quảng báo, tài trợ rượu bia. Đặc biệt là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán của rượu bia.

Đối với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, chúng ta có thể tự tin nói rằng: "Sẽ tăng giá bán rượu bia thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt". Thứ hai là để giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận, Luật sẽ có những quy định liên quan đến vấn đề địa điểm, phương thức, và đối tượng bán…

Tuy nhiên, một vấn đề mà Luật vẫn chưa quy định được đó là thời gian bán bia, rượu. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng do điều kiện khách quan lẫn chủ quan nên vẫn chưa thể đưa vào Luật. Một điểm nữa đó là bán rượu bia thông qua internet, trong Luật có đưa vấn đề này vào nhưng lại chưa thể cấm.

"Với những đánh giá như trên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi được ban hành sẽ đáp ứng được khoảng 80%. Tuy nhiên, đánh giá này mới chỉ là ý kiến cá nhân của tôi qua sự so sánh những tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra" – ông Quang nói.

Được biết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với 408/450 đại biểu có mặt tán thành, bằng 84,30%.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ