• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Xé màn” quyền lực Nga với Đức và tồn vong NATO

Thế giới 27/07/2018 10:36

(Tổ Quốc) - Bốn lý do mà quan hê thương mại khăng khít Nga, Đức không dẫn đến những ảnh hưởng chính trị.

Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Helsinki với ông Putin, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Đức “đã hoàn toàn” bị Nga kiểm soát. Dẫn chứng mối quan hệ thương mại dầu mỏ và khí gas giữa Đức và Nga, ông Trump nói, Berlin đã trao “hàng tỉ USD cho Nga”, thế mà giờ đây, Mỹ lại phải “bảo vệ họ trước Nga”.

Trong khi nhiều chính trị gia uy tín – bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, tỏ ra không hài lòng với giọng điệu gay gắt của ông Trump; lại không một ai phản đối một nhận định trung tâm trong phát biểu trên: Đức đang chịu ảnh hưởng chính trị từ phía Nga bởi vì việc nhập khẩu năng lượng. Điều này được đánh giá là có thể giải thích cho những đóng góp hạn chế của Berlin vào NATO.

Trước đó, ông Ryan từng khẳng định sự phản đối của mình trước Nord Stream 2 - dự án ống dẫn nhiên liệu giữa Nga và Mỹ. Lập trường này cũng nhận được sự đồng tình từ phía các nghị sỹ Dân chủ. Thậm chí, có thể nói, chống lại Nord Stream 2 là một trong những chính sách quan trọng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, trang National Interest phân tích, quan hệ mua bán năng lượng không đem lại cho Nga bất kỳ ảnh hưởng ý nghĩa nào tới các quyết định chính trị của Đức. Nếu Mỹ không nắm rõ được điều này, họ sẽ rất khó để duy trì được những gì còn lại của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, cũng như có được cách cư xử hiệu quả nhất với Nga và EU.

Nga không thể gây sức ép với Đức bằng một lệnh cấm vận dầu mỏ. Berlin có thể dễ dàng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho Nga, nhất là trong thời điểm hiện nay khi đầu mỏ đang chủ yếu được bán tại một thị trường toàn cầu điều tiết giá cả.

Về phần khí gas tự nhiên, đúng là Nga đã sử dụng hệ thống đường ống dẫn để tăng ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng, trong đó, đáng kể nhất là việc cắt cung cấp gas cho Ukraine vào năm 2009. Tuy nhiên, Moscow lại không thể coi gas là một vũ khí chính trị đối phó với Đức. Có bốn lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, thị phần của Nga trong tổng giá trị nhập khẩu năng lượng nước Đức hiện tại, thực ra không nhiều. 40% khí gas của Đức đến từ Nga. Đáng lưu ý, thị phần mà Đức nhập khẩu từ Ba Lan và các nước Baltic còn vượt xa so vơi với Nga. Và các nước này đều không thể hiện lập trường thân thiện với Moscow. Ngoài ra, khí gas chỉ chiếm ¼ toàn năng lượng của Đức. Nói cách khác, chỉ 10% năng lượng của Đức là nhập khẩu từ Nga.

Thứ hai, để có thể sử dụng vào mục đích tạo ảnh hưởng chính trị, Nga sẽ phải ngừng cung cấp cho tất cả các thành viên EU, chứ không chỉ riêng Đức. Nguyên nhân là Brussels đã thực hiện các bước cần thiết để thống nhất thị trường năng lượng châu Âu. Những biện pháp này, đặc biệt được thiết kế để đối phó với các động thái từ Nga, ngăn ngừa các công ty Nga phân biệt đối xử giữa các khách hàng châu Âu.

Cả Berlin và Moscow có lẽ đều nhận thức rõ điều trên. Khi được hỏi liệu Nga có đang kiểm soát Đức thông qua năng lượng hay không, Maxim Bratersky, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế của Nga, trả lời một cách đơn giản: “tất nhiên là không rồi”.

Thứ ba, dừng cung cấp gas sẽ có tác động tiêu cực tới Nga nhiều hơn là Đức. Khối lượng khí gas bán cho châu Âu chiếm 1/3 tổng xuất khấu gas của Nga. Nguồn thu từ khí gas được cho là góp phần quan trọng vào việc ổn định giới tinh hoa của Nga trong cả chính trị và kinh tế. Đó hiện cũng là nguồn lợi nhuận chưa thể thay thế được của Nga.

Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, các hành động của Đức cho thấy một thực tế đi ngược lại những gì ông Trump đánh giá về sức mạnh của Nga. Mặc dù Nga là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Đức, Berlin vẫn là tiếng nói chủ lực trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, sau khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Đức sẵn sàng trả một cái giá đắt để gửi đến Nga một thông điệp mạnh  mẽ. Năm 2014, thương mại Nga – Đức giảm gần 1/3. Kể từ đó, các lệnh trừng phạt được gia hạn hết lần này tới lần khác, với Berlin giữa vai trò quan trọng trong việc kêu gọi sự đồng thuận chính trị của châu Âu.

Mối quan hệ Đức và Nga có thực sự như những gì Tổng thống Trump nhìn nhận?

Quốc phòng Đức và chính sách với NATO

Tương tự, nền quốc phòng Đức và chính sách với NATO cũng không chịu sự kiểm soát từ Nga. Đức là một trong những nước đóng góp chính vào chiến dịch đẩy mạnh sự hiện diện của Nga tại Ba Lan và các nước Baltic.

Về lý do tại sao ngân sách quốc phòng của Berlin lại thấp như vậy, một số chuyên gia viện dẫn truyền thống của người Đức là ưu tiên kinh tế và ngoại giao hơn so với chiến tranh. Sự thịnh vượng của Đức cho phép nước này có thể thực thi các biện pháp hòa bình một cách thành công.

Đức không cần sự bảo vệ của Mỹ trước Nga. Đáp trả lại Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định, “chúng tôi không phải là tù nhân, của Nga hay Mỹ”.

Tuyên bố này nhận được sự đồng tình của người dân Đức. Trong một cuộc trưng cầu dân ý gần đây, người Đức nhìn nhận ông Trump là một mối đe dọa lớn tới hòa bình thế giới, hơn là ông Putin.

Năm 2003, cùng với Nga, Đức phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Iraq. Tuy nhiên, đến năm 2014, cũng chính Đức lại “chung chiến tuyến” với Mỹ phản đối hành động của Nga tại Ukraine. Trong cả hai trường hợp, Berlin tỏ ra cân nhắc và làm những gì phù hợp nhất với lợi ích của mình. Và điều này chắc chắn cũng sẽ được áp dụng cho chính sách năng lượng của Đức.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ